Nhân lên tình người, vượt qua bạo bệnh

12/08/2023 14:07

Ở Bệnh viện Phục hồi chức năng Hải Dương, bệnh tật và hoàn cảnh khó khăn đã đưa những bệnh nhân, người nhà chăm sóc xích lại gần nhau, chia sẻ và hỗ trợ nhau.


Hằng ngày, chị Bùi Thị Huê (ngoài cùng bên phải) thường đảm nhận đi mua giúp cơm cho mọi người trong Khoa Điều trị vật lý trị liệu

Ở Bệnh viện Phục hồi chức năng Hải Dương, câu chuyện về tình người, sự sẻ chia giữa bệnh nhân, những người chăm sóc trở thành "ngọn lửa" ấm áp tiếp thêm hy vọng cho những người đau yếu vượt qua bệnh tật.

Chật vật điều trị

Chúng tôi đến Khoa Nguyên đơn phục hồi chức năng sau đột quỵ ở Bệnh viện Phục hồi chức năng Hải Dương, nơi đang có trên 50 bệnh nhân đang điều trị vào một buổi trưa nắng. Khu vực hành lang có đông người nhà đi thăm nuôi bệnh nhân đang ngồi trò chuyện. Thấy chúng tôi đến, họ liền đứng dậy, cởi mở, dẫn chúng tôi vào thăm phòng bệnh. Trong phòng điều trị, họ kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện của riêng mình, chuyện gặp nạn, chuyện chật vật điều trị bệnh tật.

Ở phòng điều trị số 1, ông Nguyễn Đồng Minh (52 tuổi, ở xã Cộng Hòa, Nam Sách) có thời gian nằm viện lâu nhất, đã hơn 6 tháng ở đây. Đột quỵ khi đang ngủ, hiện ông Minh vẫn liệt nửa người, mọi sinh hoạt đều phải có người hỗ trợ. Nói về hoàn cảnh gia đình, bà Đinh Thị Huệ, vợ ông Minh ngậm ngùi cho biết vợ chồng bà đều làm nông nghiệp và đang là lao động chính. Thời gian nông nhàn, ông Minh đi làm thêm nghề phụ xây. Gia đình có hai con, các cháu đều đang tuổi ăn học. Kinh tế gia đình vốn khó khăn, nay lại thêm gánh nặng điều trị bệnh tật cho chồng nên bà Huệ phải vay mượn khắp nơi. “Gần 8 tháng chồng tôi nằm viện, tốn gần 400 triệu đồng, đều phải đi vay. Tôi là lao động chính cũng phải nghỉ việc đồng áng để đi chăm chồng. Các cháu còn nhỏ, chưa đi làm kiếm tiền phụ giúp được bố mẹ. Gia đình hiện nay rất khó khăn mà tình trạng bệnh của chồng tôi chưa biết đến bao giờ mới hồi phục”, bà Huệ nói.

Ở góc cùng phòng, giường bên cạnh, chị Lê Thị Yến (ở thị trấn Tứ Kỳ) đang xoa bóp đôi bàn tay bị liệt của chồng. Đôi mắt thẫn thờ, vô hồn nhìn xa xăm. Chị nói lâu lắm rồi không về quê, không biết các con ăn học thế nào mà về thì không có ai chăm sóc chồng. Từ ngày chồng chị là anh Nguyễn Văn Vỹ bị đột qụy liệt nửa người, anh còn mắc thêm chứng trầm cảm do bệnh tật. Người đàn ông chưa tròn 40 tuổi, đang khỏe mạnh, là trụ cột kinh tế gia đình giờ nằm liệt một chỗ khiến ai nấy không khỏi xót xa. “Phát hiện anh ấy bị đột quỵ khi đang tắm vào buổi tối, tôi vội vàng gọi xe đưa đến bệnh viện nhưng không kịp. Anh ấy liệt toàn bộ bên não phải và bên trái người. Đến nay, sau hơn 4 tháng điều trị, sức khỏe của chồng tôi dần có chuyển biến nhưng phần thân và chân, tay bên trái vẫn còn liệt. Từ khi nói được, anh ấy liên tục đòi về vì biết gia đình khó khăn, 3 con còn nhỏ đang phải nhờ ông bà nội trông nom”, chị Yến mắt đỏ hoe nói.


Ông Nguyễn Đồng Minh ở xã Cộng Hòa (Nam Sách) nằm viện điều trị đột quỵ gần 8 tháng mà chưa biết khi nào mới ổn định

Giữa cái nắng nóng của thời tiết, không khí trong phòng bệnh càng trở nên ngột ngạt hơn khi những người bệnh vẫn đang ngày đêm chật vật điều trị với bệnh tật. Có người điều trị cả năm trời vẫn chưa nhận thức được xung quanh khiến người nhà càng xót xa hơn. “Bệnh gì cũng khổ, nhưng điều trị đột quỵ, tai biến thì gian nan vô cùng bởi thời gian điều trị thường tính nhiều tháng, có người vài năm mà chưa biết kết quả thế nào, trong khi tiền bạc cứ đội nón ra đi. Nhà tôi con cái dù đã lập gia đình nhưng đứa nào cũng khó khăn, không hỗ trợ gì được. Giờ vợ chồng già chăm nhau trong viện, không có tiền phải bán mảnh vườn nhỏ để lấy tiền chữa bệnh cho ông ấy”, bà Phạm Thị Tuynh (ở xã Kim Liên, Kim Thành) chăm chồng đột quỵ gần 1 năm nay vừa nói vừa thở dài.

Hầu hết bệnh nhân điều trị đột quỵ, tai biến sau tai nạn đều thuộc hộ nghèo nên được bảo hiểm chi trả viện phí. Tuy nhiên, để giảm thời gian điều trị, nhanh chóng phục hồi, họ phải chi trả thêm rất nhiều khoản ngoài bảo hiểm như mua thuốc ngoài danh mục bảo hiểm, thuê trị liệu vật lý ngoài giờ, rồi tiền ăn, chi phí sinh hoạt. Em N.T.A. (sinh năm 2008, ở xã Thái Tân, Nam Sách) bị tai nạn giao thông, dập gáy, dập phổi dẫn đến tai biến. Gần 2 năm nằm viện, hơn 1 năm điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hải Dương, gia đình em đã kiệt quệ tài chính nhưng đến giờ em vẫn liệt toàn thân, chưa nhận thức được. Anh Nguyễn Duy Liệu, bố của T.A. cho biết vợ chồng anh có hai con nhỏ, T.A. là con thứ hai, cháu lớn đang học cấp 3. Vợ chồng anh đều làm công nhân, những ngày đầu để có tiền chữa bệnh cho con, vợ chồng anh đi vay mượn bạn bè, người thân. Đến khi số tiền điều trị lên đến hơn 1 tỷ đồng, vợ chồng anh phải bán ruộng, bán vườn. Hiện anh là người chăm sóc con trai hằng ngày ở viện, còn vợ anh đi làm công nhân để có thu nhập trang trải cuộc sống, chữa bệnh cho con. 

Ấm áp tình người

Những ngày tháng chật vật điều trị trong bệnh viện, những bệnh nhân, người nhà chăm sóc mỗi người một quê, một hoàn cảnh khác nhau nhưng bệnh tật và khó khăn đã đưa họ lại gần nhau, thấu hiểu và chia sẻ với nhau. Và tình người vẫn ấm lên ở nơi đây. 

Vào giờ ăn trưa ở Khoa Điều trị vật lý trị liệu, từ đầu hành lang chúng tôi đã nghe thấy những tiếng í ới hỏi nhau của người nhà các bệnh nhân: “Nay bác Thắm ăn gì, cô Huệ ăn gì ghi ra để em đi mua cho. Bố con T.A. hôm nay có muốn đổi món không?”... Chị Bùi Thị Huê (xã Hà Kỳ, Tứ Kỳ) đang chăm con trai bị tai biến sau tai nạn giao thông cho biết: “Ở đây người điều trị ít nhất là 3 tháng, người lâu nhất gần 2 năm nên chúng tôi coi nhau như người một nhà. Ai cần gì chúng tôi đều sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ. Việc cơm nước hằng ngày của mọi người trong phòng thường tôi là người đảm nhận đi mua giúp”.


Khi có bệnh nhân cần nâng người để thay đồ, tắm rửa, vận động, mọi người trong phòng bệnh lại cùng xúm vào hỗ trợ nhau

Ở Khoa Điều trị vật lý trị liệu, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện cảm động về tình người của những bệnh nhân, người nhà bệnh nhân nơi đây. Chị Bùi Thị Thắm (ở xã Tân Phong, Ninh Giang) bị tai biến sau tai nạn vào điều trị tại khoa đến nay được hơn 3 tháng. Ngày đầu tiên vào khoa biết chị chỉ có hai mẹ con chăm nom nhau, mọi người trong phòng đều xúm vào hỗ trợ, giúp đỡ chị. Từ việc hướng dẫn người nhà lấy đồ cá nhân cho chị, đến việc làm các thủ tục điều trị, giúp mua thuốc, tập đi lại, thậm chí cả tắm giặt, thay đồ. “Tôi may mắn được mọi người hỗ trợ, giúp đỡ nên cũng bớt tủi thân về bệnh tật”, chị Thắm nói.

Sống trong cảnh “nuôi bệnh nhân tập thể” nên hoàn cảnh ai thế nào, bệnh tình ra sao, thời gian điều trị dài hay ngắn... mọi người ở đây đều nắm rõ. Chị Bùi Thị Huê kể thường mỗi bệnh nhân điều trị ở đây có một người nhà chăm sóc. Nhưng do nhiều bệnh nhân bị liệt nửa người, có người liệt cả người và có người vừa bị liệt vừa mất ý thức, việc chăm sóc rất vất vả, nhất là khi cho ăn hay thay đồ nếu không có mọi người trong phòng hỗ trợ, giúp đỡ nhau thì người nhà thường không làm được. “Ai vào đây điều trị cũng đều rơi vào cảnh nghèo, chẳng giúp nhau được gì nhiều. Tôi ở đây cũng lâu rồi nên thông thạo hơn mọi người, rảnh là chạy đi, chạy lại mua thuốc, đồ dùng, cơm trưa, tối cho mọi người. Khi có bệnh nhân cần nâng người để thay đồ, tắm rửa, chúng tôi cũng xúm vào chung sức hỗ trợ nhau. Người bệnh và người nhà đi chăm sóc cần nhất là sự động viên, an ủi. Gia đình nào trong khu điều trị có chuyện vui, buồn chúng tôi đều chia sẻ, động viên”, chị Bùi Thị Huê cho biết thêm. 

Giữa tháng 7.2023, người nhà chị Bùi Thị Thắm mang tiền lên bệnh viện nhưng không may trên đường đi đánh rơi mất. Số tiền hơn 10 triệu đồng với nhiều người không lớn nhưng với gia đình chị lúc này thật sự rất khó khăn mới có được. Không có tiền đồng nghĩa không mua được thuốc sẽ làm chậm quá trình điều trị. Trước hoàn cảnh éo le ấy, mọi người trong phòng điều trị vật lý trị liệu cùng chị đã gom góp, giúp đỡ cho chị mượn tạm để lấy thuốc. “Mừng lắm, không biết nói sao về ân tình của mọi người trong cùng phòng bệnh. Ở nơi chưa biết bao giờ được về này, tình người vẫn luôn ấm áp”, chị Thắm xúc động nói.

Chia tay những bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tại đây, điều đọng lại mãi trong chúng tôi đó chính là tình người trong những khu điều trị. Dẫu biết rằng cuộc chiến với bệnh tật còn dài nhưng bên cạnh họ luôn có đội ngũ y, bác sĩ đồng hành và ấm áp tình thương của những người cùng cảnh ngộ.

TRƯƠNG HÀ

(0) Bình luận
Nhân lên tình người, vượt qua bạo bệnh