Di tích

Xã Thúc Kháng (Bình Giang) xã hội hóa trùng tu, tôn tạo các di tích

HUYỀN TRANG 01/05/2024 14:28

Trong những năm qua, xã Thúc Kháng (Bình Giang, Hải Dương) đã tập trung huy động nguồn lực xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử trên địa bàn.

Nhờ vào nguồn lực xã hội hóa, đình Châu Khê đã thoát cảnh xuống cấp
Nhờ nguồn lực xã hội hóa, đình Châu Khê đã được trùng tu

Phát huy nguồn lực

Theo anh Vũ Đức Hữu, Phó Chủ tịch UBND xã Thúc Kháng, địa phương có nhiều di tích lịch sử. Sự tồn tại của các di tích có ý nghĩa lớn trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên trải qua thời gian, nhiều hạng mục của các di tích đã xuống cấp, cần tu bổ, trong khi kinh phí từ nguồn ngân sách còn hạn chế. Xã đã có chủ trương kêu gọi nguồn lực xã hội hóa.

Đời sống của nhân dân địa phương hiện nay khấm khá hơn. Vốn có làng nghề chế tác vàng bạc, nhiều người con quê hương đã mang nghề này đến các địa phương khác và làm ăn, kinh doanh phát đạt. Do vậy, việc huy động nguồn lực xã hội hóa khá thuận lợi.

Việc kêu gọi, vận động tài trợ được xã thực hiện bằng nhiều phương thức như thông báo trên hệ thống loa truyền thanh của xã, qua mạng xã hội Facebook, Zalo, gửi thư ngỏ đến những người con xa quê hương… Nhiều người con xa quê đã thể hiện tâm đức với quê hương, nguồn cội bằng việc đóng góp hoặc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, tôn tạo di tích. Trước khi triển khai thực hiện, địa phương đã xin ý kiến của các cấp có thẩm quyền, bảo đảm quy trình, thủ tục đầu tư, tu bổ di tích. Những thông tin về số tiền do doanh nghiệp hỗ trợ, nhân dân đóng góp được công khai, thường xuyên đọc trên loa truyền thanh để nhân dân nắm được.

Anh Phạm Duy Cơ, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Châu Khê cho biết: "Việc kêu gọi, vận động đã nhận được sự ủng hộ của người dân. Bà con đã cung tiến nhiều hiện vật, tích cực tham gia đóng góp ngày công lao động trong quá trình trùng tu, tôn tạo di tích”.

Nhiều di tích được tu bổ

tu-bo-3.jpg
Hiện nay, nhiều hạng mục của chùa Sùng Ân như khu tam bảo, nhà tổ, nhà mẫu, tam quan… đang được trùng tu, tôn tạo

Đình Châu Khê tọa lạc ở thôn Châu Khê được xây dựng vào thời Lê, thờ thành hoàng làng là Dực Hổ hầu Hải Dương đạo bình nguyên Đại tướng quân Phạm Sỹ. Năm 1991, đình chùa Châu Khê được xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Trải qua thời gian, toàn bộ sân vườn của đình đều thấp hơn đường làng, không có rãnh thoát nước nên mỗi khi mưa sân đình biến thành nơi chứa nước. Gạch xây, vữa trát và lớp ve phủ mặt tòa đại đình đã hư hỏng, tường bị nứt mạch, bề mặt loang lổ mốc đen, phía dưới chân vữa mủn tróc lộ gạch.

Năm 2023, đình Châu Khê đã được tu bổ, tôn tạo các hạng mục: đại đình, tả vu, hữu vu, nghi môn, nhà thủ từ, nhà bia, cảnh quan sân vườn với tổng mức đầu tư 38 tỷ đồng. Trong đó, Quỹ Thiện Tâm (Vingroup) ủng hộ 35 tỷ đồng, còn lại do nhân dân đóng góp.

Chùa Sùng Ân trước đây toạ lạc trên thế đất hình hoa sen trên thân rồng chầu phía trước làng. Tương truyền nhờ một nhà nho tinh tường phong thuỷ địa lý chỉ cho nơi có rồng chầu phía sát chân đê của phía đông sông Cửu An, các bậc tiền nhân đã chuyển về xây dựng chùa và đặt tên là Liên Hoa tự. Đến thời nhà Nguyễn niên hiệu Bảo Đại năm Tân Mùi (1931) chùa được đại trùng tu và đổi tên thành Sùng Ân tự.

Hiện nay, chùa Sùng Ân ở thôn Châu Khê cũng đang trong giai đoạn trùng tu một số hạng mục khu tam bảo, nhà tổ, nhà mẫu, tam quan, gác chuông, tôn tạo, xây dựng nhà khách, cổng phụ… với tổng dự toán 36 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp hỗ trợ 35 tỷ đồng. Trước đó, chùa đã bị xuống cấp nghiêm trọng, các kết cấu tàu mái, kèo, hoành bị mối mọt, hầu hết đã mục ải, không còn khả năng chịu lực; có nguy cơ bị sập đổ, mái vỡ dột. Diện tích chùa nhỏ hẹp, thiếu không gian để nhân dân, Phật tử chiêm bái.

tu-bo1.jpg
Miếu Châu Khê được tôn tạo, tu bổ năm 2022 (ảnh tư liệu)

Miếu Châu Khê được xây dựng vào khoảng năm Canh Dần (1290) thờ Phạm Sĩ - người có công với dân với nước. Di tích này bị xuống cấp, nhiều cấu kiện bị hư hỏng, mối mọt, nhiều mảng tường bị nứt, bong tróc. Năm 2022, công trình tu bổ miếu Châu Khê được bắt đầu triển khai và hoàn thành vào cuối năm. Tổng kinh phí tôn tạo, tu bổ gần 13 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Vingroup hỗ trợ 12,5 tỷ đồng, số tiền còn lại do nhân dân địa phương và con em xa quê đóng góp.

Như vậy, từ năm 2022 đến nay, xã Thúc Kháng đã thực hiện trùng tu 3 di tích lịch sử với tổng kinh phí 87 tỷ đồng, trong đó số tiền do các doanh nghiệp hỗ trợ 82,5 tỷ đồng.

Việc huy động nguồn xã hội hóa giúp kịp thời nâng cấp các di tích ở Châu Khê, chống xuống cấp, đồng thời phát huy giá trị di tích trong đời sống nhân dân. Các di tích sau khi được trùng tu, tôn tạo ngày càng phát huy giá trị, thu hút đông đảo nhân dân, du khách thập phương tới tham quan, chiêm bái.

HUYỀN TRANG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xã Thúc Kháng (Bình Giang) xã hội hóa trùng tu, tôn tạo các di tích