Từ chuyện "không nghe số lạ" nghĩ về công tác dân vận chính quyền

08/09/2022 08:35

Tôi thường xuyên gọi điện thoại liên hệ tới nhiều cán bộ chủ chốt cấp xã, cấp huyện để viết báo. Nhiều cuộc gọi để hẹn làm việc được ngay song cũng không ít lần không được.

Có một số người tôi gọi nhiều lần, thậm chí nhắn tin giới thiệu họ tên, chức vụ, mục đích liên hệ làm việc song cũng không thấy hồi âm. Nhiều cán bộ quan niệm không bao giờ nghe điện thoại từ những số máy lạ. Đành rằng, khi liên hệ thì người cần gặp không nghe máy có thể vì bận họp, đi công tác… song một hành vi văn hóa tối thiểu là sẽ gọi điện lại sau khi công việc đã kết thúc. Nhiều đồng nghiệp của tôi cũng thường than thở về tình trạng này. Tôi chợt nghĩ nhà báo - những người được quyền thu thập, khai thác thông tin còn như vậy thì những người dân muốn gặp được những người cán bộ ấy để giải quyết công việc sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.


Ảnh minh họa

Không thiếu minh chứng về tình trạng gây khó khăn, thậm chí nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính, chế độ, chính sách. Một bộ phận cán bộ, công chức khi hướng dẫn thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân, thấy nội dung chưa đầy đủ, kê khai chưa đúng nhưng không hướng dẫn một lần mà cố tình hướng dẫn lắt nhắt nhiều lần để vòi vĩnh người dân phải chi tiền “lót tay” để mau xong việc.

Ngày 19.5.2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 28-CT/TU về tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác dân vận của cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp trong tình hình mới. Chỉ thị nêu rõ các kết quả, ưu điểm và cả những hạn chế trong công tác dân vận chính quyền. Đó là nhận thức của một số cán bộ, công chức, viên chức về công tác dân vận có lúc chưa đầy đủ. Việc tổ chức thực hiện công tác dân vận ở một số cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp chưa nghiêm túc, chất lượng chưa cao, hiệu quả chưa rõ nét. Công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính còn chuyển biến chậm. Việc tổ chức thực hiện Quy chế tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân có nơi còn hình thức. Trong công tác giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo ở cơ sở và một số cấp huyện còn tình trạng đùn đẩy, né tránh, kéo dài. Việc phối hợp giữa chính quyền với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện một số nhiệm vụ chưa chặt chẽ, cụ thể, hiệu quả chưa cao. Vai trò gương mẫu của người đứng đầu, cán bộ, công chức ở một số cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp chưa được đề cao…

Ngày 22.10.2018, Tỉnh ủy có Kết luận số 56-KL/TU về kết quả kiểm tra 5 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3.6.2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóaXI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Trong kết luận này có nêu 2 hạn chế là việc phối hợp giữa chính quyền với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện một số nhiệm vụ chưa chặt chẽ, cụ thể, hiệu quả chưa cao; công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính còn chuyển biến chậm. Thật đáng thất vọng bởi sau 4 năm, 2 hạn chế nêu trên chưa được khắc phục, còn nêu ra trong Chỉ thị số 28-CT/TU.

Các nhiệm vụ, giải pháp để làm tốt công tác dân vận chính quyền đã được nêu rõ trong các chỉ thị, kế hoạch của tỉnh. Song giải pháp nào cần được ưu tiên thực hiện rốt ráo để sớm tạo chuyển biến trong công tác này? Tôi cho rằng cần phải thực hiện nghiêm Quyết định số 629/QĐ-UBND ngày 10.3.2022 của UBND tỉnh quy định tiêu chí, thang điểm và phương pháp đánh giá công tác dân vận của các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp tỉnh Hải Dương. Trong quá trình thực hiện quyết định này, cơ quan có thẩm quyền nên xem xét cho Ủy ban MTTQ, các đoàn thể, đại diện nhân dân được cùng tham gia đánh giá, chấm điểm, giám sát. Sau khi có kết quả cụ thể thì công khai rộng rãi để nhân dân biết, phản hồi, sau đó cấp có thẩm quyền mới quyết định phê duyệt.

NINH TUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ chuyện "không nghe số lạ" nghĩ về công tác dân vận chính quyền