Trong sắc đỏ vải thiều xứ Đông

22/06/2023 06:31

"Ai có nghe tên vải Thanh Hà/Tiếng đồn vang vọng khắp gần xa/Ngọt ngon thơm thảo như lòng mẹ/Đượm nghĩa tình trái vải quê ta…". Thơ của tác giả Nguyễn Đình Huân dẫn dắt tôi đi trên con đường về vùng vải nức tiếng đất Thanh Hà. Những vườn trải dài ngút ngàn nhuộm một màu đỏ rực lên không gian làng quê yên bình.


Về đất vải, du khách được thưởng ngoạn cảnh đẹp làng quê dưới những tán vải chín đỏ . Ảnh: Thành Chung

Chong đèn thu hái vải

 Không khí trong lành của vùng quê yên ả buổi sáng tinh mơ thơm nức mùi vải chín. Sau khi chất đầy những chùm vải vào hai sọt lớn, anh Nguyễn Văn Dũng (ở xã Thanh Sơn) chở vải ra đường tỉnh 390 để bán cho thương lái. Hai bên đường có khá nhiều điểm thu mua. Đến điểm thu mua thứ ba, hai sọt vải nặng trĩu của anh Dũng nhanh chóng được xếp lên xe tải. “Tôi cũng muốn bán được vải nhanh để về vườn chở tiếp, nhưng chưa được giá. Phải chọn điểm nào mua giá cao hơn mới bõ công”, anh Dũng xởi lởi nói sau khi bán hết vải cho thương lái.

Để có được những xe vải đầy ắp giao cho thương lái, nhiều gia đình ở thôn Thúy Lâm (xã Thanh Sơn) đã chong đèn suốt đêm bên những gốc vải. Có hơn 6 mẫu vải nên thời gian này, gia đình ông Cao Xuân Vượng đều dậy từ 3-4 giờ sáng đến vườn thu hoạch vải. “Chúng tôi có tuổi nên đi giờ đó là muộn. Các hộ khác ở đây bẻ vải từ 2 giờ sáng", ông Vượng chia sẻ.

Đồ nghề của người đi bẻ vải chỉ có đôi găng tay. Các bà, các cô thì đội nón, chít khăn trên trán để thấm mồ hôi. Ông Vượng rót nước chè tươi ra cốc, mời khách rồi tiếp lời: “Chăm cây vải không quá mệt, chủ yếu chỉ nhặt cỏ, bón phân đúng cách”. Vừa nói, ông vừa bóc một quả vải giới thiệu với tôi về chất lượng vải vườn nhà mình. Quả vải nhà ông Vượng cùi dầy, mọng nước và hạt nhỏ.

“Ông Vượng bẻ được nhiều vải chưa?”, có tiếng nói đằng sau những gốc vải. Ông Vượng cười vui vẻ nói như khoe: "Hàng xóm lại sang bẻ vải giúp đó”. Ở Thanh Hà tình nghĩa xóm giềng gắn bó sâu nặng, mùa vải hàng xóm sang chơi, chuyện trò với nhau được tính bằng những chùm vải. “Hôm nay có người lấy hai tạ vải, gia đình tôi phải bẻ xuyên trưa mới kịp cân” - ông Vượng cho biết. Dưới bàn tay thoăn thoắt của các bà, các cô, của cả những người đàn ông chân chất mộc mạc, mỗi chùm vải tầm 3 kg chắc nịch, đẹp mắt được xếp gọn vào tán cây mát, phủ lá để giao cho thương lái.


Du khách trải nghiệm bằng thuyền trên sông
Ảnh: Thành Chung

Tiềm năng cất cánh du lịch 

Về Thanh Hà tháng 6 này không chỉ gặp những xe tải về thu mua vải mà còn nhộn nhịp những đoàn xe đưa khách từ nhiều tỉnh, thành phố và cả khách nước ngoài tới tham quan, du lịch. Nhiều du khách ví von Thanh Hà là “miền Tây thu nhỏ”. Gọi như vậy cũng có lý, vì hiếm có nơi nào lại có sông ngòi chằng chịt và vườn tược sum suê như đất Thanh Hà. Các con sông lớn như Thái Bình,  Rạng,  Văn Úc, Hương ôm ấp, bồi đắp dòng phù sa dịu ngọt cho Thanh Hà bốn mùa cây trái tốt tươi.

Mùa này, khu du lịch sinh thái Đồng Mẩn – Đồng Quao đẹp như một bức tranh thủy mặc. Trên là màu xanh của cây lá pha với sắc đỏ rực rỡ của vải chín, dưới là dòng nước chảy êm ả, uốn lượn qua những bờ kênh xanh mát.

Chị Phạm Thị Liêm, ở tiểu khu du lịch sinh thái Đồng Mẩn, thôn An Lão, xã Thanh Khê (Thanh Hà) đã biến vườn vải rộng khoảng 3 mẫu thành địa điểm du lịch. Chị Liêm cho biết: “Từ mùa vải năm 2022, vườn chính thức mở cửa cho khách vào tham quan, trải nghiệm hái vải”. Anh Vũ Đình Phóng (giảng viên Trường Đại học Đại Nam) - một du khách đang tham quan tại đây chia sẻ: “Cái thú vị là về Thanh Hà không chỉ được ngắm vườn vải bạt ngàn, đỏ rực, thưởng thức những trái vải chín tươi ngon tại cây mà còn được ngồi trên con thuyền nhỏ, khua mái chèo tận hưởng không gian sông nước thanh bình”.

Một địa điểm du lịch khác mang giá trị văn hóa, lịch sử của người dân “xứ vải” chính là cây vải tổ ở thôn Thúy Lâm. Trải qua gần 200 năm, cây vải tổ đã mang đến không biết bao mùa quả ngọt, đã “gửi” hạt của mình đi ươm mầm ở nhiều nơi. Chị Nguyễn Thị Đào (ở Hà Nội) vừa ngắm cây vải tổ vừa chia sẻ: "Mọi năm, đến vụ vải chín, mình luôn nhờ người quen mua hộ. Ngoài mua để ăn, mình còn đem tặng, ai ăn cũng khen ngon. Năm nay mình trực tiếp về đây tham quan và sẽ giới thiệu với bạn bè, người thân về Thanh Hà để trải nghiệm sự thú vị, độc đáo của vùng miệt vườn thu nhỏ”.

Trong sắc đỏ của vải thiều đất Thanh Hà còn chứa đựng tầng sâu văn hóa với khoảng 300 di tích lịch sử văn hóa gồm đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ, văn chỉ gắn với các loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo như múa rối nước Thanh Hải có lịch sử trên 300 năm; lễ hội truyền thống chùa Hào Xá có trên nghìn năm tuổi; chùa Minh Khánh - di tích lịch sử cấp quốc gia, có từ thế kỷ XIII. Năm 2022, khu sinh thái Đồng Mẩn đón hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, trong đó có nhiều đoàn khách quốc tế.  

LÊ TUYẾN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trong sắc đỏ vải thiều xứ Đông
    ss