Những ngày qua do thời tiết chuyển mùa nên số bệnh nhân nhập viện tăng cao. Hiện tại, các khoa nhi, lão khoa của một số bệnh viện đã chật cứng bệnh nhân.
Điều trị trẻ mắc cúm tại Bệnh viện Nhi Hải Dương
Trung bình mỗi ngày có tới trên 150 trẻ được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Hải Dương, trong đó gần 70% số trẻ phải nhập viện vì bệnh nặng. Ngày 3.10, Khoa Hô hấp của bệnh viện điều trị cho trên 80 bệnh nhi, tăng gấp đôi so với những ngày trời nắng nóng gay gắt trước đó. Trẻ chủ yếu mắc viêm phế quản, viêm phổi cấp tính. Nhiều trẻ sau khi được điều trị khỏi tại tuyến dưới phải nhập viện do bệnh tái phát.
Cháu Nguyễn Văn Ninh, 5 tuổi, ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) ban đầu chỉ bị ho, khó thở, sau đó sốt cao, gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi điều trị một tuần mới được xuất viện. Trở về nhà được gần một tuần, cháu lại phải vào Khoa Nhi - Sơ sinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng bệnh có diễn biến nặng như sốt cao liên tục, ho và nôn.
Tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Hải Dương, lượng bệnh nhân mắc tay- chân- miệng và cúm A cũng tăng đột biến. Hiện khoa đang điều trị cho 52 trẻ, trong đó 19 ca mắc tay - chân - miệng, 14 ca cúm và các bệnh khác. Theo thạc sĩ Trần Thị Thanh Nhàn, Trưởng khoa, khác với những năm trước, năm nay, nhiều bệnh truyền nhiễm xuất hiện từ đầu năm và dai dẳng cho tới bây giờ vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Điển hình như bệnh tay-chân-miệng, nếu năm trước chỉ lẻ tẻ một tháng mới xuất hiện 1 trường hợp thì năm nay bệnh xuất hiện liên tục, mỗi tháng vài chục bệnh nhân. Từ đầu năm tới nay, khoa đã tiếp nhận gần 800 trường hợp trẻ mắc tay-chân-miệng, trong đó rất nhiều trẻ mắc virus EV 71 là chủng có độc lực mạnh, dễ gây biến chứng nặng. Bệnh cúm ở trẻ cũng đến sớm hơn với 12 ca mắc, tăng 80% so với thời điểm này năm trước, trong đó nhiều trẻ bị sốt cao kèm viêm phổi, ho, sổ mũi, khó thở.
Khoa Lão khoa Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng thường xuyên tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân cao tuổi. Mỗi ngày có từ 10 - 15 bệnh nhân vào điều trị, tăng từ 5 - 7 người so với ngày thường. Hiện khoa đang điều trị cho 65 bệnh nhân mắc các bệnh lý như tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, các bệnh liên quan đến tim mạch, đái tháo đường, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính… Khoa phải kê thêm giường do bệnh nhân quá tải. Những bệnh nhân ổn định đã về điều trị tại các trung tâm y tế và điều trị ngoại trú. Khoa cũng đã huy động tối đa lực lượng bác sĩ, điều dưỡng và phân công trực 24/24 giờ để bảo đảm các bệnh nhân nhập viện được điều trị kịp thời.
Bác sĩ Hà Thị Huệ, Khoa Lão khoa Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh cho biết: “Khoa đang điều trị cho 40 bệnh nhân. Ngoài các bệnh người già hay mắc phải như đái tháo đường, tăng huyết áp, loãng xương, còn xuất hiện nhiều bệnh lý mới liên quan tới tim, phổi".
Theo các bác sĩ chuyên khoa, để chủ động phòng bệnh trước diễn biến bất thường của thời tiết, người cao tuổi cần chủ động thời gian sinh hoạt, ăn nghỉ, luyện tập thể thao điều độ. Có các biện pháp giữ gìn sức khỏe, hạn chế thức ăn lạnh. Những người mắc bệnh mạn tính cần sử dụng đều đặn và đầy đủ đơn thuốc của bác sĩ kê. Đi khám sức khỏe định kỳ, phát hiện, điều trị bệnh kịp thời…
Đối với các gia đình có con nhỏ cần vệ sinh sạch sẽ không gian sống, nhà cửa và các vật dụng, đồ chơi của trẻ. Tăng cường chế độ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Khi trẻ mắc viêm đường hô hấp thường kèm cơn ho. Tùy theo đặc tính của cơn ho, phụ huynh phải đưa đến bác sĩ chuyên khoa để được khám và tư vấn điều trị.
ĐỨC THÀNH