Tình người giăng mắc trên mảnh đất cằn

11/08/2019 13:04

Bài thơ “Người miền Trung” ra đời như một chấm son giữa cánh đồng thơ mới để rồi neo đậu, giăng mắc mãi trong lòng bạn đọc.

Gần đây, nhà thơ Phương Thảo trình làng bài thơ viết về mảnh đất và con người miền Trung yêu dấu. Bài thơ “Người miền Trung” ra đời như một chấm son giữa cánh đồng thơ mới để rồi neo đậu, giăng mắc mãi trong lòng bạn đọc.

Cái mới ở đây không phải ở đề tài mà là cấu trúc bài thơ. Bài thơ theo thể thơ mới với số câu, số chữ dài ngắn linh hoạt, phảng phất phong vị thơ cổ trang trọng. Nhịp điệu thơ khi nén lại, lúc mở ra mênh mang như điệu dân ca ví dặm da diết, ân tình. Bằng giọng thơ thủ thỉ như lời tâm tình rất đỗi thành thực, nhà thơ giới thiệu về quê hương mình: “Làng tôi nghèo như một chiếc bánh đa/Rộp phỏng lên trong gió Lào quay quắt”. Lối so sánh liên tưởng rất sát thực mà không kém phần bất ngờ, độc đáo làm hiện lên làng quê nghèo với những nét đặc trưng của mảnh đất miền Trung. Hai câu thơ tiếp đã khái quát được đặc điểm tính cách, hồn cốt của con người miền Trung quê anh: “Khổ quen rồi không còn biết khóc/Chỉ biết thương nhau khi tối lửa tắt đèn”. Câu thơ đanh lại với sáu chữ chắc khỏe: “Khổ quen rồi không còn biết khóc” rồi lại mở ra với câu chín chữ nhịp chậm dàn trải như tiếng thở dài điềm tĩnh pha lẫn tự hào, tin yêu: “Chỉ biết thương nhau khi tối lửa tắt đèn”. 

Bốn khổ thơ tiếp theo lần lượt làm sáng rõ những phẩm chất đẹp của con người miền Trung trong nhịp thơ khoan hòa, mênh mang như những câu hát dân ca ví dặm dịu ngọt làm đắm say lòng người. Bất ngờ đầu tiên nằm trong những câu thơ miêu tả hai đối tượng cụ thể tiêu biểu cho hai giới tính: “Con gái” và “Con trai”. Tôi thích cái cách miêu tả lướt nhanh, chớp lấy và dừng lại trên mái tóc con gái: “Con gái miền Trung tóc không đen/Gió Lào sấy mang màu của lửa”. 

Nếu như ở khổ thơ thứ hai, tác giả dùng phép bóc tách đặc tả hai đối tượng “con gái”, “con trai” thì đến khổ thơ ba và bốn, tác giả lại khái quát về “Người quê tôi” và “Miền quê tôi”: "Người quê tôi không giống một nơi nào/Cả làng biết làm thơ, hay cười, thích hát/Câu ví dặm dẻo mềm như sợi lạt/Trói chặt hồn bao mặc khách, tao nhân".

Kỳ diệu thay, mảnh đất miền Trung nghèo khó ấy không hề làm thui chột, cằn cỗi tâm hồn con người. Cả làng ai cũng vượt lên hoàn cảnh sống vất vả, nhọc nhằn để lạc quan, yêu đời, hiền hòa, nhân hậu: "Miền quê tôi không giống một nơi nào/Một nhánh xương rồng bám sâu vào cát/Dồn nhựa sống làm nên màu hoa đẹp". 

Sang khổ thơ thứ năm, giọng điệu câu thơ bỗng chùng xuống cho những dòng hồi tưởng tuôn trào. Quá khứ hiện về mồn một với bao kỷ niệm một thời của tuổi hoa niên. Ba câu thơ với bao nỗi niềm ngỡ như bị chìm xuống trong cảm xúc xót xa, đắng đót. Nhưng không, câu cuối của khổ thơ bỗng đảo chiều vút lên làm cho tứ thơ thăng hoa: “Bãi sác sông Bùng, còng cáy cũng thành thơ”. Những vần thơ vút lên từ trong lao động vất vả gian lao, từ trong công việc bắt còng, bắt cáy. Cuộc sống nghèo khó, gian truân không làm mất đi vẻ đẹp tâm hồn, lạc quan yêu đời, yêu cuộc sống lao động bươn chải hai sương một nắng của những con người miền Trung. 

Khổ thơ kết khép lại những dòng hồi tưởng về một thời quá khứ, tác giả trở về với thực tại để mà suy tư, chiêm nghiệm: "Người quê tôi tóc bạc đến dại khờ/Sống ở Thủ đô vẫn mô- tê- răng- rứa/Khi cả nước bung ra - thời mở cửa!/Hì hục ngồi - Đêm trắng – Chết cùng thơ!". Cách đảo ngữ cùng với cách dùng từ ngữ địa phương (mô -tê - răng -rứa) dân dã đưa thẳng vào câu thơ không cần qua mũ áo của ngôn từ, cùng với những động từ, tính từ giàu sức gợi (hì hục, đêm trắng, chết) được đặt đúng chỗ đã làm nên bão giông, khuấy lên sóng gió nơi tâm can người đọc. Một lần nữa, tác giả khắc tạc lại hình tượng “Người quê tôi” nhưng không phải bằng bút pháp tả thực mà bằng cảm xúc trữ tình, nỗi niềm suy tư của người thơ. Ở đây, cái “dại khờ” của “người quê tôi” đọng lại trong trái tim người đọc, họ thật đẹp, đáng yêu, đáng trân trọng bởi nghèo nhưng không hèn. 

TẠ THỊ SỰ

Người miền Trung

Làng tôi nghèo như một chiếc bánh đa
Rộp phỏng lên trong gió Lào quay quắt
Khổ quen rồi không còn biết khóc
Chỉ biết thương nhau khi tối lửa tắt đèn

Con gái miền Trung tóc không đen
Gió Lào sấy mang màu của lửa
Con trai miền Trung như đồng hun từ nhỏ
Ngụm sữa đầu tiên đã mặn chát gió Lào

Người quê tôi không giống một nơi nào
Cả làng biết làm thơ, hay cười, thích hát
Câu ví dặm dẻo mềm như sợi lạt
Trói chặt hồn bao mặc khách, tao nhân

Miền quê tôi không giống một nơi nào
Một nhánh xương rồng bám sâu vào cát
Dồn nhựa sống làm nên màu hoa đẹp
Đói nghèo lá biến thành gai

Ngày ấy quê tôi con gái, con trai
Học trường huyện vẫn đầu trần, chân đất
Nửa ngày học, nửa ngày đi mót
Bãi sác sông Bùng, còng cáy cũng thành thơ

Người quê tôi tóc bạc đến dại khờ
Sống ở Thủ đô vẫn mô - tê- răng- rứa
Khi cả nước bung ra thời mở cửa
Hì hục ngồi- Đêm trắng- Chết cùng thơ!

PHƯƠNG THẢO

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tình người giăng mắc trên mảnh đất cằn