Các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện biến thể mới của virus gây dịch tả lợn châu Phi, gây nhiều khó khăn cho việc phát hiện sớm và kiểm soát dịch này.
Thông báo của Viện Nghiên cứu Thú y Cáp Nhĩ Tân ngày 26.2 cho biết biến thể mới này được phát hiện sau nửa năm giám sát từ tháng 6 đến tháng 12.2020 tại 7 tỉnh ở Trung Quốc là Liêu Ninh, Hắc Long Giang, Cát Lâm, Thiểm Tây, Hồ Bắc, Nội Mông.
Các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Thú y Cáp Nhĩ Tân xác nhận: “Sự xuất hiện của biến thể độc lực thấp này gây nhiều khó khăn cho việc phát hiện sớm và kiểm soát dịch tả lợn châu Phi”.
Việc dịch tả lợn châu Phi mới bùng phát kèm theo nhiều triệu chứng như lở mồm long móng và tiêu chảy cấp ở lợn khiến nỗ lực khôi phục số lượng lợn nuôi tại Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.
Trung Quốc phát hiện trường hợp mắc tả lợn châu Phi đầu tiên vào tháng 8.2018 tại tỉnh Liêu Ninh. Đã có hàng triệu con lợn tại nước này chết vì dịch. Trong khi đó, giá thịt lợn ở Trung Quốc tăng vọt.
Triệu chứng mắc tả lợn châu Phi là con vật chán ăn, tăng nhiệt, nôn, tiêu chảy, khó thở, đứng không vững. Dịch tả lợn châu Phi không lây lan từ lợn sang người.
Lợn mắc bệnh này do tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua côn trùng như ve. Virus dịch tả lợn châu Phi có thể ẩn mình vài tháng trong thịt lợn đã qua xử lý và thậm chí vài năm trời trong thịt lợn đông lạnh. Dịch tả lợn châu Phi thường lây lan ở lợn sống trong môi trường vệ sinh kém.
Hiện chưa có thời gian cụ thể về việc sản xuất vaccine phòng virus dịch tả lợn châu Phi và việc kiểm soát dịch dựa vào chẩn đoán sớm kèm tiêu hủy các con lợn mắc bệnh.
Theo báo Tin tức