Vì an toàn tính mạng của người dân "ai ở đâu ở yên đấy"

02/08/2021 10:15

Những ngày qua, liên tục có những làn sóng người dân từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về quê tránh dịch.

Chú thích ảnh

Nhiều người về từ các tỉnh phía Nam bằng xe máy khi hầu hết các tỉnh tạm dừng vận tải hành khách

Do các phương tiện vận tải hành khách, vận tải công cộng không hoạt động, cực chẳng đã, hàng vạn người phải tự đi xe máy, xe ba gác đèo bòng cả gia đình cùng đồ đạc từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai trở về Đắk Lắk, Nghệ An, Hà Tĩnh… trên cung đường từ vài trăm đến cả ngàn km.

Hình ảnh người dân dừng xe, ngả lưng nằm la liệt nghỉ đêm dọc đường, màn trời, chiếu đất; cảnh vợ chồng anh Xồng Bá Xô chạy xe máy chở con nhỏ mới 9 ngày tuổi từ Bình Dương về quê Tương Dương (Nghệ An) để tránh dịch (tới Đà Nẵng được Câu lạc bộ xe bán tải Đà Nẵng hỗ trợ, thuê ô tô đưa về quê miễn phí); hay clip quay cảnh một phụ nữ chở theo 2 đứa con nhỏ, đứa anh chỉ khoảng 6-7 tuổi bế em lọt trong vòng tay trong dòng xe từ TP Hồ Chí Minh về Đắk Lắk (khoảng 360 km)… được báo chí đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội khiến người xem không cầm được nước mắt. Dịch COVID-19 đã đẩy nhiều cảnh đời bỏ quê đi mưu sinh chốn đô thành lâm vào cảnh khốn khó. Không thể trụ vững nơi quê người, họ phải đổ về quê với hy vọng tránh dịch và có sự tương trợ của người thân để bảo đảm cuộc sống trong giai đoạn khó khăn này.

Với những người may mắn được địa phương tổ chức các chuyến tàu, xe, máy bay đón về, họ được về đến đích an toàn. Một số đoàn được Cảnh sát Giao thông hộ tống, đi có tổ chức, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Tuy có nhọc nhằn nhưng họ đã được trở về quê, được kiểm tra y tế và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch.

Chú thích ảnh

Cảnh sát giao thông thành phố Đà Nẵng bàn giao đoàn người cho Cảnh sát giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục hỗ trợ

Song, không phải ai cũng có được những may mắn như thế, đã có những người không bao giờ được trở về quê hương... Họ nằm lại dọc đường sau hành trình dài vất vả.

23 giờ ngày 31.7, tại chốt phòng, chống dịch COVID-19 xã Tân Đức (huyện Hàm Tân, Bình Thuận), một vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra khiến một người chết, 4 người còn lại trong một gia đình và hai cán bộ Công an bị thương. Tại hiện trường, chiếc xe ba gác cũ bị lật úp. Đây là chiếc xe ông Trương Xuân Sơn sử dụng để đưa cả gia đình gồm vợ và ba con từ TP Hồ Chí Minh về quê ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An).

Theo thông tin ban đầu, xe lưu thông theo hướng từ Đồng Nai tới Bình Thuận, đến Km 1770+300 quốc lộ 1 thuộc xã Tân Đức, huyện Hàm Tân đã dừng lại vào chốt kiểm soát dịch để khai báo y tế. Lúc này, bất ngờ từ phía sau, chiếc xe tải 29H-201.80 lưu thông cùng chiều đã lao thẳng vào xe ba gác và đẩy xe ba gác lật úp, lao vào chốt kiểm soát dịch COVID-19.

Vụ tai nạn đã làm em Trương Xuân T (15 tuổi) - con lớn của gia đình ông Sơn thiệt mạng tại chỗ; 4 người còn lại trong gia đình bị thương nặng đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận. Vụ tai nạn còn làm hai Cảnh sát trực chốt bị thương nặng, trong đó có một người bị thương rất nặng, đang được cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh. Tại hiện trường, hành lý mang theo của gia đình nạn nhân vung vãi khắp nơi. Theo lãnh đạo xã Hàm Tân, qua test nhanh, tài xế xe tải dương tính với SARS-CoV-2.

Hành trình trở về của anh Lầu Bá G (29 tuổi) cũng đã phải dừng lại trên đường Hồ Chí Minh. Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 17 giờ ngày 31.7, khi anh Lầu Bá G điều khiển xe máy 70G1 - 143.32 chở theo vợ là chị Dềnh Y X và hai con nhỏ từ Bình Dương về Mường Lống (Kỳ Sơn, Nghệ An). Xe chạy đến km 1667 + 980m khu vực cầu 100 thuộc địa bàn thôn 1, xã Ea H’leo thì xảy ra va chạm với xe đầu kéo biển kiểm soát 72R - 025.03, kéo theo rơ-moóc biển kiểm soát 72R - 024.80 chở thiết bị điện gió, do tài xế Phan Minh Hòa (31 tuổi, trú thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) điều khiển, lưu thông cùng chiều.

Cú va chạm mạnh và bất ngờ khiến cả nhà anh G ngã xuống đường; anh G tử vong tại chỗ, chị X cùng hai con nhỏ bị thương được người dân đưa đến bệnh viện cấp cứu. Sau khi xảy ra vụ việc, một số người dân đã chung tay quyên góp để hỗ trợ chi phí đưa thi thể anh G. về quê và điều trị cho ba mẹ con chị X. tại bệnh viện. Đường về quê anh đã xa nay càng trở nên thăm thẳm.

Ngày 1.8, bốn trường hợp đi xe máy từ tỉnh Bình Dương về quê ở Lào Cai, khi đi qua địa bàn xã Xuân Áng, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) đã bị tai nạn, trong đó, một trường hợp bị chấn thương nặng, đang được điều trị tại khu cách ly đặc biệt Bệnh viện Da khoa tỉnh Phú Thọ. Ba trong số bốn trường hợp này qua test nhanh kháng nguyên có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Tiến hành rà soát, các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Thọ đã xác định 21 trường hợp liên quan, trước mắt đã đưa đi cách ly tại Khu cách ly riêng biệt của Trung tâm Y tế huyện Hạ Hòa để chờ kết quả xét nghiệm khẳng định RT-PCR.

Chú thích ảnh

 Lực lượng chức năng phát bánh mì, nước uống cho người dân tạm nghỉ ngơi, ăn uống

Công điện số 1063/CĐ-TTg ngày 31.7 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu “ai ở đâu ở đấy”; tuyệt đối không đi khỏi nơi cư trú từ ngày 1.8 đến khi hết giãn cách (trừ những trường hợp được chính quyền cho phép) chính là nhằm bảo đảm tốt nhất tính mạng của người dân lúc này.

Trong giai đoạn hiện nay, những chuyến đi tự phát không chỉ khiến dịch bệnh lây lan khó kiểm soát, mà còn tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông. Những bất trắc dọc đường là không thể lường hết khi người dân phải đi cả hành trình dài, có khi lên đến 1.400 - 1.500 km như trường hợp của anh Lầu Bá G hay ông Trịnh Xuân S.

Từ tình hình thực tế, Hà Nội đã có văn bản yêu cầu lực lượng chức năng kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế; cung cấp các lương thực, thực phẩm cho những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy” tại các khu vực cách ly, khu vực phong tỏa; tuyệt đối không để người dân di chuyển ra ngoài địa bàn thành phố trong thời gian giãn cách xã hội. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu để người dân tự ý di chuyển ra khỏi địa phương mình.

Nhằm kiểm soát người về từ vùng dịch, kiểm soát ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch, một số tỉnh như Gia Lai, Ninh Thuận… đã thông báo tạm dừng tiếp nhận công dân tự ý về từ vùng dịch, các tỉnh, thành phố đang áp dụng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và đề nghị công dân của địa phương đang sinh sống, học tập, làm việc tại các nơi này tạm thời ở yên tại chỗ, an tâm thực hiện giãn cách theo quy định, tin tưởng và không hoang mang tìm cách trốn về, tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch tại địa phương.

Đối với các trường hợp tự ý về địa phương bằng phương tiện cá nhân hoặc các phương tiện khác (nếu không liên hệ, đăng ký và được chính quyền địa phương nơi đến - nơi đi thống nhất), tỉnh Gia Lai tuyệt đối không tiếp nhận để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình không tuân thủ, trốn về tự phát, làm tăng nguy cơ gây lây lan dịch bệnh.

Khuyến cáo người dân chưa vội trở địa phương, tỉnh Ninh Thuận cho biết, khi hội đủ các điều kiện, UBND tỉnh sẽ thông báo và tổ chức đón nhận bà con về địa phương đảm bảo chặt chẽ, an toàn. Ngoài ra, tỉnh cũng mong muốn bà con nhân dân ở địa phương phối hợp, chủ động liên hệ với người thân của mình đang học tập, làm việc ở các tỉnh, thành đang thực hiện Chỉ thị số 16 biết và cùng chia sẻ khó khăn với tỉnh; đồng thời yên tâm tiếp tục ở lại và thực hiện các quy định của địa phương sở tại cho đến khi hết giãn cách xã hội.

Chú thích ảnh

Lực lượng chức năng của tỉnh Ninh Thuận cấp phát nhu yếu phẩm cho người dân đến từ vùng dịch về tỉnh cách ly tập trung.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kịp thời ra văn bản yêu cầu các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành giúp đỡ người lao động đã di chuyển về địa phương; đồng thời, phối hợp các cấp, các ngành và người sử dụng lao động tuyệt đối không để đoàn viên, người lao động di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú từ ngày 1/8 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép).

“Đảm bảo cung cấp, hỗ trợ kịp thời lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không có nguồn dự trữ, nhất là người dân tại các khu phong tỏa, không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc và tổ chức hỗ trợ y tế cần thiết cho mọi người dân, nhất là người dân trong các khu phong tỏa”.

Chỉ đạo trên của người đứng đầu UBND TP Hồ Chí Minh cùng với sự tham gia góp sức, hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương sẽ giúp người dân yên tâm ở lại chung sức cùng thành phố và cả nước phòng, chống dịch, để chúng ta không còn phải chứng kiến cảnh những đoàn người hồi hương nghẹn lòng, để Thành phố mau lành vết thương, chóng khỏe như lời bài hát “Sài Gòn tôi sẽ” của thầy giáo Nguyễn Thái Dương. “Sài Gòn tôi sẽ tái sinh rạng ngời, sẽ như lúc xưa, sẽ lại vui… Sài Gòn tôi sẽ náo nức như thường, sẽ thơm phở ngon, sẽ huyên phố phường. Sài Gòn tôi sẽ thắm tươi hoa cờ, sẽ vang tiếng ca muôn lời thơ”. Và Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh sẽ lại là đầu tàu kéo nền kinh tế cả nước khỏe lại…

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì an toàn tính mạng của người dân "ai ở đâu ở yên đấy"