Năm 2023 là dấu mốc đáng nhớ với khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc của Hải Dương, khi cùng với Yên Tử (Quảng Ninh), Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) được hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt
Năm 2023, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hải Dương tiếp tục quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách thu hút đầu tư, đầu tư nhiều dự án xây dựng hạ tầng, tu bổ, tôn tạo di tích và nâng cấp quy mô tổ chức lễ hội, đặc biệt Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc. Trong năm, TP Chí Linh lần đầu tiên tổ chức Festival Chí Linh - Hải Dương năm 2023, đã thu hút sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo nhân dân, lan tỏa và kết nối thành công chuỗi sự kiện của Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc.
Năm 2023, được sự quan tâm của các cấp, ngành, của Trung ương, địa phương và nhân dân, việc xây dựng, tu bổ tôn tạo di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc không ngừng được đầu tư, xây dựng. Đến nay, nhiều hạng mục di tích đã và đang được hoàn thành như: Thi công hoàn thiện dự án đường vào khu di tích quốc gia đặc biệt Kiếp Bạc (bên phải tuyến), đoạn từ ngã ba An Lĩnh vào đền Kiếp Bạc. Tham mưu và tham gia tích cực với các phòng chuyên môn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo và hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình các cấp có thẩm quyền thẩm định nhiệm vụ quy hoạch và lập quy hoạch mới quy hoạch tổng thể, bảo tồn khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc. Triển khai dự án Đường thần đạo, cổng tứ trụ, nhà phương đình đền Kiếp Bạc. Triển khai điều chỉnh dự án tu bổ, tôn tạo chùa Côn Sơn. Hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án xây dựng bến, chợ sông Thương, sân lễ hội và bến bãi xe phía trước đền Kiếp Bạc. Tham mưu, lập đề xuất chủ trương đầu tư tu bổ, tôn tạo đền Thanh Hư...
Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc tiếp tục quan tâm tập hợp tư liệu điều tra, nghiên cứu về di tích và danh nhân Côn Sơn - Kiếp Bạc phục vụ công tác tuyên truyền và phát huy giá trị di tích. Tuyên truyền thường xuyên trên website của Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc. Liên kết các đơn vị truyền thông của Trung ương và địa phương thông tin đầy đủ, kịp thời các sự kiện hoạt động của cơ quan, đặc biệt chú trọng cập nhật các sự kiện lớn của đơn vị trước, trong và sau các kỳ lễ hội. Duy trì công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức như thuyết minh di tích, đăng tải các hình ảnh, bài viết, clip về tiềm năng, giá trị, tài nguyên du lịch của di tích trên trang Fanpage, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Hải Dương, Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương... Tập trung xây dựng nội dung tuyên truyền phù hợp, bám sát nội dung giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc thù trà sen Kiếp Bạc, trà hoa cúc Côn Sơn, khu trải nghiệm Côn Sơn...
Công tác thuyết minh, đón tiếp được chú trọng, không ngừng nâng cấp về chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, ứng xử phù hợp. Năm 2023, di tích đón nhiều đoàn của Trung ương: Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, thủ trưởng các ban ngành, đoàn thể Trung ương; các đoàn khách trong, ngoài tỉnh và du khách thập phương.
Tích cực tham gia các hội nghị, diễn đàn về phát triển du lịch của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và của tỉnh, tiếp thu chủ trương, tham mưu phương án, giải pháp kích cầu, phát triển du lịch Côn Sơn - Kiếp Bạc.
Trên hành trình trở thành di sản thế giới
Năm 2023, Côn Sơn - Kiếp Bạc của Hải Dương cùng với Yên Tử (Quảng Ninh), Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) được hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã tích cực phối hợp, tham gia hoàn thiện, trình Hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc lên UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn bó mật thiết với cuộc đời, sự nghiệp của các danh tướng, danh nhân văn hóa như Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Đán... Đây không chỉ là trung tâm tôn giáo tín ngưỡng lớn mà còn là phòng tuyến quân sự quan trọng trấn giữ phía đông bắc của Kinh đô Thăng Long. Chùa Côn Sơn từ thế kỷ XIII, XIV là một trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm. Đền Kiếp Bạc được xây dựng tại căn cứ quân sự Vạn Kiếp của Trần Hưng Đạo, trở thành một trong những trung tâm nội đạo thờ Đức Thánh Trần.
Ra đời và tồn tại lâu dài cùng lịch sử, hội tụ văn hoá của các vùng miền, Côn Sơn - Kiếp Bạc trở thành kho tàng văn hoá vật thể, phi vật thể đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung, là kết tinh của biết bao công sức, tư tưởng, trí tuệ, tình cảm... của các thế hệ cha ông đã dày công vun đắp, giữ gìn bảo vệ đến ngày nay.
Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cùng tồn tại, phát triển trên một vùng đất, thờ tự 2 tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau, nhưng hòa đồng tạo nên một bản thể văn hóa tâm linh hoàn chỉnh, thống nhất. Chính vì thế, hơn 7 thế kỷ đã qua, khu di tích này luôn là một trong những trung tâm văn hóa tâm linh lớn của đất nước, đi vào tâm thức người dân: "Côn Sơn, Yên Tử, Quỳnh Lâm/ Nếu ai chưa tới thiền tâm chưa đành", hay: “Dù ai buôn bán gần xa/ Hai mươi tháng tám giỗ Cha thì về”... đã nói lên điều đó.
Với những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, khoa học... Côn Sơn - Kiếp Bạc là một bộ phận cấu thành, không thể tách rời của quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trong hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản thế giới.
TIẾN HUY