Trả lương theo sản phẩm không chỉ giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các đơn hàng mà thu nhập của người lao động cũng được nâng lên, đánh giá đúng tay nghề, trình độ của họ.
Trung tuần tháng 2 vừa qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra vụ đình công của hơn 400 công nhân Công ty TNHH Sejin Vina ở xã Đồng Tâm (Ninh Giang), chiếm khoảng 2/3 tổng số công nhân công ty. Lý do chính dẫn đến đình công là trước đó, doanh nghiệp này thông báo chuyển đổi hình thức trả lương từ tính thời gian sang khoán sản phẩm. Số công nhân trên không đồng ý với quyết định của công ty đã tổ chức đình công, yêu cầu doanh nghiệp tiếp tục trả lương theo thời gian làm việc. Yêu cầu này của công nhân không được đáp ứng. Sau đó hơn 300 công nhân đã chấp nhận quay trở lại làm việc.
Qua vụ việc này cho thấy công nhân vẫn chưa nhận thức đúng về vấn đề tiền lương trong doanh nghiệp. Các điều 90 và 94 Bộ luật Lao động 2012 nêu rõ tiền lương trả cho người lao động (NLĐ) căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc. Người sử dụng lao động có quyền lựa chọn hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán. Trong đó, trả lương theo sản phẩm là trả cho NLĐ hưởng lương theo sản phẩm, căn cứ vào mức độ hoàn thành số lượng, chất lượng theo định mức lao động và đơn giá sản phẩm được giao. Đây là hình thức trả lương gắn chặt năng suất lao động với thù lao lao động, có tác dụng khuyến khích NLĐ nâng cao năng suất lao động.
Thực tế có rất nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn hình thức trả lương theo sản phẩm, nhất là những doanh nghiệp may mặc, da giày... có quy mô lớn. Đây được coi là xu hướng tất yếu của quan hệ lao động trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay. Trả lương theo sản phẩm không chỉ giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các đơn hàng mà thu nhập của NLĐ cũng được nâng lên, đánh giá đúng tay nghề, trình độ của họ. Qua tìm hiểu, một số doanh nghiệp như May Tinh Lợi, Formostar Việt Nam, May Đồng Tâm... sau khi trả lương theo sản phẩm có nhiều công nhân đạt thu nhập từ 8 triệu đồng/tháng trở lên, cao hơn hẳn so với mức trả lương theo thời gian công ty từng áp dụng. Như vậy, trả lương theo sản phẩm sẽ loại bỏ được cách tính lương cào bằng như trả lương theo thời gian. Người làm tốt sẽ có thu nhập cao, những người chây ì, tay nghề thấp thì thu nhập hạn chế. Điều này chính là lý do có nhiều lao động phản đối trả lương theo sản phẩm như ở Công ty TNHH Sejin Vina nói trên.
Tuy nhiên, khi áp dụng trả lương theo sản phẩm, các doanh nghiệp cần tính đến việc không để NLĐ làm việc quá sức. Trên thực tế đã từng xảy ra một số vụ đình công như ở các Công ty TNHH: Nam Yang Delta (khu công nghiệp Đại An, TP Hải Dương), Tân Long (Ninh Giang) do công nhân bị ép sản lượng quá cao. Các doanh nghiệp cần tính toán hài hòa khi áp chỉ tiêu giữa tổ sản xuất mẫu với công nhân làm đại trà. Tổ sản xuất mẫu bao giờ cũng gồm những người có tay nghề cao, có thâm niên làm việc tốt hơn. Vì vậy, cùng một mã hàng ấy giữa tổ sản xuất mẫu và công nhân sản xuất đại trà sẽ có sự chênh lệch nhất định về thời gian hoàn thành.
Ở các doanh nghiệp đã trả lương theo sản phẩm thì tổ chức công đoàn cơ sở cần giám sát, nắm bắt thường xuyên, nhất là trong khoảng thời gian thực hiện tăng lương tối thiểu vùng. Việc này nhằm tránh trường hợp doanh nghiệp lách luật bằng cách tăng khoán sản phẩm cho công nhân để tăng nguồn thu bù vào khoản tiền lương tối thiểu tăng theo quy định. Bên cạnh đó, khi thấy những mã hàng khó so với mặt bằng chung, có thể bị giảm số lượng sản phẩm làm ra, dẫn đến giảm thu nhập thì NLĐ cũng nên kịp thời phản ánh để doanh nghiệp có biện pháp điều chỉnh phù hợp.
NGỌC THANH (TP Hải Dương)