Muốn xã hội hóa văn học nghệ thuật, điều quan trọng nhất là Nhà nước phải có những chính sách cụ thể để thu hút, động viên các tổ chức, cá nhân đầu tư cho văn học nghệ thuật.
Chúng ta được nghe cụm từ “xã hội hóa” khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, các luật, bộ luật và văn bản quy phạm pháp luật khác. Vậy “xã hội hóa” là gì? Có thể hiểu một cách đơn giản nhất: Xã hội hóa là huy động nguồn lực của xã hội một cách hợp pháp để phát triển, tập trung cho một lĩnh vực gì đó. Nguồn lực ấy nằm ngoài ngân sách nhà nước.
Vậy “xã hội hóa văn học nghệ thuật” là việc huy động sự chung tay, đóng góp của các tổ chức, cá nhân cho sự phát triển văn học nghệ thuật.
Xã hội hóa văn học nghệ thuật có cần thiết không? Xin thưa là vô cùng cần thiết.
Bởi lẽ, nguồn ngân sách nhà nước hiện nay dành cho văn học nghệ thuật còn khá eo hẹp. Ngoài việc hỗ trợ mang tính chất động viên tinh thần cho hội viên các Hội Văn học nghệ thuật địa phương, các hội chuyên ngành trung ương, phần kinh phí dành để tổ chức các hoạt động văn học nghệ thuật cũng rất “khiêm tốn”. Nhuận bút, thù lao trong lĩnh vực văn học nghệ thuật cũng vẫn chỉ mang tính chất “tượng trưng”. Và, người làm văn học nghệ thuật thực ra chỉ “neo” lại với văn học nghệ thuật bởi tình yêu, bởi sự đam mê chứ động lực vật chất thật sự không đủ lớn với đại đa số văn nghệ sĩ.
Việc xã hội hóa văn học nghệ thuật, thứ nhất, sẽ có thêm nguồn lực về vật chất để hỗ trợ tổ chức các hoạt động trong lĩnh vực này như tổ chức triển lãm, giới thiệu tác phẩm, tổ chức các cuộc thi, vận động sáng tác... Đây là động lực to lớn để thúc đẩy văn học nghệ thuật phát triển và cũng là nguồn động viên lớn lao tới tầng lớp văn nghệ sĩ. Hơn nữa, việc xã hội hóa văn học nghệ thuật sẽ đưa văn học nghệ thuật đến với đông đảo công chúng, đưa văn học nghệ thuật vào sâu hơn với đời sống.
Thế nhưng, việc xã hội hóa bất cứ lĩnh vực nào chưa bao giờ là dễ dàng. Xã hội hóa văn học nghệ thuật lại càng khó khăn hơn nữa. Bởi lẽ với áp lực của cuộc sống hiện đại, thời gian vật chất của con người bị phân mảnh quá nhiều và phần dành cho thưởng thức văn học nghệ thuật nhiều khi bị cạnh tranh gay gắt với các hình thức giải trí khác. Vì thế với một bộ phận công chúng, văn học nghệ thuật là điều gì đó hết sức xa lạ. Từ chỗ xa lạ đó, việc để tổ chức, cá nhân đầu tư nguồn lực cho văn học nghệ thuật là một vấn đề khá nan giải.
Vậy làm thế nào để xã hội hóa văn học nghệ thuật thành công? Muốn xã hội hóa văn học nghệ thuật không phải chỉ giao cho các tổ chức hội “muốn làm thế nào thì làm”, mà điều quan trọng nhất là Nhà nước phải có những chính sách cụ thể để thu hút, động viên các tổ chức, cá nhân đầu tư cho văn học nghệ thuật. Xã hội hóa không thể chỉ trông chờ vào lòng hảo tâm của các cá nhân, tổ chức nào đó. Bởi như thế tuy rằng rất tốt nhưng hoàn toàn không bền vững và vẫn mang tính may rủi, xin-cho nhiều hơn. Trong khi đó, văn nghệ sĩ và tự thân văn học nghệ thuật không phải là những đối tượng cần cầu xin vật chất từ ai.
Xã hội hóa văn học nghệ thuật chỉ có thể phát huy được nếu có những chính sách ưu đãi cụ thể cho các tổ chức, cá nhân có đóng góp, đầu tư cho văn học nghệ thuật, ví dụ như chính sách ưu đãi về thuế, về đất đai... Điều này cần được quy định một cách cụ thể, rõ ràng, theo hướng hai bên cùng có lợi. Những người đầu tư cho văn học nghệ thuật cũng có lợi từ sự ưu đãi của Nhà nước và văn học nghệ thuật có thêm nguồn lực để phát triển.
Hiện nay, đã có những mô hình xã hội hóa văn học nghệ thuật khá thành công, nhưng những mô hình đó thực sự ít ỏi, nếu không muốn nói là hiếm hoi và vẫn phụ thuộc vào những con mắt “biệt nhỡn liên tài” của các tổ chức, cá nhân biết yêu mến, trân trọng văn học nghệ thuật. Cho nên, điều cần nhất lúc này chính là hệ thống chính sách đặc thù riêng biệt cho việc đầu tư vào văn học nghệ thuật. Có như thế, việc xã hội hóa văn học nghệ thuật mới thực sự ý nghĩa và sâu rộng.
NGUYỄN THỊ VIỆT NGA