Việc tìm mọi cách để “được nghèo” chỉ có thể lý giải bởi sự tham lam và lười biếng...
Cụ Đỗ Thị Mơ (83 tuổi), ở xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) đã lên UBND xã đề nghị được thoát nghèo
Thông tin cụ Đỗ Thị Mơ năm nay hơn 80 tuổi ở xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) 2 lần làm đơn đề nghị UBND xã cho mình ra khỏi danh sách hộ nghèo được phát trên truyền hình gần đây đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Người ta nể phục vì cụ Mơ tuổi đã cao, lại sống một mình, thu nhập bấp bênh. Nếu thuộc diện hộ nghèo, cụ sẽ được hưởng nhiều chế độ như cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, hỗ trợ tiền điện sinh hoạt hằng tháng…
Nhưng cụ Mơ vẫn kiên quyết đề nghị được thoát nghèo với lý do cụ không còn nghèo và hãy dành sự hỗ trợ đó cho những người khó khăn hơn. Cách nghĩ ấy thật đáng trân trọng trong bối cảnh vẫn còn nhiều người chỉ muốn được nghèo để hưởng chính sách ưu đãi.
Tôi đã từng nghe không ít người dân phản ánh trường hợp này, trường hợp kia hoàn cảnh kinh tế chẳng đến nỗi nào, thậm chí nhà cửa tiện nghi đàng hoàng nhưng vẫn được xếp vào hộ nghèo. Lại có người con cái đuề huề, khá giả nhưng tách hộ sống một mình để trở thành người nghèo vì tuổi cao, sức yếu.
Có người sau một thời gian mắc bệnh, được chữa trị, đủ sức khỏe đi làm công nhân nhưng vẫn cố xin giấy chứng nhận bị tâm thần để hưởng chế độ. Những trường hợp đó không phải là tất cả, thậm chí chỉ là một bộ phận thuộc diện nghèo.
Đa số người nghèo vẫn nỗ lực vươn lên thoát nghèo bởi lòng tự trọng, cũng bởi khát vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Vậy do đâu và làm cách nào để ngăn chặn nạn trục lợi chính sách cho người nghèo?
Việc tìm mọi cách để “được nghèo” chỉ có thể lý giải bởi sự tham lam và lười biếng. Nói một cách khác, người đã hết nghèo mà vẫn nhận mình nghèo để trục lợi chính sách là người thiếu tự trọng. Ở góc độ khác, tình trạng này cũng phản ánh những kẽ hở trong công tác bình xét hộ nghèo.
Mặc dù Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành thông tư hướng dẫn rà soát, chấm điểm các tiêu chí để đánh giá hộ nghèo, hộ cận nghèo, song trên thực tế việc thực hiện hướng dẫn ở một số nơi vẫn còn hình thức và cảm tính.
Cũng giống như việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức, việc kê khai thu nhập để xác định hộ nghèo phụ thuộc lớn vào tính tự giác của người được kê khai, ý chí chủ quan của cán bộ thôn, khu dân cư khi đánh dấu vào các tiêu chí nhận diện hộ nghèo.
Một vị Chủ tịch UBND cấp xã từng thừa nhận với tôi, cán bộ thôn, khu dân cư rất khó để biết được thu nhập ngầm của các gia đình nên chuyện để lọt người không nghèo thành người nghèo rất khó tránh.
Mới đây, thông tin trên báo chí cho hay một trường hợp ở TP Chí Linh đã được đưa vào danh sách hộ nghèo theo ý chỉ chủ quan của cán bộ phường dù trước đó khu dân cư không hề bình xét gia đình này thuộc diện nghèo.
Cũng có ý kiến cho rằng, chính nạn tham nhũng và sự thiếu gương mẫu của cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao đã khiến nhiều người cho rằng việc trục lợi chính sách người nghèo là chuyện đương nhiên, kiểu “thượng bất chính, hạ tắc loạn”.
Thậm chí, có người còn đưa ra lý lẽ, số tiền mà họ được hưởng do trục lợi từ chính sách cho hộ nghèo chẳng thấm gì so với thất thoát hàng nghìn tỷ đồng do quan tham gây ra.
Để ngăn chặn nạn giả nghèo để trục lợi, không thể chỉ tuyên truyền, vận động, quan trọng là cần có phương pháp đánh giá khoa học.
Cùng với phương pháp đánh dấu các tiêu chí trên giấy tờ nên điều tra thực tế từng gia đình dự kiến đưa vào diện nghèo.
Quan sát, nắm bắt thông tin nhiều chiều về đối tượng. Ngoài niêm yết danh sách các gia đình đưa vào bình xét hộ nghèo ở nhà văn hóa thôn, khu dân cư còn có thể thông báo trên hệ thống loa truyền thanh hoặc phát phiếu lấy ý kiến của người dân trong cùng xóm, tổ dân phố...
Người vi phạm ngoài việc dừng các chế độ hỗ trợ cũng cần hình thức xử lý phù hợp hơn để tạo sự công bằng.
HOÀI ANH