Kinh tế

Việt Nam muốn vào top 3 ASEAN về tốc độ tăng năng suất lao động

Theo VnExpress 10/11/2023 07:21

Sau giai đoạn có tốc độ tăng năng suất lao động cao hơn mức trung bình ASEAN, Việt Nam phấn đấu thuộc top 3 khu vực này đến năm 2030.

Nội dung trên được nêu trong Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến 2030, vừa được Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phê duyệt.

Chương trình nhắm đến mục tiêu đưa năng suất lao động trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, tận dụng hiệu quả cơ hội từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việt Nam nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường, nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cụ thể, chương trình đặt mục tiêu tốc độ tăng năng suất lao động bình quân lên trên 6,5% một năm. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt 6,5-7%; nông lâm thủy sản và dịch vụ đạt 7-7,5%.

Tốc độ tăng năng suất lao động của các vùng kinh tế trọng điểm và 5 thành phố trực thuộc trung ương (gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ) cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động trung bình cả nước giai đoạn 2023 - 2030.

Việt Nam cũng muốn nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về tốc độ tăng năng suất lao động vào năm 2030. Thực tế, việc duy trì thứ hạng cao về tốc độ này sẽ giúp Việt Nam dần đuổi kịp với năng suất lao động của các nước.

Số liệu cho thấy, giai đoạn 2011 - 2020, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam là 5,1%, cao hơn mức trung bình của ASEAN. Riêng năm 2021, năm chịu tác động nặng của Covid-19, tốc độ tăng của Việt Nam là 4,7%, cao nhất trong khối. Tuy nhiên, năng suất lao động nói chung của Việt Nam vẫn thấp, có khoảng cách khá xa với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết năm 2022, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 12,2% so với mức của Singapore, 63,9% của Thái Lan hay 94,2% của Philippines.

Mặt khác, báo cáo của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua cũng cho thấy, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội năm thứ ba liên tiếp đang chững lại. Ở các năm 2021 và 2022, tốc độ tăng lần lượt là 4,6% và 4,8%, thấp hơn mục tiêu đặt ra là 5,5%; còn năm nay ước tính 3,7-4,8%. Như vậy, bình quân 2021-2023 mức tăng là 4,36-4,69%, thấp hơn giai đoạn 2016-2018.

Để đạt được các mục tiêu, một số lĩnh vực, địa phương sẽ được chọn thí điểm thúc đẩy tăng năng suất lao động, từ đó nhân rộng ra cả nền kinh tế.

Việt Nam sẽ nghiên cứu thành lập Ủy ban năng suất quốc gia; Các cơ quan chức năng, địa phương cũng thường xuyên trao đổi với doanh nghiệp, nhà đầu tư, người lao động về các yêu cầu, rào cản để giải quyết các vướng mắc khiến năng suất lao động bị chậm.

Bên cạnh đó, chương trình cũng chú trọng đến phát triển nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; cơ cấu lại không gian kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành (ví dụ phát triển vùng, liên kết vùng, hình thành các trung tâm dịch vụ mang tầm quốc tế về thương mại, du lịch, tài chính tại các thành phố lớn).

Theo VnExpress
(0) Bình luận
Việt Nam muốn vào top 3 ASEAN về tốc độ tăng năng suất lao động