Trách nhiệm của đại biểu dân cử

31/03/2023 09:22

Việc ông Nguyễn Viết Dũng, người đánh nữ nhân viên sân golf vừa được cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam là lời nhắc nhở đối với đại biểu dân cử.

HĐND tỉnh Quảng Nam vừa cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Nguyễn Viết Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Đất Quảng. Quyết định này được nhiều người đồng tình.

Trước đó, ngày 6.12.2022, ông Dũng đến sân BRG ở quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) cùng ba người chơi golf. Trong lúc chơi, do bất đồng với nữ nhân viên phục vụ, ông Dũng dùng gậy golf làm người này bị thương ở mặt. Vụ việc gây bất bình trong dư luận, nhất là khi ông này còn là đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam.

Có thể thấy trách nhiệm của người đại biểu dân cử khi đã được nhân dân tin tưởng bầu ra là rất nặng nề. Điều 115 chương 9 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ "đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương; liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của HĐND, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đại biểu HĐND có nhiệm vụ vận động nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật, chính sách của Nhà nước, nghị quyết của HĐND, động viên nhân dân tham gia quản lý Nhà nước". Cũng theo Hiến pháp, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND bị cử tri hoặc Quốc hội, HĐND bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.

Trường hợp của ông Dũng như một lời nhắc nhở, cảnh báo đối với những người đã, đang, sẽ là đại biểu dân cử về vai trò, trách nhiệm của mình. Một khi đã vinh dự được cử tri giao phó niềm tin trở thành đại biểu dân cử, mỗi người cần biết sức nặng của nó, biết mình đang đại diện cho nhân dân và cần làm những điều đúng đắn để xứng đáng với vai trò này.

Ở Hải Dương, tuy chưa có trường hợp nào tương tự xảy ra, nhưng tôi thấy một số đại biểu HĐND chưa ý thức đầy đủ, đúng mực về vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của mình. Vì chưa ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình nên còn người thờ ơ với hoạt động của HĐND. Một số đại biểu HĐND chưa tích cực tham gia hoạt động giám sát, chưa sâu sát với cử tri để tiếp nhận tâm tư, nguyện vọng của cử tri và phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền. Trong các kỳ họp, nhiều đại biểu chưa tích cực thảo luận, chất vấn. Vẫn còn những đại biểu không đóng góp ý kiến trong nhiều kỳ họp, các cuộc giám sát. 

Rõ ràng, quyền hạn, trách nhiệm giao phó cho đại biểu HĐND rất nặng nề nhưng nhiều người chưa thực hiện tốt. Thực tế cho thấy năng lực tạo nên thực quyền, nếu các đại biểu HĐND tích cực hoạt động sẽ tạo chuyển biến, mang lại hiệu quả. Khi có chuyển biến từ trong nhận thức thì những hành động, vụ việc như trường hợp ông Nguyễn Viết Dũng ở Quảng Nam sẽ không xảy ra.

Mỗi đại biểu cần nêu cao ý thức trách nhiệm, vai trò đại biểu dân cử của mình. Điều này thể hiện trong từng việc nhỏ đến việc lớn, từ tích cực giám sát, tham gia các đoàn giám sát đến việc thể hiện ý kiến tại các diễn đàn, nghị trường... Việc gần gũi, sâu sát với cử tri nơi mình sinh sống và nơi ứng cử cũng là một hành động cần thiết để làm tròn trách nhiệm đại biểu HĐND. Thường trực HĐND các cấp cần quyết liệt trong kiểm tra, đánh giá hoạt động của mỗi đại biểu, tạo áp lực và cả động lực để mỗi người phải khắc phục hạn chế, phấn đấu vươn lên. 

Sự giám sát của cử tri là một yếu tố thúc đẩy đại biểu HĐND làm tốt vai trò của mình. Mỗi cử tri cần sáng suốt bầu chọn những người xứng đáng trở thành đại biểu HĐND, đồng thời thường xuyên theo dõi, giám sát hoạt động của mỗi đại biểu để kịp thời góp ý nếu thấy hoạt động chưa hiệu quả. 

PHONG TUYẾT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trách nhiệm của đại biểu dân cử