Trường Sa - pháo đài giữa biển khơi. Bài cuối: Những chuyến tàu đặc biệt

31/01/2019 11:34

Năm qua năm, trên những chuyến tàu, từng thế hệ người lính đã, đang và sẽ nối bước, cùng nhau canh giữ biển trời để Trường Sa trường tồn cùng Tổ quốc.

>>Trường Sa - pháo đài giữa biển khơi. Bài 5: Mãi mãi không quên
>>Trường Sa - pháo đài giữa biển khơi. Bài 4: Sức sống An Bang
>> Trường Sa - pháo đài giữa biển khơi. Bài 3: Thắm tình quân dân
>>Trường Sa - pháo đài giữa biển khơi. Bài 2: Những "cột mốc" chủ quyền

>>Trường Sa - pháo đài giữa biển khơi. Bài 1: Mang mùa xuân quê nhà ra Trường Sa




Những chiến sĩ Hải quân tạm biệt đất liền ra Trường Sa làm nhiệm vụ

Tiếp bước cha ông, các thế hệ người lính vượt qua muôn nghìn sóng gió, gian khổ, thay phiên gác giữ biển trời. Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa mãi là phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc.

Tất cả vì Trường Sa

Điểm đến cuối cùng của đoàn công tác Hải quân Vùng 4 là đảo Trường Sa Đông. Biển động nên hải trình của chúng tôi phải rút ngắn hai ngày so với kế hoạch ban đầu. Công việc kiểm tra, bàn giao công tác được thực hiện một cách khẩn trương để kịp tiến độ. Ở trên tàu, những nụ cười rạng rỡ chào đón những người lính hoàn thành nhiệm vụ trở về đất liền. Những cái bắt tay thật chặt gửi gắm niềm tin đến các cán bộ, chiến sĩ lên đảo làm nhiệm vụ thay đồng đội.

Chuẩn bị quân tư trang, tân binh Đỗ Phạm Trung Hiếu (22 tuổi quê ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) vội vàng chia tay những đồng đội mới gặp để chuẩn bị xuống xuồng về đơn vị nhận nhiệm vụ. Chưa hết mệt vì lần đầu đi biển dài ngày, Hiếu vẫn nở nụ cười hiền lành trên khuôn mặt thư sinh để chào mọi người. Là con một trong gia đình, ngay sau khi học xong cao đẳng, Hiếu đã xin bố mẹ cho nhập ngũ. Vốn không quen với những công việc nặng nhọc nhưng những tháng tân binh đã giúp anh trở nên dày dạn hơn. "Bây giờ em đã quen được với môi trường quân đội nên cũng không thấy khó khăn, vất vả nhiều. Nhập ngũ rồi lại được phục vụ trong Hải quân là niềm vinh dự rất lớn đối với em. Mỗi lần được gọi điện về gia đình, bố mẹ cũng rất vui và tự hào khi em được làm nhiệm vụ tại Trường Sa", anh Hiếu bộc bạch.

Sau gần hai chục ngày hành quân, chuyến tàu thay thu quân đã ghé qua 7 đảo phía nam Quần đảo Trường Sa với hàng trăm người lính đi và trở về. Ở các đảo đều có cuốn sổ Tâm tình đồng đội. Những người hoàn thành nhiệm vụ trở về đất liền đều ghi những tâm tình, động viên đồng đội ở lại và ra làm nhiệm vụ. Trên chuyến tàu này, có những người đang hồi hộp chờ đợi phút giây sum họp gia đình sau tháng ngày xa cách. Có những người sẽ đón Tết xa nhà để toàn tâm, toàn chí phục vụ Tổ quốc. Mỗi người có thể có những cảm xúc cá nhân khác nhau. Có chút bồi hồi khi trở về, có chút luyến lưu khi lên đường. Nhưng trên hết đó là tinh thần vượt mọi gian khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đã quá quen với những cái Tết xa nhà nhưng lần này, khi nhắc đến gia đình, đại úy Đoàn Văn Khắc quê ở xã Gia Hòa (Gia Lộc) không khỏi lo lắng. Mấy tháng trước, khi đang nghỉ phép trong đất liền anh Khắc phải tức tốc về quê ngay trong ngày vì nghe tin mẹ mình bị tai nạn giao thông. Vụ tai nạn khiến bà bị liệt nửa người, hiện không thể tự chăm sóc cho bản thân. Nhưng đành phải gác lại chuyện gia đình, anh Khắc lên đường làm nhiệm vụ. "Bây giờ sức khỏe của bà đã dần ổn định phần nào nên tôi cũng yên tâm hơn. Với lính đảo chúng tôi, dù mọi việc có như thế nào đi nữa thì nhiệm vụ vẫn phải là trên hết", anh Khắc chia sẻ.

Còn người, còn đảo

Sáng 17.1, khi tàu của đoàn chúng tôi đang trên đường đến đảo Đá Đông thì bất ngờ bị một tàu nước ngoài bám theo. Dường như đã quá quen với việc này, các thủy thủ vẫn bình tĩnh điều khiển con tàu của đoàn công tác đi theo đúng hải trình trên vùng biển Việt Nam.

Trên boong tàu, câu chuyện giữa tôi và trung tá Vũ Duy Nhịp, Cụm trưởng Cụm chiến đấu số 2 đảo Trường Sa Lớn quê ở thị trấn Nam Sách vẫn diễn ra bình thản. Đã nhiều năm nay anh Nhịp mới có thể về quê đón Tết cùng gia đình. Tròn 50 tuổi, gần hai chục năm qua anh Nhịp đã in dấu giày của mình trên nhiều nơi ở Trường Sa, từ Cô Lin, Len Đao, Sơn Ca đến Trường Sa Lớn. Vì yêu biển quê hương, vì yêu màu áo hải quân mà phần lớn cuộc đời anh Nhịp là những năm tháng xa nhà, cống hiến cho đất nước. Tiếp chuyện tôi, anh Nhịp chỉ cười khi nhắc đến những khó khăn mà mình đã trải qua. Bởi theo anh đó là điều thường xuyên mà người lính phải chấp nhận và khắc phục. Sắp đến tuổi nghỉ ngơi nhưng khi chúng tôi hỏi có nguyện vọng quay lại Trường Sa không, anh Nhịp khẳng định chắc nịch: "Nếu được đơn vị phân công thì tôi lại tiếp tục lên đường". Anh còn khoe có người cháu đang công tác trong Hải quân. Đợt Tết này về, anh sẽ khuyên gia đình và đứa cháu của mình xin đi làm nhiệm vụ ở đảo để trưởng thành hơn và để phục vụ đất nước.

Hoàn thành bổn phận của mình, những người như anh Nhịp sắp đến lúc được nghỉ ngơi. Theo chân anh, những binh nhất, binh nhì hay những sĩ quan trẻ mà tôi gặp như anh Khắc, anh Hải ở Nam Sách, anh Tú ở Thanh Hà, anh Trọng ở Chí Linh... sẽ tiếp tục nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả mà Tổ quốc giao cho. Còn người, còn đảo mãi là mệnh lệnh cho những người lính kiên trung, bất khuất trước mọi nghịch cảnh.

Không chỉ là một vài cái Tết xa nhà, nhiều người lính đã bỏ lỡ những sự kiện trọng đại của người thân và của chính họ. Các anh dành cả đời mình để nguyện trở thành những cột mốc chủ quyền ở Trường Sa. Được cùng hành quân ít ngày trên biển giúp chúng tôi phần nào hiểu được những gian khổ, vất vả mà các anh phải vượt qua. Điều đó càng khiến mọi người thêm cảm phục và trân trọng những hy sinh, đóng góp của người lính biển. Năm qua năm, trên những chuyến tàu, từng thế hệ người lính đã, đang và sẽ nối bước, cùng nhau canh giữ biển trời để Trường Sa trường tồn cùng Tổ quốc.

HOÀNG BIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trường Sa - pháo đài giữa biển khơi. Bài cuối: Những chuyến tàu đặc biệt