Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”.
Đây là nội dung quan trọng, tín hiệu vui hứa hẹn cải thiện môi trường giáo dục nhà trường nói chung và văn hóa ứng xử nói riêng theo hướng tích cực.
Mục tiêu chung của đề án là tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa. Đồng thời tập trung xây dựng văn hóa học đường lành mạnh, thân thiện, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, góp phần xây dựng con người Việt Nam: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.
Nhìn vào thực trạng văn hóa ứng xử trong trường học hiện nay, bên cạnh những yếu tố tích cực, những chuyển biến đáng kể, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Theo một số chuyên gia tâm lý, văn hóa ứng xử học đường Việt Nam đã ở vào cấp độ báo động đỏ. Cụ thể, thời gian qua có nhiều hành vi thiếu văn hóa của cả học sinh và giáo viên diễn ra ngay tại môi trường đậm chất nhân văn, mô phạm và mang tính giáo dục cao. Nói cách khác, văn hóa ứng xử trong trường học xuống cấp nghiêm trọng là sự cảnh báo của một nền giáo dục đang đi xuống. Các vụ bạo lực học đường tăng tới mức báo động, mức độ nghiêm trọng, phức tạp cũng gia tăng; vấn đề yêu sớm, yêu nhiều và vấn đề tình dục trong học sinh, sinh viên cũng tương đối phức tạp, tiềm ẩn những hậu quả khó lường… Tình trạng kết bè, kết phái tạo thành băng, hội học trò cũng là vấn đề nhức nhối. Đi tìm nguyên nhân của tình trạng này, phần lớn các quan điểm, ý kiến và cả thực tế đều cho thấy văn hóa ứng xử học đường đang bị xem nhẹ, không được chú trọng đầu tư đúng mức.
Phải nghiêm túc nhìn nhận rằng, thời gian qua các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục vẫn còn diễn ra, nó tác động, ảnh hưởng xấu tới các mối quan hệ trong trường học, chủ yếu là mối quan hệ thầy - trò, trò - trò. Tình trạng học sinh, sinh viên biếu thầy cô quà, phong bì để được cho điểm cao vẫn xảy ra, học sinh, sinh viên biếu xén thầy cô để không bị kỷ luật vẫn còn… Tất cả những việc đó đã góp phần làm biến tướng và thương mại hóa quan hệ thầy trò, làm cho một số thầy không còn là thầy, không được tôn trọng, không là tấm gương để học trò noi theo. Đồng thời, học trò cũng không ứng xử đúng mực, không lễ phép, không kính trọng thầy, sao nhãng việc học tập, tu dưỡng. Đặc biệt, ở đâu đó, nơi này, nơi kia vẫn còn có những thầy giáo, cô giáo chưa thực sự gương mẫu trong công tác và trong cuộc sống, không tự tu dưỡng, rèn luyện, thiếu tinh thần trách nhiệm, không đủ tư cách làm tấm gương cho học sinh, sinh viên nhìn vào, học theo.
Để xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, việc ban hành Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” là rất kịp thời và đúng hướng. Theo đó, tập trung dạy cho học sinh, sinh viên có thói quen ứng xử văn hóa ngay từ những điều nhỏ nhất hằng ngày như văn hóa chào hỏi, văn hóa xếp hàng, văn hóa trong sử dụng mạng xã hội, văn hóa giao tiếp… Cần ban hành bộ quy tắc ứng xử trong trường học với những quy định cụ thể nhằm tạo điều kiện trong hướng dẫn, thực hiện và giám sát, đánh giá. Trên thực tế, việc xây dựng văn hóa ứng xử đã được quan tâm triển khai từ lâu, tuy nhiên hiệu quả đạt được chưa cao. Thời gian tới, cần quy chế hóa những chuẩn mực tốt đẹp trong ứng xử tạo cơ sở cho việc hiện thực hóa và không bị biến dạng. Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong các nhà trường và toàn xã hội; xây dựng mối quan hệ thầy - trò trong sáng, lành mạnh, cao đẹp, tạo nét đẹp trong văn hóa ứng xử học đường, phát huy truyền thống, đạo lý của người Việt Nam.
Để hiện thực hóa đề án, cần phát huy vai trò của người thầy trong dẫn lối, người thầy không chỉ làm tốt việc truyền thụ kiến thức mà còn trực tiếp tham gia xây dựng nét đẹp văn hóa người thầy để làm gương cho người học. Nhân rộng những điển hình cá nhân, gia đình, nhà trường về văn hóa ứng xử nhằm tạo sức lan tỏa sâu rộng trong môi trường nhà trường và toàn xã hội.
PHẠM XUÂN THÔNG (Gia Lộc)