Góc nhìn

Tăng lương tối thiểu vùng, công nhân có được vui?

NGỌC THANH 04/07/2024 05:30

Dù lương tối thiểu tăng nhưng nhiều công nhân, lao động ở Hải Dương vẫn canh cánh nỗi lo "có tiếng mà không miếng".

z5594615871660_c66e7ed0a611ad16d236e01e05d13cb8.jpg
Công nhân mong muốn lương tăng, giá cả bình ổn để nâng cao chất lượng cuộc sống (ảnh minh họa)

Tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, cùng với việc thông qua chủ trương tăng 30% mức lương cơ sở, Quốc hội cũng quyết nghị tăng 6% mức lương tối thiểu vùng. Thông tin này khiến công nhân mừng nhưng lại có nỗi lo. Mừng vì khi lương tối thiểu tăng, theo lý thuyết mức thu nhập sẽ tăng, cuộc sống tốt hơn. Nhưng lo vì không biết trên thực tế số tiền thực lĩnh có tăng theo, rồi giá hàng hoá tiêu dùng có ổn định không hay lại “té nước theo mưa”…

Nỗi lo này của công nhân, lao động không phải là không có cơ sở. Để thu hút công nhân, lao động, phần lớn doanh nghiệp ở Hải Dương đã trả cho người lao động mức lương bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Đây cũng là mức doanh nghiệp làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Vì vậy, khi lương tối thiểu tăng trong điều kiện doanh nghiệp không thực sự coi người lao động là “tài sản” để chăm lo thì họ có nhiều cách để không tăng lương cho người lao động mà không vi phạm pháp luật như cắt giảm một số chế độ khác chuyển sang tính tiền lương hằng tháng. Như thế thì trên thực tế tăng lương nhưng người lao động “có tiếng mà không có miếng”. Điều này đã từng xảy ra ở những kỳ tăng lương trước đó.

Theo một khảo sát về tình hình đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động năm 2023 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022, đã có hơn 95% số doanh nghiệp đã xây dựng thang bảng lương, trong đó hơn 23% số doanh nghiệp có mức lương thấp nhất trong bảng lương bằng mức lương tối thiểu vùng.

Tuy nhiên, cũng có hơn 23% số doanh nghiệp khi xác định mức lương tối thiểu đã cắt bỏ 2 khoản phụ cấp nặng nhọc độc hại và phụ cấp đào tạo. Ngoài ra, có gần 40% số người lao động trong các doanh nghiệp khảo sát thuộc bậc lương số 1 (tương ứng với tiền lương tối thiểu vùng nếu không có các khoản phụ cấp).

Bên cạnh đó, khi lương tăng, công nhân, lao động còn canh cánh nỗi lo chi phí tiêu dùng tăng theo. Theo thống kê ở Hải Dương, chỉ số giá tiêu dùng đã liên tiếp tăng trong 6 tháng năm 2024. Đáng nói là nhóm hàng hóa tăng đều thuộc diện nhu cầu thiết yếu đối với người dân như: nhà ở, điện nước, chất đốt, hàng ăn và dịch vụ ăn uống… Hầu hết người lao động chỉ trông chờ vào tiền lương để trang trải cuộc sống nên khi giá hàng hóa tiêu dùng mỗi thứ tăng một tý, cộng vào cũng ảnh hưởng không ít đến mức sống. Đối với công nhân, lao động đi ở trọ thì càng khó khăn hơn khi vật giá tăng, nhiều chủ nhà trọ còn vin vào cớ tăng lương để tăng tiền thuê nhà.

Hiện nay, nhiều công nhân, lao động còn băn khoăn vì thu nhập công nhân tăng rất chậm, phụ thuộc vào tăng lương tối thiểu. Trong một chia sẻ gần đây, lãnh đạo Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết nước ta đang tính mức lương tối thiểu theo chuẩn nghèo để giải quyết bài toán xóa đói giảm nghèo chứ chưa tính lương tối thiểu bảo đảm mức lương đủ sống, bảo đảm chi phí cho người phụ thuộc (trẻ em, người già) và phù hợp với từng thời kỳ phát triển. Đầu năm 2024, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã họp chuyên gia về chính sách tiền lương và đi đến kết luận các quốc gia cần thúc đẩy mức lương đủ sống. Kết luận của ILO nêu: “Thúc đẩy quá trình tăng dần từ mức lương tối thiểu lên mức lương đủ sống". Đây cũng là mong muốn của công nhân, lao động Việt Nam.

Như vậy, để công nhân, lao động thực sự có niềm vui tăng lương, cơ quan chức năng, đặc biệt là tổ chức công đoàn (ở những doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở) cần quan tâm, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách của doanh nghiệp. Trong trường hợp doanh nghiệp “lách luật” cắt giảm chế độ đãi ngộ của công nhân để bù mức tăng lương tối thiểu cần phải có ý kiến, bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Cơ quan chức năng của tỉnh cần thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ về việc bình ổn giá cả thị trường, không để tình trạng lương tăng, giá tăng theo. Các địa phương có người dân xây nhà cho công nhân ở trọ cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, không để xảy ra hiện tượng tăng giá nhà trọ trong thời điểm này.

Theo các quy định pháp luật hiện hành, khi lương tối thiểu tăng, ngoài việc được tăng tiền lương hằng tháng, người lao động sẽ được tăng một số quyền lợi như: Tăng tiền lương ngừng việc; tăng tiền lương tối thiểu khi chuyển công việc; tăng mức đóng bảo hiểm xã hội; tăng mức đóng bảo hiểm thất nghiệp; tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa.

NGỌC THANH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng lương tối thiểu vùng, công nhân có được vui?
    ss