Dịp Tết Canh Tý 2020 trùng vào thời điểm đổ ải. Do vậy, cùng với vui xuân đón Tết, người dân và các đơn vị liên quan không quên lịch lấy nước để chuẩn bị cho vụ đông xuân tới.
Lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đi kiểm tra, động viên công nhân làm việc trong dịp Tết
Khác với Tết những năm trước, trận mưa rào bất ngờ từ đêm 30 đến hết mùng 1 Tết đã khiến nhiều diện tích đất được bổ sung thêm nước đổ ải. Mặc dù trận mưa này đã ảnh hưởng đến không khí đón Tết của người dân nhưng lại giúp những người làm công tác thuỷ lợi vơi bớt nỗi lo thiếu nước.
Ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng) cho biết xã Ngọc Liên là khu vực cuối cùng của huyện, cốt đất cao nên nhiều diện tích đất sản xuất có nguy cơ bị thiếu nước. Nhờ trận mưa đầu năm, nhiều diện tích nước đã được đổ ải một phần. "Nhưng không vì thế mà chúng tôi chủ quan vì thời tiết diễn biến bất thường. Ngay chiều mùng 1 Tết, HTX đã yêu cầu các thôn sẵn sàng lấy nước để tích trữ tối đa vào hệ thống phục vụ đổ ải và tưới dưỡng cho lúa. Trước đó, chúng tôi cũng đã nạo vét bể hút sâu hơn những năm trước và khơi thông mương máng để tích trữ tối đa nước vào hệ thống", ông Ngọc nói.
Công nhân trạm bơm Cầu Ghẽ (Cẩm Giàng) kiểm tra hoạt động của các máy bơm
Theo ông Vũ Xuân Lợi, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang), mặc dù năm nay dự báo thiếu nước nhưng HTX không lo lắng vì toàn bộ diện tích sản xuất của thị trấn nằm ở ngay đầu trạm bơm Cầu Sộp. Dù mới kết thúc đổ ải đợt 1 nhưng phần lớn diện tích đất sản xuất của địa phương đều đã có nước. Ngoài trạm bơm Cầu Sộp do Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) huyện quản lý, HTX còn 1 trạm bơm nhỏ với công suất 1.500 m3/giờ.
Vụ chiêm xuân năm nay, huyện Bình Giang có kế hoạch gieo cấy hơn 6.000 ha lúa. Đây là một trong những địa phương gặp nhiều khó khăn trong lấy nước đổ ải do phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Xí nghiệp KTCTTL huyện thực hiện phương châm đưa nước đến đâu, làm đất và gieo cấy đến đó, giảm thiểu thời gian lấy nước đổ ải, không để lãng phí nước và điện. Từ những ngày trước Tết, công nhân thủy nông cùng nông dân và chính quyền địa phương đã tập trung nhân lực, vật lực lấy nước vào đồng ruộng, đồng thời trữ nước tối đa vào kênh mương, hồ ao… Đến mùng 2 Tết, hơn 50% diện tích đất sản xuất của huyện đã được đổ ải chuẩn bị cho việc làm đất.
Công nhân trạm bơm Cầu Sộp (Bình Giang) vớt bèo rác
Theo Chi cục Thuỷ lợi, trong ngày đầu tiên của năm mới, Xí nghiệp KTCTTL ở các huyện, thị xã, thành phố đã vận hành 50 trạm bơm để lấy nước đổ ải. Cùng với các trạm bơm do doanh nghiệp quản lý, các HTX dịch vụ nông nghiệp cũng tích cực bơm tích trữ nước đổ ải. Các huyện thuộc vùng thuỷ triều cũng tận dụng tối đa các đỉnh triều để mở cống lấy nước từ hệ thống sông ngoài. Đến hết mùng 1 Tết đã có hơn 42% diện tích đất sản xuất được đổ ải.
Ông Nguyễn Văn Bột, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên KTCTTL tỉnh cho biết mặc dù cơn mưa trái mùa vào đầu năm mới không chỉ giúp bổ sung nước mà còn làm giảm mức độ ô nhiễm ở một số khu vực trong hệ thống Bắc Hưng Hải. Tuy nhiên, không vì thế mà doanh nghiệp chủ quan với việc lấy nước đổ ải. Do vậy, công ty yêu cầu các xí nghiệp thành viên cử người túc trực để bơm nước, sẵn sàng lấy nước khi nguồn nước bảo đảm chất lượng. Lãnh đạo công ty cũng đã tới thăm hỏi, động viên công nhân làm việc trong dịp Tết".
Công nhân Xí nghiệp Khai thác công trình thuỷ lợi huyện Ninh Giang mở cống dưới đê để lấy nước
Song song với đón Tết vui xuân, chính quyền các địa phương cần quán triệt các ban, ngành, đoàn thể và người dân quan tâm đến sản xuất, đặc biệt là tranh thủ thời gian lấy nước đổ ải, sử dụng nước tiết kiệm, tránh lãng phí và bảo đảm thời vụ.
TRẦN HIỀN