Các đối tác phương Tây của Kiev đang nỗ lực cung cấp cho Ukraine về khả năng phòng không. Nhưng điều lại gây ra một số áp lực với các quốc gia thành viên EU sở hữu hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất.
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 26/4 đã công bố một gói hỗ trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá 6 tỷ USD như một phần của Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI). Gói này bao gồm bao gồm tên lửa bổ sung cho hệ thống phòng không Patriot, đạn pháo, thiết bị bay không người lái và các thiết bị khác. Khoản viện trợ này đánh dấu gói vũ khí lớn nhất của Washington dành cho Kiev kể từ khi xung đột với Nga nổ ra vào năm 2022.
“Đây là gói hỗ trợ an ninh lớn nhất mà chúng tôi cam kết cho đến nay. Nó sẽ bao gồm các thiết bị đánh chặn quan trọng dành cho hệ thống phòng không Patriot và NASAMS của Ukraine, nhiều hệ thống chống thiết bị bay không người lái và thiết bị hỗ trợ, một lượng đáng kể đạn pháo, tên lửa không đối đất cũng như các trang thiết bị phục vụ bảo trì và bảo dưỡng”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói với các phóng viên.
Lầu Năm Góc đã ca ngợi thương vụ vũ khí khổng lồ này là một thành tựu “lịch sử”. Vũ khí sẽ được cung cấp thông qua USAI, nghĩa là chúng sẽ được mua từ các nhà sản xuất vũ khí bằng cách sử dụng quỹ viện trợ mới được cấp phép thay vì lấy từ kho vũ khí hiện có của Mỹ.
Tờ El Pais của Tây Ban Nha cùng ngày đưa tin, nước này sẽ gửi một số lượng "hạn chế" tên lửa Patriot tới Ukraine. Đức gần đây đã đồng ý cung cấp khẩu đội Patriot thứ ba cho lực lượng Ukraine.
Khi Mỹ và một số đồng minh tiếp tục cung cấp vũ khí với trọng tâm là phòng không cho Ukraine, một số thành viên NATO khác cũng đang xem xét liệu có nên tăng cường hỗ trợ hay không.
Sau hơn hai năm xung đột, Ukraine ngày càng gặp khó khăn trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công bằng máy bay và tên lửa của Nga, khiến một số khu vực không phận của nước này gần như không được bảo vệ. Trong cuộc họp với các quan chức NATO hồi đầu tháng này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Kiev cần ít nhất 7 hệ thống Patriot bổ sung để có đủ khả năng phòng thủ.
Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh EU Josep Borrell nói với các phóng viên đầu tuần này: “Chúng tôi đã yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên làm bất cứ điều gì có thể để tăng cường năng lực phòng không của Ukraine”.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuần trước xác nhận các thành viên liên minh phương Tây có nhiều hệ thống phòng không hơn có thể chuyển tới Ukraine và hy vọng sẽ sớm nhận được thông báo mới.
Tổng thống Zelensky ngày 26/4 tuyên bố tại cuộc họp của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine (Ramstein) rằng Ukraine cần vũ khí tầm xa và hệ thống phòng không, đồng thời thông báo rằng quân đội Nga đã sử dụng hơn 9.000 quả bom lượn dẫn đường nhằm và các lực lượng Ukraine kể từ đầu năm 2024.
Áp lực với các nước EU
Bất chấp việc vận động hành lang tích cực, một số thành viên EU tỏ ra không muốn chuyển giao hệ thống Patriot của họ cho Ukraine. Do đó, các quốc gia thành viên EU ngày càng chịu áp lực phải cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không tiên tiến cần thiết khẩn cấp, nhưng các nỗ lực đang bị sa lầy vì sự do dự trong việc di chuyển các thiết bị quan trọng cho các kế hoạch phòng thủ khu vực.
Sáu quốc gia thành viên EU – Đức, Hy Lạp, Hà Lan, Ba Lan, Romania và Tây Ban Nha – hiện đang vận hành các hệ thống Patriot. Nhiều nước trong số họ cho biết không thể gửi hệ thống này tới Ukraine vì chúng vẫn là một phần trong kế hoạch phòng thủ quốc gia hoặc NATO của họ.
Theo các nhà ngoại giao EU, Ba Lan, nước sở hữu hai hệ thống Patriot, và Romania sẽ gặp ít áp lực hơn trong việc cung cấp chúng cho Ukraine vì chúng cần thiết cho kế hoạch bảo vệ lãnh thổ của chính các quốc gia này.
Tuy nhiên, 4 quốc gia thành viên EU khác phải đối mặt với thách thức lớn khi xem xét chuyển giao cho Kiev. Các nhà ngoại giao EU cho biết, Hy Lạp sở hữu số lượng hệ thống Patriot lớn nhất và cả hệ thống S-300 (tên lửa phòng không) mà Kiev quan tâm, vì đây là hệ thống mà các lực lượng vũ trang Ukraine quen thuộc hơn.
Năm 2022, Hy Lạp đã đề nghị cung cấp hệ thống tên lửa đất đối không S-300 của mình cho Ukraine để đổi lấy hệ thống Patriot, hệ thống mà Athens coi là quan trọng với an ninh liên quan đến căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO.
Nhưng người phát ngôn Chính phủ Hy Lạp Pavlos Marinakis nói với các phóng viên trong tuần này: “Chúng tôi đã cung cấp hỗ trợ cho Ukraine và người dân nước này. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng sẽ không có hành động nào được thực hiện (liên quan đến chuyển giao Patriot) vì có thể gây nguy hiểm đến khả năng răn đe hoặc phòng không của chúng tôi”.
Tây Ban Nha sở hữu 4 hệ thống Patriot, trong đó 3 hệ thống được sử dụng để bảo vệ sườn phía Nam của NATO và một hệ thống hiện đang triển khai ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria. Khi được các phóng viên hỏi về khả năng hỗ trợ Patriot cho Ukraine, Ngoại trưởng Tây Ban Nha José Manuel Albares ám chỉ Madrid có thể tăng cường phòng không cho Ukraine, nhưng tránh trả lời trực tiếp.
Về phần mình, Ngoại trưởng Hà Lan Hanke Bruins Slot thông báo nước này đang xem xét “mọi khả năng”, nhưng cảnh báo rằng việc làm cạn kiệt kho dự trữ vũ khí, trang thiết bị quốc phòng hiện tại của Hà Lan sẽ là “khó khăn”.
Một nhà ngoại giao EU chỉ trích: “Có những quốc gia EU chưa cần ngay đến hệ thống phòng không nhưng vẫn bảo vệ chúng một cách khó hiểu trong khi Ukraine đang rất cần chúng”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhận xét rằng Patriot không phải là "viên đạn bạc" và có nhiều yếu tố sẽ quyết định diễn biến của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, chắc chắn rằng không có hệ thống vũ khí nào là "viên đạn bạc", nhưng Patriot là một trong số rất ít hệ thống phòng không có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo của Nga và cũng có thể bắn trúng máy bay ném bom chiến đấu của Moskva ở ngoài tầm bắn của bom lượn Nga.
ISW lưu ý rằng khả năng phòng không suy giảm của Ukraine đã cho phép lực lượng không quân Nga làm suy yếu nghiêm trọng hệ thống phòng thủ của Ukraine dọc mặt trận bằng các cuộc tấn công bằng bom lượn.