Các đường băng, đường lăn tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài đã xuất hiện các hư hỏng có nguy cơ uy hiếp an toàn bay.
Các cơ quan chức năng đang tìm giải pháp “giải cứu” tình trạng quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh), kể cả giải pháp “quốc doanh hóa” ACV
Trong khi ACV đang có hàng chục ngàn tỉ đồng vốn nhàn rỗi lại không được tham gia đầu tư vì là doanh nghiệp cổ phần.
Đây là một trong những lý do mà Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất Thủ tướng nghiên cứu, xem xét lộ trình mua lại phần vốn đã bán cho cổ đông ngoài nhà nước khi cổ phần hóa (CPH) Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), theo tờ trình đề nghị phê duyệt đề án giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Có tiền nhưng không xài được?Trước khi ACV được CPH, các tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước quản lý nằm trong giá trị tài sản của ACV. Doanh nghiệp này cũng được Bộ GTVT chấp thuận cho đầu tư các dự án phát triển cảng hàng không, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng hàng không. Ngoài ra, ACV cũng chịu trách nhiệm đầu tư, quản lý, khai thác theo quy định bằng nguồn vốn của ACV.
Từ sau khi được CPH vào năm 2016 đến nay, ACV vẫn được tạm giao quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước quản lý để đảm bảo hoạt động hàng không được liên tục. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác bảo trì, đầu tư nâng cấp, mở rộng kết cấu hạ tầng hàng không gặp rất nhiều khó khăn do chưa được bố trí vốn.
Trong khi đó, các đường băng, đường lăn tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài đã vượt tần suất khai thác so với thiết kế ban đầu, xuất hiện các hư hỏng có nguy cơ uy hiếp an toàn bay và cần phải được đầu tư nâng cấp. Điều đáng nói là dù có hơn 20.000 tỉ đồng nhưng ACV không được đầu tư nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất vì đã là doanh nghiệp cổ phần.
Theo một chuyên gia hàng không, nếu ACV là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và kết cấu hạ tầng hàng không được ACV quản lý, doanh nghiệp này có thể trở thành chủ đầu tư các dự án mở rộng các sân bay, nâng cấp đường băng mà không vướng gì về mặt pháp luật.
Mua lại có dễ?Một chuyên gia cho rằng trong thông cáo liên quan đến việc xử lý kỷ luật với cựu phó thủ tướng Vũ Văn Ninh công bố ngày 19-7, Bộ Chính trị đã kết luận việc ông Ninh đồng ý CPH với ACV là không đúng chủ trương bởi doanh nghiệp này không thuộc đối tượng CPH. Do đó, một trong những giải pháp "sửa sai" là hoàn lại cổ phần đã bán.
Tuy nhiên, việc xử lý hậu quả bao giờ cũng phức tạp, nhất là khi phải đi mua cổ phiếu ACV trên thị trường theo thỏa thuận chứ không phải theo quyết định hành chính. Khác với việc CPH cảng Quy Nhơn được kết luận là vi phạm pháp luật, việc CPH ACV không có kết luận các nhà đầu tư mua cổ phần sai phạm gì nên muốn mua lại phải thương lượng qua các giao dịch dân sự, cần nhiều thời gian đàm phán để mua lại.
"Tập đoàn Aéroports de Paris (ADP, Pháp) từng đàm phán mua 20% cổ phần ACV để thành cổ đông chiến lược nhưng không thành công. Cổ phần đã bán của ACV phần lớn là các cổ đông mua gói nhỏ lẻ gom trên thị trường chứ không có cổ đông chiến lược. Bây giờ mua lại cổ phần ACV bằng cách gom các giao dịch trên thị trường thì gom đến bao giờ, nếu nhà đầu tư không bán cũng không có luật ép người ta bán" - vị này nói.
Cần 8.000 tỉ đồng mua lại 4,6% cổ phần ACV Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên soát xét 2019 của ACV, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang nắm giữ gần 95,4% vốn điều lệ, các cổ đông ngoài nhà nước nắm giữ gần 4,6%.
Tính theo giá chốt ngày giao dịch 4.9.2019 của cổ phiếu ACV là 80.000 đồng/cổ phiếu, giá trị khối lượng cổ phiếu do nhà đầu tư ngoài nhà nước nắm giữ ước tính trị giá hơn 8.000 tỉ đồng.
Nếu mua lại lúc này, Nhà nước phải chi ra số tiền này. Kết thúc kỳ báo cáo tài chính bán niên 2019, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của ACV hơn 3.700 tỉ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2018. |
Theo Tuổi trẻ