Nằm ở cực nam quần đảo Trường Sa, đảo An Bang được mệnh danh là "lò vôi thế kỷ" vì thời tiết khắc nghiệt. Nhưng dưới bàn tay người lính, sự sống ở đây vẫn trỗi dậy mạnh mẽ.
Thượng úy Nguyễn Ngọc Uyên gia cố lại giàn mùng tơi của đơn vị
Vượt sóng
Trong hành trình đi đến các đảo phía nam quần đảo Trường Sa, một trong những lo lắng thường trực của đoàn công tác là việc tổ chức lên đảo An Bang. Đây là đảo khó vận chuyển người và hàng vào nhất tại quần đảo Trường Sa. Do nằm trên dòng hải lưu chảy mạnh và đặc điểm địa chất nên nơi đây quanh năm sóng to, gió lớn. Những con sóng bạc đầu dồn thẳng vào đảo khiến nguy cơ xuồng bị lật bất cứ lúc nào. Nếu ở những đảo khác, xuồng máy có thể đưa hàng và người từ tàu lớn vào tận đảo thì ở đây không thể. Để vận chuyển, người và hàng sẽ lên một chiếc xuồng chuyển tải không có động cơ. Một xuồng máy khác sẽ kéo chiếc xuồng chuyển tải vào gần đảo để lực lượng trên bờ dùng dây kéo vào.
Để đặt chân lên đảo An Bang, cả đoàn chúng tôi phải ăn sáng sớm hơn thường lệ, tranh thủ đúng lúc thời tiết, thủy triều thuận lợi hạ xuồng. Vì việc vận chuyển rất khó khăn và nguy hiểm nên chỉ số ít phóng viên được đi cùng đoàn công tác lên đảo. Chúng tôi được nhắc đi nhắc lại phải ngồi bệt xuống sàn, bám chắc vào thành xuồng chuyển tải. Và dù sóng to như thế nào cũng không được tự ý đứng lên. Chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể khiến xuồng bị lật và không thể nói trước được điều gì. Cùng trên chuyến xuồng đầu tiên, đại úy Hoàng Hưng Hiếu, Phó Chủ nhiệm hậu cần, Lữ đoàn 146 cho biết: "Một năm chỉ có vài lần thời tiết thuận lợi như thế này để vào đảo An Bang. Nhiều khi tàu đến đây rồi nhưng không chuyển người và hàng vào đảo được. Có đợt phải thả neo cả tuần trời chờ đợi hoặc lại phải đi các đảo khác trước rồi quay lại mới có thể vào An Bang".
Chiếc xuồng máy kéo chúng tôi ngồi trong xuồng chuyển tải hơn một cây số từ tàu vào đảo. Sóng kéo lên rồi lại dìm xuống như thể muốn nuốt chửng chiếc xuồng. Hai đồng chí làm nhiệm vụ đưa đoàn liên tục thét lớn: "Ngồi yên! Ngồi yên! Bình tĩnh! Bình tĩnh!". Ở phía đảo, hàng chục chiến sĩ đang chờ sẵn để đón đoàn. Khi chạy đến gần bãi cát trên đảo chừng hơn chục mét, chiếc xuồng máy phía trước bất ngờ tháo dây nối rồi bẻ lái chạy rẽ sang một bên. Chiếc xuồng chuyển tải theo quán tính và sóng xô hướng thẳng vào đảo. Lúc này, hai người trên xuồng cầm dây mồi ở hai đầu ném về phía các chiến sĩ đứng trên đảo. Ngay lập tức, hàng chục người cầm dây đồng thanh hô rồi kéo chiếc xuồng vào bờ. Sóng vẫn đánh vào thành xuồng, có khi còn trùm cả lên đầu, làm ướt sũng những người ngồi bên trong.
Khi các chiến sĩ đã chắc chắn dùng sức cố định được chiếc xuồng chúng tôi mới có thể đứng lên, xuống đảo. Trong số những người lính tham gia đón đoàn, chúng tôi gặp thiếu úy Nguyễn Trường Trọng (26 tuổi, quê ở xã Văn Đức, Chí Linh) là nhân viên thông tin ở đảo. "Bọn em ở đây phải tập luyện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người để đón xuồng mỗi khi có đoàn đến. Những người ở đầu dây đều bơi rất giỏi, sẵn sàng lao xuống cứu người khi có sự cố xảy ra. Ở đây chưa có tai nạn đáng tiếc nào nhưng cũng có khi hàng bị sóng cuốn mất còn người bị xây xát vì bị xuồng đập vào", anh Trọng cho biết.
Vượt gió
Chúng tôi gặp hết bất ngờ này đến bất ngờ khác khi lên đảo An Bang. Ở một nơi thời tiết khắc nhiệt nhất trên Biển Đông nhưng những chậu hoa, luống rau ở đây lại xanh tốt đến lạ kỳ. Ở khu tăng gia trên đảo, đủ các loại rau gia vị, rau cải, rau muống, mùng tơi...vươn lên trong gió. Đưa chúng tôi ra thăm vườn rau của đơn vị, thượng úy Nguyễn Ngọc Uyên quê ở xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) vừa cười, vừa nói: "Chăm rau ở đây còn tỉ mỉ hơn chăm cây cảnh trong đất liền chú ạ. Vì hơi mặn nhiều nên ngày nào anh em cũng phải tưới hai lần để rửa rau. Đêm đến, những người không trực phải tập trung lọ mọ soi đèn bắt sâu. Đến thu hoạch cũng phải đúng thời điểm. Rau thiếu nhưng nếu ăn không kịp cũng khổ vì để quá ngày là nó lại quăn tít hết vào".
Một trong những thứ khiến những chiến sĩ ở An Bang lúc nào cũng phải cảnh giác, đó là những cơn gió độc từ biển. Sóng gió ở đây mạnh đến nỗi hằng năm bãi cát quanh đảo có thể quay đúng một vòng tròn. Nhìn bãi cát mà người ta có thể biết đang là thời điểm nào trong năm nên An Bang còn có tên gọi khác là đảo Đồng Hồ. Sau một đêm, gió ở đây có thể khiến những con lợn khỏe mạnh lăn đùng ra chết. Gió cũng có thể làm cho cả vườn rau bao ngày chăm sóc kỹ lưỡng héo quắt. Vì vậy, để nuôi trồng được, các chiến sĩ phải cắt cử người che chắn vườn chuồng theo từng mùa, từng tháng, thậm chí từng ngày. Mỗi năm hai lần, vườn rau lại được chuyển đến các phía khác nhau của đảo để tránh gió. Mỗi vụ thu hoạch xong, đất lại được phơi khô rửa mặn, bón phân để trồng gối thêm loạt mới. Trung úy Trần Văn Tình, phụ trách hậu cần đảo An Bang hồ hởi chia sẻ: "Ở đây việc trồng, chăm sóc rau cũng là một tiêu chí đánh giá thi đua của các đơn vị. Nhờ sự chung sức, đồng lòng mà bây giờ chúng tôi có thể tự túc được rau ăn hằng ngày. Có thời điểm còn có thể hỗ trợ được ngư dân và các đoàn công tác đi ngang qua".
Bữa cơm trưa mà các cán bộ, chiến sĩ trên đảo thết đãi chúng tôi có nhiều thứ là đặc sản nơi biển xa, đó là rau tươi, đậu phụ và giá đỗ... Dường như vượt qua phong ba, bão táp thì mầm sống ở đây lại càng tươi xanh hơn.
Cuối ngày, hàng chục chiến sĩ lại hiệp đồng để đẩy chiếc xuồng chuyển tải đưa đoàn công tác trở về tàu. Đảo An Bang tiễn chúng tôi bằng một cơn mưa dông bất chợt ập đến. Mưa mang theo những sóng gió đầy bất trắc. Nhưng mưa cũng mang lại nguồn sống để cây cối nơi đây tươi tốt hơn. Như những cây bàng vuông, cây phong ba, với người lính Trường Sa nói chung, An Bang nói riêng mọi gian khổ, khó khăn chỉ càng làm họ thêm mạnh mẽ, kiên cường.
HOÀNG BIÊN