Ở Trường Sa, gặp từng chiến sĩ, từng em nhỏ, chúng tôi đều được nhận một lời chào kèm theo nụ cười với hàm răng trắng lấp lóa đặc trưng của người vùng đảo. Chỉ là lời chào mà gây nhớ nhung thật nhiều.
Đọng lại những ân cần
“Có say sóng không anh? Có mệt không em?...”, cán bộ, chiến sĩ đảo Cô Lin đưa những bàn tay ân cần đón chúng tôi vào thăm đảo cùng râm ran những tiếng chào hỏi thân tình. Những cái bắt tay thật chặt đã làm tôi quên vất vả, nhọc nhằn suốt chặng đường vượt trùng khơi đến với đảo. Thời gian ngắn trên đảo nhưng các cán bộ, chiến sĩ luôn cho chúng tôi cảm giác như được về nhà, thoải mái chuyện trò, ghi âm, ghi hình, chụp ảnh... Ở nơi đầu sóng ngọn gió, khó khăn trăm bề, những người lính hải quân ấy vẫn luôn tươi cười, không hề kêu ca về thiếu thốn, vất vả, gian lao.
Ở Song Tử Tây, tất cả các em bé đều tươi cười rồi chào người lớn dõng dạc. Đặc biệt, không chỉ với khách mới quen, các bé nhớ và đều chào các cán bộ, chiến sĩ trên đảo như thế mỗi khi gặp mặt. Vui vẻ, không khoảng cách - các bé làm chúng tôi bất ngờ bởi một nền nếp văn hoá như phản xạ tự nhiên. Cô bé An Nguyên kể, được các chú, các bác và thầy giáo dặn gặp người lớn phải chào hỏi lễ phép, nói phải đủ chủ ngữ, vị ngữ...
Đi khắp đảo, gặp bất cứ cán bộ, chiến sĩ, hay người dân nào, chúng tôi đều được nhận lời chào to, rõ, vui vẻ như thế. Ở đảo, người lớn gặp em nhỏ sẽ chào trước, thầy giáo chào học trò trước, cán bộ chào chiến sĩ trước… Có món gì ngon người lớn nhường em nhỏ; chủ nhà nhường khách. Thượng tá, Chính trị viên Nguyễn Văn Hùng tự hào vì nền nếp này đã được vun vén, duy trì qua nhiều năm ở Song Tử Tây. Cứ vậy, mọi người tự thân quen, xích lại gần nhau hơn.
Gần 20 ngày thăm Trường Sa, được gặp hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ở Sinh Tồn, Song Tử Đông, Cô Lin, Len Đao… là những ngày chúng tôi luôn vui vẻ, hạnh phúc bởi những tiếng chào, nụ cười đã xóa nhòa mọi khoảng cách.
Ấm tình người nơi đảo xa
Các hộ dân trên các đảo ở Trường Sa đều luôn mở cổng, cửa nhà, vui vẻ đón mọi người đến thăm bất cứ lúc nào. Những ngày chúng tôi thăm đảo, do không mấy khi có khách đến nhà nên nhiều chị em trổ tài nấu ăn, làm thạch rau câu, bánh bông lan... để mời cả xóm và khách cùng ăn. Chị Trần Thị Châu Úc ở Song Tử Tây nấu khay thạch rau câu to, trang trí bắt mắt để đãi khách. Chị bảo đây là món tủ của chị dành để đãi khách hoặc tặng các chiến sĩ mỗi khi thấy anh em huấn luyện vất vả. Thức ăn, quà bánh được bày ra bộ bàn ghế chung của cả xóm; trẻ em, người lớn đều quây quần ngồi ăn chung…
Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở quần đảo Trường Sa như người cùng một nhà. Nhân dân ốm đau có bác sĩ quân y chăm lo. Chiến sĩ huấn luyện vất vả có nước uống, trái cây do nhân dân ủng hộ… Anh Cao Văn Giáp, Phó Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây cho biết ở đây các hoạt động tập thể, chương trình văn nghệ, thi đấu thể thao nào cũng đều có sự góp mặt của cả quân và dân. Các cháu bé cũng được “biên chế” vào các đội văn nghệ, thể dục để tập luyện, tạo sân chơi cho các cháu tự tin giao lưu, rèn luyện sức khỏe.
Hằng tuần, các đảo đều tổ chức các cuộc thi đấu bóng chuyền, bóng đá “nảy lửa” giữa các vận động viên là cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Trung úy Nguyễn Văn Khang, Phân đội trưởng phân đội 1 đảo Song Tử Tây là cầu thủ “cứng” của đội bóng đá cho biết những trận thi đấu thể thao, giao lưu văn nghệ chính là những món ăn tinh thần quý giá của những người lính xa nhà. Anh và các đồng đội luôn thấy ấm áp, vui vẻ vì được sống giữa tình cảm quý mến của bà con nhân dân ở đảo.
Hôm cán bộ, nhân dân, chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn tổ chức gói bánh chưng đón xuân vui tưng bừng, nhiều người dân chưa từng gói bánh chưng, nhưng sau khi được các chiến sĩ hướng dẫn đã vui mừng vì gói được chiếc bánh vuông vức. Người rửa lá, ngâm gạo, người đãi đỗ, ướp thịt… Chiến sĩ Phan Xuân Tuấn vốn có chút ít kinh nghiệm gói bánh chưng khi còn ở nhà đã nhanh nhẹn bày cách cho mọi người. Xuân Tuấn lần đầu ra đảo thực hiện nhiệm vụ. “Là năm đầu tiên xa nhà nhưng tôi thấy không buồn vì được cùng mọi người trải nghiệm những điều mới mẻ. Chúng tôi có bà con, có đồng đội và sự quan tâm của đất liền nên yên tâm về sự đủ đầy trong dịp Tết này”, Tuấn vui vẻ nói như thế.
Đêm quây quần bên bếp lửa bập bùng canh nồi bánh chưng là một đêm khó quên trong lòng những người lần đầu ra thăm Trường Sa. Ôm cây đàn ghi ta, các chiến sĩ say sưa hát. Gió biển hòa tiếng hát, như ru mọi người cùng hòa vào một không khí xuân mới.
Chiếc bánh chưng mới chín được vớt ra, chia phần cho các em nhỏ trước. Bữa cơm tất niên – cũng là bữa cơm chia tay của chúng tôi với quân, dân Trường Sa nhưng mọi người đều vui vì có đủ bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành… Đặc biệt, có tình người ấm áp và Tết thật gần như đang ở giữa quê nhà.
LINH AN