Mùa Vu lan năm nay với những học viên ở Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh thật khác biệt. Đây là năm đầu tiên cơ sở tổ chức lễ Vu lan báo hiếu cho các học viên.
Phần thưởng cho những học viên cai nghiện tốt dịp này là được ăn cơm cùng cha mẹ. Đặc biệt là hoạt động rửa tay chân cho bố mẹ đã khiến nhiều người tham dự xúc động. Có học viên đã chia sẻ việc rửa chân tay cho bố mẹ mình không phải to tát nhưng mấy ai làm được.
Học viên Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương rửa chân báo hiếu cha mẹ nhân dịp lễ Vu lan (ảnh cơ sở cung cấp)
Nhiều người biết chuyện này sẽ cho rằng những người nghiện mắc lỗi với cha mẹ như vậy mà lại đề cập đến báo hiếu thì thật nực cười.
Một nhà sư đã từng nói với tôi: Chữ hiếu trong cuộc đời này rộng lắm! Nó không đơn thuần là hiếu kính với cha mẹ bằng tiền tài, vật chất hay phải luôn ở bên chăm nom, phụng dưỡng mà đôi khi là sự hy sinh thầm lặng để được thấy nụ cười hạnh phúc, an lạc của mẹ cha hoặc đơn giản là những bữa cơm sum vầy trong sự yêu thương, hòa thuận... Thậm chí ngay cả sự ăn năn, hối cải, biết yêu thương, sẻ chia và làm cha mẹ vui lòng có thể dù muộn nhưng với những người nhận ra ý nghĩa của đạo hiếu thì luôn đáng được trân trọng.
Tháng 7 âm lịch năm nào cũng vậy, khi mùa Vu lan đến là lúc để chúng ta hướng về các bậc sinh thành. Lễ Vu lan xuất phát từ đạo Phật, còn được hiểu là lễ báo hiếu, tưởng nhớ công ơn của cha mẹ và tổ tiên, trong đó thông điệp ý nghĩa nhất là tưởng nhớ đến mẹ. Đây cũng là dịp để mọi người thể hiện những nghĩa cử, sự chân tình, biết ơn đến cha mẹ, tổ tiên bằng những việc làm ý nghĩa. Vì vậy, không phân biệt giới tính, tuổi tác, địa vị xã hội, lễ Vu lan nhắc mỗi người hãy làm tròn chữ hiếu dù ở bất cứ hoàn cảnh, thời gian nào.
Dịp này năm trước, trên mạng xã hội xôn xao khi biết một nhóm kín có tên "Hội những người ghét cha mẹ" thu hút hơn 7.000 thành viên, trong đó phần lớn là người trẻ tham gia. Các thành viên liên tục đăng tải các nội dung hằn học, bất mãn với phụ huynh. Có thể đây là chỗ để họ xả bức xúc với những hành động, lời nói chưa phù hợp của cha mẹ nhưng cách làm này không thể chấp nhận được, thể hiện sự thiếu sẻ chia giữa các thành viên trong gia đình và chưa hiếu kính với bậc sinh thành.
Cuộc sống tất bật hiện nay khiến nhiều người không có thời gian chăm sóc bố mẹ. Không ít người chỉ biết khóc thật nhiều, làm đám tang thật lớn như một sự an ủi, ăn năn khi bố mẹ mất đi. Lúc họ có công việc ổn định, thu nhập kha khá, nhiều người nghĩ đến sắm sửa đồ đạc trong nhà, mua cho bố mẹ cái này, cái kia. Điều đó chưa đủ mà cha mẹ còn cần sự gần gũi, quan tâm, chăm sóc, thấu hiểu của con cái.
Làm tròn đạo hiếu không dễ nhưng ngay từ bây giờ mỗi người chúng ta khi đang còn cha mẹ cần biết quý trọng. Dù cha mẹ có khó tính, không cùng quan điểm thì hãy đặt bản thân mình vào vị trí của họ để thấu hiểu, từ đó có cách ứng xử phù hợp. Lòng hiếu thảo đối với cha mẹ không phải đợi đến lúc giàu có mới báo đáp mà thể hiện ngay trong cuộc sống hằng ngày. Đôi khi từ những việc nhỏ như nấu một bữa ăn ngon hay cùng cha mẹ đi tập thể dục, trò chuyện, tạo không khí ấm cúng, vui vẻ trong gia đình cũng là cách để chúng ta yêu thương cha mẹ, thể hiện lòng hiếu kính một cách giản dị, chân thành.
Chữ hiếu không chỉ được thể hiện dịp lễ Vu lan hay trong tháng 7 mà luôn cần trong cuộc sống hằng ngày. Người lớn làm gương, trao truyền đạo hiếu cho con trẻ và những thế hệ sau. Khi hiếu lễ được coi trọng thì sẽ có những gia đình ấm êm, con cái yêu thương cha mẹ và như thế sẽ có cả xã hội hạnh phúc.
HẢI MINH