Nuôi cá lồng trên sông đang mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ dân trong tỉnh. Nhưng do địa hình sản xuất trên sông nên dễ gây mất an toàn điện.
Dây dẫn điện gây mất an toàn khi người dân chỉ gá tạm lên các cột bằng sắt
Khu nuôi cá của gia đình ông Nguyễn Xuân Thực (ở thôn Chi Đoan, xã Cộng Hòa, Nam Sách) hiện có 22 lồng cá, chủ yếu là các loại trắm, chép. Để phục vụ chăn nuôi, gia đình ông Thực tự kéo đường điện sinh hoạt ra khu lồng bè cá nên đường dây điện không bảo đảm chất lượng, các cột sắt cũng được tận dụng thấp ngang đầu người. Các ổ điện, đường điện được đấu nối qua loa, có điểm nối bằng băng dính rất sơ sài... Thường ngày, gia đình ông Thực sử dụng điện chiếu sáng và sục tạo khí cho cá. Vào tháng cao điểm, gia đình ông mất trên 3 triệu đồng tiền điện. Lượng điện tiêu thụ khá lớn nhưng hệ thống dây điện lại chưa được ông Thực quan tâm. Dây điện được kéo ra tận các bè cá cũng chỉ là loại dây điện thông thường, không có biện pháp bảo vệ để tránh tác động của thời tiết, môi trường. Ông Thực chỉ dùng các cột sắt treo dây điện lên, có nhiều đoạn dây dẫn nằm ngay trên sàn bè cá... nên rất nguy hiểm, nhất là vào thời điểm mưa bão.
Hiện tại Chí Linh có 611 lồng cá được nuôi tập trung trên các sông Thái Bình, Kinh Thầy thuộc các phường, xã: Nhân Huệ, Cổ Thành, Văn An, Đồng Lạc. Hệ thống dây dẫn điện sau công tơ, các biện pháp bảo đảm sử dụng điện an toàn của các hộ dân nơi đây chưa được quan tâm đúng mức. Dù đã được đầu tư khá bài bản về cơ sở vật chất, nhưng dễ dàng nhận thấy việc mất an toàn điện tại khu cá lồng của nhiều hộ dân ở phường Cổ Thành (Chí Linh). Toàn bộ hệ thống lồng được kết cấu bằng sắt thép, neo buộc khá chắc chắn dọc theo mép sông dài tới gần 100 m. Giữa các lồng cá đều được gia chủ đóng cọc sắt để treo camera giám sát và dây điện chiếu sáng. Dây điện được vắt từ lồng này sang lồng khác, có chỗ được thả dưới sàn sắt… Chỉ cần nguồn điện hở kết hợp với các vật dẫn điện trong môi trường nước bao quanh thì hậu quả khôn lường.
"Việc mất an toàn trong sử dụng điện chủ yếu do khách hàng kéo dây đến bè nuôi rất dài, nhưng lại không sử dụng cột xi măng hoặc cột gỗ chắc chắn để làm trụ đỡ mà chỉ dùng gỗ tạp, cây tre; thậm chí dây điện được mắc trực tiếp vào cột sắt không có sứ cách điện...", anh Trần Cường, Đội Quản lý tổng hợp Phả Lại (Điện lực Chí Linh) cho biết. Do thiết bị sử dụng lâu năm, tiếp xúc với nước ẩm rất dễ xảy ra sự cố. Có hộ không lắp các thiết bị an toàn như cầu dao tự ngắt hoặc vị trí đặt cầu dao điện ở những nơi không thuận lợi khiến cho việc xử lý khi có sự cố gặp khó khăn.
Trong những năm qua, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương luôn quan tâm tới các khách hàng sử dụng điện có mô hình nuôi cá lồng trên sông nhưng đơn vị cũng chỉ có thể nhắc nhở, tuyên truyền và hỗ trợ các hộ kiểm tra hệ thống dây dẫn sau công tơ, còn việc thực hiện tuỳ thuộc vào ý thức của mỗi khách hàng. “Đơn vị đã thường xuyên tuyên truyền cho các khách hàng về sử dụng điện an toàn như sử dụng các thiết bị đúng công suất, bảo đảm kỹ thuật an toàn, sử dụng các cột bê tông, dây dẫn điện chất lượng để bảo đảm vận hành hệ thống điện trong khu chăn nuôi được an toàn”, anh Cường cho biết thêm.
Định kỳ hằng năm, ngành điện đã hướng dẫn, tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi về các biện pháp phòng chống tai nạn điện; đồng thời thường xuyên hỗ trợ khách hàng kiểm tra hệ thống lưới điện sau công tơ, kịp thời phát hiện những điểm mất an toàn, hướng dẫn khách hàng thay thế, khắc phục tránh nguy cơ mất an toàn.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó Giám đốc Điện lực Nam Sách khuyến cáo, để bảo đảm an toàn điện, người nuôi cá lồng nên lựa chọn thiết bị bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật như dây dẫn, thiết bị đóng cắt bảo vệ. Trong quá trình sử dụng cần thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, sử dụng thiết bị đúng công suất, tránh quá tải gây chập cháy, mất an toàn… Cần lắp đặt các thiết bị đóng cắt bảo vệ phù hợp với thiết bị sử dụng, khi có sự cố thiết bị bảo vệ sẽ tác động cắt điện hoặc nổ cầu chì để bảo đảm an toàn.
THANH HOA
Xem clip