Trường Sa - pháo đài giữa biển khơi. Bài 5: Mãi mãi không quên

30/01/2019 11:44

Tại Trường Sa, mỗi khi đặt chân lên các đảo, nơi đầu tiên chúng tôi đến là nơi yên nghỉ của các anh hùng liệt sĩ để bày tỏ niềm tiếc thương và biết ơn vô hạn.

>> Trường Sa - pháo đài giữa biển khơi. Bài 4: Sức sống An Bang
>>Trường Sa - pháo đài giữa biển khơi. Bài 3: Thắm tình quân dân

>> Trường Sa - pháo đài giữa biển khơi. Bài 2: Những "cột mốc" chủ quyền


Thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ ở Trường Sa

Có một Trường Sa khang trang, vững chãi như hôm nay, vùng đất này đã thấm đẫm biết bao mồ hôi, xương máu của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ. Vì sự trường tồn của chủ quyền biển đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, nhiều anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống nơi đây.

Một thời gian khổ

Tại điểm đảo Thuyền Chài C, từ ngôi nhà cao chân kiên cố chúng tôi nhìn thấy một chiếc tàu cũ, gỉ sét nằm giữa bãi san hô ở phía xa. Dù đã nhuốm màu thời gian nhưng chiếc tàu vẫn còn giữ được hình hài như muốn thách thức những con sóng từ biển cả ập vào. Chúng tôi đặt câu hỏi về chiếc tàu trên với cán bộ, chiến sĩ trên đảo thì được biết, đó là một boong tông cũ và là cột mốc chủ quyền đầu tiên mà quân đội ta đặt lên Thuyền Chài.

Đầu tháng 3.1987, trước tình hình Biển Đông có những diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của cấp trên lực lượng Lữ đoàn 146, Hải quân Vùng 4 phối hợp với các đơn vị chức năng kéo chiếc boong tông trên từ đất liền ra khơi rồi phi thẳng lên đảo Thuyền Chài để khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Thời kỳ đó, vì chưa có điều kiện xây dựng nhà kiên cố nên trong suốt nhiều năm, boong tông này chính là nơi ở và cũng là căn cứ chiến đấu của các cán bộ, chiến sĩ của ta. Trên mặt boong tông rộng chừng 30m2, những chiếc lều tạm được dựng lên che mưa, che nắng. Bên dưới là những khối nước ngọt ít ỏi dành cho cả người và công tác tăng gia. Bấy giờ, đi lại khó khăn nên 6 tháng một lần nhu yếu phẩm mới được chuyển từ trong đất liền ra. Người lính phải tiết kiệm từng lít nước, cọng rau. Sống trong hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn nhưng họ luôn bền gan, vững chí, kiên trung giữ vững chủ quyền của chúng ta tại đây. Cảm phục về tinh thần vượt khó, vượt khổ của bộ đội trên đảo Thuyền Chài, nhà thơ Trần Đăng Khoa từng viết: "Lều bạt chung chiêng giữa nước giữa trời/ Đến một cái gai cũng không sống được/ Sớm mở mắt, nắng lùa ngun ngút/ Đêm trong lều như trôi trong mây..."

Không chỉ đảo Thuyền Chài, ở các đảo khác như Đá Đông, Trường Sa Đông...những boong tông, những xác xe tăng mà những người lính năm xưa đặt lên để khẳng định chủ quyền vẫn còn đến ngày nay. Chúng như những nhân chứng lịch sử cho ý chí, quyết tâm của những người lính năm xưa và cũng là lời nhắc nhở, khích lệ tinh thần các cán bộ, chiến sĩ hôm nay và mai sau. Đại úy Trần Văn Phúc, quê ở xã Tân Phong (Ninh Giang), Chỉ huy trưởng đảo Đá Đông chia sẻ: "Cuộc sống ở đảo cũng có thời điểm rất khắc nghiệt, nhất là mùa biển động. Những cơn bão bủa vây và nguy cơ từ các lực lượng chiếm đóng trái phép ở Trường Sa. Nhưng có lẽ những thứ đó chưa thấm tháp so với gian khổ các thế hệ cha ông đã vượt qua. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bây giờ chúng tôi có điện năng lượng mặt trời, có máy lọc nước biển nên đời sống bộ đội đã cải thiện rất nhiều. Tiếp bước truyền thống các thế hệ đi trước, chúng tôi tự tin sẽ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, bảo vệ chủ quyền biển đảo đến cùng".

Ghi nhớ công ơn

Tại Trường Sa, mỗi khi đặt chân lên các đảo, nơi đầu tiên chúng tôi đến là nơi yên nghỉ của các anh hùng liệt sĩ để bày tỏ niềm tiếc thương và biết ơn vô hạn. Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, những người lính đã mãi mãi hoà mình vào biển trời quê hương. Có những người ra đi khi tuổi đời còn trẻ. Bao khát khao, hoài bão đều gác lại vì hiến thân mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trước khi rời điểm đảo Thuyền ChàiB trở lại đất liền, chúng tôi lần lượt thắp hương trước ban thờ liệt sĩ Nguyễn Quốc Huy quê ở Quảng Bình được đặt trang trọng ở hội trường. Đã hơn hai chục năm trôi qua, tấm gương của người đồng đội hiền lành, điềm đạm dũng cảm đương đầu với những con sóng dữ vẫn được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trên đảo kể cho nhau nghe. Thượng úy Nguyễn Quốc Huy hy sinh năm 1997 khi đang là Điểm trưởng đảo Thuyền Chài B. Một hôm, đồng chí Điểm phó bơi ra cắm bia để anh em tập luyện thì bị sóng cuốn, hụt hơi. Thấy thế, đồng chí Huy bất chấp nguy hiểm bơi ra để cứu giúp đồng đội. Đồng chí Điểm phó sau đó vào được bờ nhưng anh Huy bị sóng cuốn, hụt hơi và hy sinh, đồng đội không tìm thấy. Từ đó, các đồng đội lập ban thờ trên đảo để tưởng nhớ.

Tại tỉnh Khánh Hòa, cùng với Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở huyện Cam Lâm, Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh vì chủ quyền biển đảo ở Trường Sa Lớn là địa chỉ đỏ có ý nghĩa sâu sắc về chính trị - xã hội. Được nhân dân trong và ngoài nước chung tay xây dựng, công trình thể hiện sự tri ân đối với các Anh hùng Liệt sĩ đã hiến dâng máu xương của mình, anh dũng hy sinh, tô thắm thêm truyền thống bất khuất của Hải quân nhân dân Việt Nam. Dâng hương tại đài tưởng niệm, thượng tá Lương Xuân Giáp, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, Hải quân Vùng 4 xúc động: "Trường Sa là pháo đài vững chắc, mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc giữa trùng khơi, trở thành chỗ dựa cho nhân dân sinh sống, vươn khơi và bám biển. Có được ngày nay là nhờ những công lao và sự hy sinh vô bờ bến của các anh hùng liệt sĩ đã nằm lại nơi đây. Để xứng đáng với công lao và sự hy sinh cao cả đó, thế hệ hôm nay và mai sau sẽ mãi giữ yên biển, trời đất mẹ, giữ vững quần đảo Trường Sa của Tổ quốc".

HOÀNG BIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trường Sa - pháo đài giữa biển khơi. Bài 5: Mãi mãi không quên