Những sức ép “trên đe dưới búa” ấy cùng với cơ hội nghề nghiệp cũng như thu nhập chẳng mấy hấp dẫn làm cho nghề giáo không còn là mơ ước của nhiều học sinh.
Thể hiện lòng biết ơn, tri ân các thầy cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 là nét đẹp đã được xây dựng gần 40 năm qua, phù hợp với truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta. Mặc dù theo quy định mới, các cơ sở giáo dục sẽ không được tổ chức lễ kỷ niệm vào những năm lẻ song những hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo vẫn diễn ra sôi nổi ở nhiều nơi. Tinh thần tôn vinh sự học và nghề giáo vẫn còn nguyên trong tâm thức những người lớn tuổi nên gần tới ngày 20.11, nhiều người vẫn thổn thức nhớ lại kỷ niệm thời đi học cùng với thầy cô đã dạy mình, nhiều cuộc họp lớp được tổ chức để về thăm thầy cô giáo cũ… Song chỉ lòng biết ơn và những hoạt động tri ân đó liệu có đủ giúp cho nghề giáo vượt qua những lao đao nhiều khi rất khó nói trong bối cảnh hiện nay?
Thời gian qua, các giáo viên khá vất vả do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và những cơn bão lũ liên tiếp. Thời gian năm học bị điều chỉnh, phải thay đổi cách thức giảng dạy từ trực tiếp sang trực tuyến trong điều kiện nhiều nơi còn thiếu thốn, rồi thay đổi sách giáo khoa lớp 1, kỳ thi tốt nghiệp THPT phải chia làm hai đợt, nhiều trường học bị ngập nước, tốc mái, sạt lở… là những biến động đáng nhớ trong sự nghiệp của các giáo viên trong cả nước. Các giáo viên mầm non bị thất nghiệp tạm thời trong thời gian trẻ không đến trường, đồng nghĩa với thu nhập sụt giảm làm cho đời sống gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi các phương tiện truyền thông phát triển, nghề giáo cũng chịu nhiều sức ép đến từ dư luận xã hội, phụ huynh học sinh. Bên cạnh nhiều góp ý mang tính xây dựng còn không ít những ý kiến cực đoan, thiếu sự thông cảm đối với công tác giảng dạy của giáo viên. Thậm chí có những phụ huynh cố tình đưa thông tin sai lệch về giáo viên, nhà trường cho dư luận “ném đá”. Với sự phát triển của hệ thống các trường tư thục, nhiều người cho rằng giáo dục cũng chỉ là một nghề dịch vụ giống như các nghề dịch vụ khác, giáo viên và nhà trường là người cung cấp dịch vụ giáo dục, học sinh và phụ huynh là khách hàng. Với quan niệm ấy, sự tôn trọng, lòng biết ơn của phụ huynh, học sinh đối với giáo viên, nhà trường hầu như không còn nữa mà thay vào đó là sự đòi hỏi sòng phẳng lạnh lùng. Thật khó dạy con phải biết kính trọng, vâng lời thầy cô giáo khi chính các bậc làm cha mẹ có thái độ không đúng mực với những người đang dìu dắt con em mình.
Chính những sức ép “trên đe dưới búa” ấy cùng với cơ hội nghề nghiệp cũng như thu nhập chẳng mấy hấp dẫn làm cho nghề giáo không còn là mơ ước của nhiều học sinh. Nhiều trường sư phạm chật vật tuyển sinh nhiều năm nay, không năm nào tuyển đủ chỉ tiêu. Đội ngũ giáo viên có chất lượng tốt đang và sẽ thiếu trầm trọng trong tương lai. Khi đội ngũ giáo viên vừa thiếu về số lượng vừa yếu về chất lượng thì sẽ khó nâng cao chất lượng giáo dục. Và như vậy, vô hình trung sẽ ảnh hưởng tới những thế hệ tương lai.
Những khó khăn về thu nhập, điều kiện giảng dạy có thể được điều chỉnh bằng các chế độ, chính sách của Nhà nước. Giáo viên bị mất thu nhập do dịch Covid-19 đã được bổ sung vào đối tượng nhận hỗ trợ với mức 1.800.000 đồng/người/tháng. Từ năm nay, nhiều khoản phụ cấp ưu đãi của giáo viên được tăng lên. Sinh viên ngành sư phạm cũng có những ưu đãi riêng về học phí, trợ cấp sinh hoạt phí. Còn sự trân trọng những người làm công tác giáo dục cần được thể hiện bởi mỗi học sinh, phụ huynh, bằng sự thấu hiểu, chia sẻ những khó khăn, sự nỗ lực học tập vươn lên của mỗi học trò, sự phối hợp giữa giáo dục trong gia đình và nhà trường, tạo điều kiện để giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Đó là cách tri ân thiết thực nhất.
Trân trọng đội ngũ giáo viên là chúng ta đang tôn trọng tương lai con em mình, tương lai sự phát triển của toàn xã hội.
THÁI HÒA