Phong tục - Lễ hội

Tươi đẹp hội xuân Côn Sơn

HẠNH DUYÊN - TUẤN ANH 16/02/2024 13:30

Những ngày này về Côn Sơn du xuân, không chỉ được lắng mình trong tiếng chuông chùa trầm ấm, trong làn khói trầm vương vấn, du khách còn được hòa mình vào cảnh sắc tươi đẹp, rực rỡ.

conson1-1-.jpg
Côn Sơn thu hút du khách không chỉ bởi cảnh quan mà còn vì giá trị tâm linh

"Không đến thì thấy nhớ"

Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Tự (hơn 70 tuổi, ở phố Kim Sơn, phường Tân Bình, TP Hải Dương). Bà Tự cho biết, Côn Sơn thu hút bà không chỉ bởi cảnh quan đẹp mà còn vì giá trị tâm linh. Mỗi dịp xuân về, nếu có điều kiện bà lại tới đây du xuân.

"Mấy năm trước do dịch và điều kiện không cho phép, tôi không thể đến Côn Sơn. Năm nay trở lại, về cơ bản thì cây cối, chùa chiền vẫn vậy nhưng cảnh quan xung quanh đẹp hơn rất nhiều. Vườn hoa, cây cỏ tươi xanh, rực rỡ sắc màu, đầy sức sống. Không khí trong chùa cũng tốt hơn. Mọi người dâng hương, làm lễ rất trật tự chứ không còn lộn xộn như trước đây", bà Tự nói.

Năm nay dù đã 84 tuổi, sức khỏe không còn được tốt, phần lớn phải di chuyển bằng xe lăn nhưng ông Trần Đình (84 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội) vẫn đi cùng gia đình tới Côn Sơn. Ông Đình cũng không thể nhớ được mình đã tới Côn Sơn bao nhiêu lần bởi với ông, xuân nếu không được về vãn cảnh Côn Sơn thì không được trọn vẹn. Ông Đình cho biết: "Bao năm nay, Côn Sơn vẫn giữ được nét đẹp cổ kính, linh thiêng nên tôi rất thích. Dù đã tới nhiều lần nhưng lần nào tôi cũng thích nghe các thuyết minh viên ở đây giới thiệu về di tích. Năm nay, Ban Quản lý di tích trưng bày các hình ảnh, có lời giới thiệu cụ thể về quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc theo hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới nên tôi hiểu biết thêm nhiều về các di tích trên".

trandinh(1).jpg
Dù đã 84 tuổi nhưng ông Trần Đình (ở Đống Đa, Hà Nội) vẫn về vãn cảnh Côn Sơn

Không chỉ thu hút những du khách lớn tuổi, Côn Sơn cũng hấp dẫn nhiều bạn trẻ bởi đây là nơi cầu bình an, thắng cảnh đẹp.

Sau khi làm lễ trong chùa, anh Phạm Tuấn Anh (24 tuổi, ở xã An Sinh, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) cùng 5 người bạn của mình thăm thú hết các điểm trong khu di tích. "Đây là lần thứ hai tôi và các bạn tới Côn Sơn. Lần trước đến trưa là chúng tôi đã ra về nhưng năm nay, nơi đây có nhiều điều hấp dẫn nên giờ là 5 giờ chiều chúng tôi mới kết thúc chuyến du xuân của mình", anh Tuấn Anh nói.

Anh Tuấn Anh cho biết, nhóm anh đã dừng lại chụp ảnh tại các điểm check in Ban Quản lý thiết kế; trải nghiệm viết thư pháp, xin chữ, xin lộc đầu xuân. Đặc biệt, các anh chị khá thích thú với cây ước nguyện trước gác chuông chùa Côn Sơn. Ai cũng viết sở nguyện của mình và treo lên cây với mong ước những điều đó sẽ thành hiện thực.

Không gian linh thiêng, rực rỡ

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết, từ cuối năm 2023, Ban Quản lý di tích đã thực hiện nhiều phần việc để du khách có những trải nghiệm tốt nhất khi đến với Côn Sơn-Kiếp Bạc.

Cùng với việc cải tạo cảnh quan môi trường, trồng thêm nhiều loại hoa, bồn hoa, cây cảnh, Ban Quản lý di tích đã thiết kế hơn 10 điểm check in trong di tích với các chủ đề cụ thể như: không gian Tết Việt cổ truyền, sắc màu Côn Sơn, điểm nhấn cảnh quan di tích...

cayuocnguyen.jpg
Cây ước nguyện là địa điểm được nhiều du khách lựa chọn để lưu lại những bức ảnh đẹp khi tới Côn Sơn

Ban Quản lý cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật như: viết thư pháp, câu đối Việt; xin chữ, cho chữ đầu năm; trải nghiệm viết thư pháp; hát quan họ, chèo; tổ chức cây ước nguyện... Đồng thời tổ chức hoạt động, nghi thức cầu bình an, tài lộc đầu năm. Bố trí các lực lượng đón tiếp, thuyết minh hướng dẫn du khách lễ bái, tìm hiểu về di tích đầy đủ, kịp thời, an toàn. Tăng cường tuyên truyền trực quan, hệ thống loa phát thanh về giá trị di tích, danh nhân và lễ hội.

a595c019-31ed-45e3-b461-0ee7afe1a830.jpeg
Những ngày này rất đông du khách về tham quan, chiêm bái khu di tích Côn Sơn

Ban Quản lý cũng phối hợp lực lượng chức năng và chính quyền địa phương bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, phân luồng bến bãi, giao thông tại di tích.

"Tất cả những việc làm trên nhằm tạo nên một không gian sắc màu rực rỡ, uy linh cùng những hoạt động văn hóa, tín ngưỡng đầu xuân theo nghi thức truyền thống, đáp ứng nhu cầu tham quan, chiêm bái đầu xuân của du khách", ông Cường nói.

Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024 diễn ra từ ngày 23/2-3/3 (14 đến 23 tháng giêng), bắt đầu bằng Hội thi gói bánh chưng, giã bánh giầy.

HẠNH DUYÊN - TUẤN ANH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tươi đẹp hội xuân Côn Sơn