Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, huyện Thanh Hà đã có những phương án chủ động kết nối với doanh nghiệp, thương lái tiêu thụ vải thiều.
Người dân xã Thanh Cường đang thu hoạch vải sớm
Đưa vải lên sàn thương mại điện tử
Năm nay là năm đầu tiên vải thiều Thanh Hà được đưa lên các sàn thương mại điện tử Alibaba.com, Voso.vn, Sendo.vn và Lazada.vn. Khoảng giữa tháng 5, vải sẽ chính thức được bán trực tuyến tại các kênh trên. Bán hàng trực tuyến giúp người dân mở rộng thị trường tiêu thụ hơn. Huyện Thanh Hà đang tích cực phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) để hoàn tất các thủ tục đưa vải lên sàn.
Để bảo đảm quả vải chất lượng, đủ tiêu chuẩn lên sàn, các đơn vị trên đang phối hợp hướng dẫn người dân sản xuất đúng quy trình, sử dụng hiệu quả tem truy xuất nguồn gốc, cung cấp đầy đủ thông tin về vải thiều Thanh Hà. Đây là năm đầu tiên nên huyện Thanh Hà dự kiến tiêu thụ khoảng 2.000 tấn vải qua các sàn thương mại điện tử. Ông Đặng Văn Hùng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Thanh Cường cho biết nhiều ngày nay cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cán bộ huyện Thanh Hà thường đến kiểm tra các vùng vải đủ điều kiện, tiêu chuẩn đưa lên sàn thương mại điện tử. "Chúng tôi và người trồng vải rất mừng vì trong lúc dịch bệnh phức tạp thế này quả vải lại có thêm một hướng đi mới", ông Hùng nói.
Bên cạnh việc hỗ trợ người dân tiêu thụ vải bằng hình thức trực tuyến, huyện Thanh Hà đã chủ động tổ chức các hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đến nay, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ đã cam kết thu mua khoảng 1.000 tấn vải; Công ty CP Ameii Việt Nam thu mua khoảng 2.000 tấn... để tiêu thụ sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Singapore...
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên vải xuất khẩu sang thị trường mới có khả năng không nhiều. Năm nay ngoài Trung Quốc, huyện Thanh Hà đặc biệt quan tâm tiêu thụ nội địa. Hiện đã có nhiều siêu thị như BigC, VinMart, hệ thống cửa hàng nông sản sạch BigGreen... đến thăm các vùng vải, dự kiến mỗi đơn vị sẽ thu mua từ 300-500 tấn vải. Huyện khai thác tối đa, kết nối tiêu thụ vải tại các chợ đầu mối, tỉnh, thành phố trong cả nước.
Năm nay, sản lượng vải của huyện Thanh Hà ước đạt khoảng 40.000 tấn, trong đó có 25.000 tấn vải sớm, còn lại là vải chính vụ. Hiện giá vải sớm u trứng trắng từ 60.000-80.000 đồng/kg. Huyện vừa được cấp thêm 18 mã vùng trồng, nâng tổng số lên 35 vùng có mã số vùng trồng. Dự kiến cuối tháng 5 sẽ có khoảng 250 ha vải được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Ông Phạm Đức Ban, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Quang cho biết dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng huyện và các sở, ngành rất quan tâm xúc tiến tiêu thụ, sẽ không có chuyện "giải cứu" vải như những nông sản khác.
Vải sớm được tiêu thụ thuận lợi ở thị trường trong nước
Chủ động phòng dịch
Trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, nửa cuối tháng 5 tỉnh sẽ tổ chức lễ mở vườn thu hoạch, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều và đầu tháng 6 tổ chức lễ hội vải thiều. Để bảo đảm các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải diễn ra an toàn, huyện Thanh Hà đã chuẩn bị chu đáo phương án phòng dịch. Năm nay thương lái người Trung Quốc không đến đặt điểm cân thu mua trực tiếp tại Thanh Hà nhưng ủy quyền cho một số thương lái, chủ cơ sở cân vải ở địa phương. Lực lượng chức năng của huyện đã tăng cường kiểm tra, yêu cầu khai báo y tế đối với những người từ tỉnh khác đến thu mua vải. Các điểm thu mua vải phải chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn, bố trí giãn cách để đóng gói sản phẩm.
Huyện tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến, kết nối tiêu thụ bằng hình thức trực tuyến qua Zalo, Facebook, YouTube, truyền hình... đề xuất với các sở, ngành tạo điều kiện cho xe về thu mua vải. Khi dịch diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 huyện sẽ thành lập các chốt phun khử trùng, sát khuẩn, kiểm tra thân nhiệt tất cả lái xe thu mua vải ra vào địa bàn; tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp, thương nhân thu mua sản phẩm chủ động bố trí đủ số người, phương tiện vận chuyển, bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch.
Bà Hoàng Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thanh Hà cho biết vải sớm đầu mùa vẫn đang thu hoạch rất thuận lợi. Huyện tích cực tuyên truyền cho người dân không nên hoang mang, lo lắng, tập trung sản xuất theo đúng quy trình để quả vải chất lượng, uy tín. Ngoài việc xuất khẩu, tiêu thụ vải tươi, huyện cũng sẽ kết nối với các doanh nghiệp đến thu mua vải chế biến thành nhiều mặt hàng đa dạng như nước ép, giấm, vải sấy khô...
Xem clip
MINH NGUYỆT