Hệ thống y tế tại thủ đô Kiev của Ukraine đang đứng trước nguy cơ sụp đổ; các bệnh viện gần như đã kín chỗ khi cứ 7/10 ca mắc COVID-19 ở thủ đô phải nhập viện.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Lviv, Ukraine
Các biện pháp mới chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có việc đóng cửa tất cả các trường tiểu học và hạn chế đi lại tại thủ đô Kiev của Ukraine, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5.4, trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đang gia tăng trở lại.
Tháng trước, giới chức Ukraine thông báo sẽ tái áp đặt các biện pháp hạn chế để chống tình trạng bùng phát dịch bệnh tại thành phố 3 triệu dân này.
Những biện pháp chống dịch được siết chặt hơn với việc các trường tiểu học và mẫu giáo sẽ đóng cửa từ ngày 5.4 và chỉ những người lao động thiết yếu như bác sĩ mới được phép sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Phát biểu với kênh truyền hình Ukrayina 24, Thị trưởng TP Vitali Klitschko cho biết hệ thống y tế tại thủ đô Kiev đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Hiện các bệnh viện gần như đã kín chỗ khi cứ 7/10 ca mắc COVID-19 ở thủ đô phải nhập viện.
Theo ông Klitschko, các quan chức Kiev đã cấp hơn 430.000 thẻ thông hành cho những nhân viên làm việc trong lĩnh vực thiết yếu.
Để được phép đi lại và sử dụng các phương tiện công cộng, cảnh sát kiểm tra hành khách và những người có tấm thẻ đặc biệt này mới được phép đi xe buýt và xe điện hay taxi.
Kể từ ngày 20.3, các địa điểm văn hóa và trung tâm mua sắm lớn ở Kiev đã đóng cửa và các nhà hàng hạn chế đồ ăn mang đi.
Theo số liệu thống kê mới nhất, chỉ trong vòng 24 giờ qua, Kiev đã ghi nhận hơn 400 ca mắc mới và 32 ca tử vong do mắc COVID-19.
Cho đến nay, Ukraine, quốc gia đang đối mặt với rất nhiều khó khăn do hệ thống chăm sóc sức khỏe quá "già cỗi" đã ghi nhận hơn 1,7 triệu ca nhiễm virus và hơn 34.000 ca tử vong.
Hiện đất nước 40 triệu dân này mới chỉ nhận được 500.000 liều vaccine AstraZeneca/Oxford và 215.000 liều CoronaVac của Trung Quốc.
Ukraine phát động chiến dịch tiêm chủng từ cuối tháng 2.2021, muộn hơn nhiều quốc gia châu Âu khác và đến nay hơn 290.000 người đã được tiêm chủng mũi đầu tiên.
Theo TTXVN