Ngày 13/11, Bộ Tài chính cho biết: Trong 10 tháng của năm 2023, không phát sinh doanh nghiệp cổ phần hóa và tình hình thoái vốn cũng không mấy khả quan khi tháng 10, không phát sinh doanh nghiệp thoái vốn.
Theo Bộ Tài chính, tính đến tháng 10/2023, có 49 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, gồm 6 doanh nghiệp thuộc Trung ương là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước; Công ty Mua bán nợ Việt Nam thuộc Bộ Tài chính; Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA), Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà và đô thị (HUD) thuộc Bộ Xây dựng và 43 doanh nghiệp thuộc các địa phương.
Các đơn vị còn lại đang triển khai xây dựng đề án cơ cấu lại doanh nghiệp để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Bên cạnh đó, việc thoái vốn cũng rất chậm khi 10 tháng của năm 2023, không phát sinh doanh nghiệp cổ phần hóa. Theo đó, thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp với giá trị 8,8 tỷ đồng, thu về 19 tỷ đồng; các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn tại 7 doanh nghiệp với giá trị là 53,5 tỷ đồng thu về 206,3 tỷ đồng.
Để đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa, thoái vốn, Bộ Tài chính cho biết: Căn cứ quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và tình hình thực tế, các cơ chế chính sách pháp luật sẽ tiếp tục được rà soát, nghiên cứu, sửa đổi một cách đồng bộ đảm bảo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp.
Cụ thể, tập trung rà soát, nghiên cứu về việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm soạn thảo của Bộ Tài chính liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Bộ Tài chính cũng đề nghị xử lý nghiêm trường hợp làm chậm, vi phạm quy định; xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan nhất là người đứng đầu...