Để hoàn thiện tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, các địa phương đã tích cực khơi nguồn lực từ nhân dân, góp phần tích cực vào việc xây dựng nếp sống văn hóa mới.
Người dân thôn Hoàng Gia, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) ủng hộ gần 200 triệu đồng để mua sắm bàn ghế, trang thiết bị nhà văn hóa thôn
Mục tiêu của xây dựng nông thôn mới (NTM) là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Do vậy những năm gần đây, các địa phương đều quan tâm tới việc hoàn thiện các tiêu chí văn hóa.
Gắn kết tình làng xómXã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) đang xây dựng NTM nâng cao. Không chỉ diện mạo của vùng quê thay đổi mà hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao... tại các thôn xóm cũng ngày càng đồng bộ, hoàn chỉnh. Nhà văn hóa hay những khuôn viên công cộng là nơi sinh hoạt chung giúp tình làng nghĩa xóm thêm gắn kết.
Nhà văn hóa thôn Hoàng Gia được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Toàn bộ ghế ngồi trong nhà văn hóa đều là tràng kỷ gỗ lim trị giá gần 200 triệu đồng cùng nhiều trang thiết bị hiện đại như ti vi, loa đài… Tất cả đều do người dân và con em quê hương đóng góp. “Đây không chỉ là điểm sinh hoạt thường xuyên của các câu lạc bộ thể dục thể thao mà còn là nơi để người dân gặp gỡ chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống thường ngày, là liều thuốc động viên tinh thần, giúp nhau vượt qua khó khăn”, anh Trần Văn Chung, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hoàng Gia chia sẻ.
Nhà văn hóa, dụng cụ và trang thiết bị là điều kiện quan trọng để thu hút nhân dân tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ở nông thôn. Do vậy, cùng với việc nâng cao thu nhập của người dân, xã Nhân Quyền (Bình Giang) cũng luôn quan tâm đầu tư cho các thiết chế văn hóa. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn được khôi phục. Các buổi biểu diễn văn nghệ dịp mừng Đảng, mừng xuân, phục vụ công tác tuyển quân và các nhiệm vụ chính trị - xã hội đều thu hút các câu lạc bộ văn nghệ và đông đảo nhân dân trong xã quan tâm.
Ông Nguyễn Văn Nhự, Chủ tịch UBND xã Nhân Quyền khẳng định, NTM không chỉ dừng lại ở xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập mà còn nâng cao đời sống tinh thần cho người dân nhằm khơi gợi những giá trị văn hóa tốt đẹp trong mỗi con người, mỗi gia đình và thôn xóm. Do vậy, dù đã đạt xã NTM kiểu mẫu từ năm 2021 nhưng địa phương vẫn tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cao tiêu chí văn hóa.
Hoạt động văn hóa, văn nghệ ở các thôn xóm là nơi để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp ở từng địa phương, xây dựng cộng đồng dân cư văn minh, đoàn kết, giúp đỡ nhau.
Các dụng cụ thể dục thể thao được trang bị đầy đủ, phục vụ nhu cầu tập luyện, vui chơi của cả trẻ nhỏ và người dân xã Nhân Quyền (Bình Giang)
Khơi nguồn lực nhân dânTừ nguồn xã hội hóa, nhiều xã đã đầu tư cải tạo, làm đường mới, cơ sở vật chất cho các trường học, mua sắm trang thiết bị phục vụ nhu cầu văn hóa trên địa bàn...
Ông Nguyễn Quang Hinh, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Vũ cho biết do nguồn kinh phí hạn hẹp nên xã chỉ đầu tư xây nhà văn hóa và lắp đặt một vài dụng cụ thể thao. Đây được coi như vốn mồi để huy động nguồn xã hội hóa của người dân. Khi đã hình thành thói quen tập thể dục thể thao, người dân ở các thôn, xóm tự đứng ra đóng góp kinh phí để mua sắm trang thiết bị tập luyện, sửa sang nhà văn hóa và đầu tư cho các hạng mục khác. Nhờ vậy, hệ thống thiết chế văn hóa được xây dựng đồng bộ, ngày càng phát huy vai trò, hiệu quả.
Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, những năm qua, các địa phương đã đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng NTM, đô thị văn minh”, khơi dậy tinh thần tự nguyện tham gia của mỗi người dân. Nhiều thiết thế văn hóa và các hoạt động văn hóa có sự quan tâm, tham gia đóng góp tích cực của các tầng lớp nhân dân. Hệ thống thiết chế văn hóa được xây dựng đồng bộ, ngày càng phát huy vai trò, hiệu quả tích cực. Các hoạt động văn hóa văn nghệ được duy trì như hát chèo, dân ca… đã góp phần giữ gìn, khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống. Cũng từ nguồn xã hội hóa, hằng năm tỉnh thường xuyên tổ chức các cuộc thi, liên hoan văn nghệ quần chúng từ tỉnh đến cơ sở, duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn.
Xã hội hóa các hoạt động văn hóa đã mang lại luồng sinh khí mới làm thay đổi nhận thức về vai trò của văn hóa trong đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, rút ngắn khoảng cách nông thôn và thành thị, góp phần tích cực vào việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn hóa mới theo hướng lành mạnh.
Trong hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, các thiết chế văn hoá, thể dục thể thao ở cơ sở được quan tâm đầu tư xây dựng. Phong trào thể dục thể thao quần chúng được duy trì rộng khắp và có bước phát triển, trên 30% số dân tập thể thao thường xuyên. Toàn tỉnh có trên 1.400 đội văn nghệ quần chúng, hơn 7.700 câu lạc bộ, hơn 1.300 tủ sách cơ sở. Phát triển rộng khắp các môn thể thao truyền thống của địa phương và các môn đang được phổ cập rộng rãi như: bóng chuyền, bóng bàn, bóng đá, bơi lội, cầu lông, thể dục dưỡng sinh, đi bộ, bóng chuyền hơi, xe đạp, dân vũ… Toàn tỉnh có trên 3.500 câu lạc bộ, điểm, nhóm hoạt động thể dục thể thao. |
TRẦN HIỀN