Đọc tập thơ “Một trưa nắng vàng” của tác giả Nguyễn Thị Việt Nga chúng ta không chỉ thấy cảm xúc dạt dào về tình yêu, tình mẫu tử mà còn là những suy tư sâu sắc về thời gian, về giá trị cuộc sống.
“Một trưa nắng vàng” (Nhà xuất bản Văn học - 2024) là tập thơ xinh xắn của tác giả Nguyễn Thị Việt Nga mới ra mắt, gồm 52 bài thơ ở nhiều thể loại khác nhau.
Nhan đề tập thơ đã gợi lên trong lòng người đọc một cảm giác bình yên nhưng cũng đầy nỗi niềm. “Nắng vàng” vốn là hình ảnh quen thuộc, tượng trưng cho ánh sáng, sự ấm áp. Tuy nhiên, “trưa nắng” lại là thời điểm gợi sự tĩnh lặng, đôi khi trầm mặc, nơi mọi thứ dường như ngưng đọng giữa không gian yên ả. Cái nắng vàng của buổi trưa không quá chói chang, gay gắt, mà nghiêng về sự dịu dàng, như thể soi rọi vào những góc khuất của tâm hồn.
Thông qua nhan đề này, tác giả Việt Nga muốn dẫn dắt người đọc bước vào một không gian tĩnh lặng để chiêm nghiệm về những ký ức, cảm xúc đã qua.
Một trưa nắng vàng không chỉ là hình ảnh thiên nhiên mà còn mang tính biểu tượng, diễn tả những khoảnh khắc của cuộc sống; những hoài niệm về quá khứ, những rưng rưng xúc động khi nhớ về người mẹ đã khuất, về những mối quan hệ đã xa hay những xúc cảm âm thầm len lỏi trong lòng người.
Hình ảnh “nắng vàng” trong tập thơ còn có thể được hiểu như sự hồi quang của ký ức - nơi ánh sáng dịu dàng của buổi trưa làm dịu đi những cơn sóng lòng, giúp con người đối diện với những nỗi đau, niềm thương, nhưng vẫn có một chút ấm áp, hy vọng. Nó là ánh sáng chiếu rọi lên những góc khuất của tâm hồn, nơi những kỷ niệm xưa cũ sống lại và những cảm xúc đã từng bị lãng quên bỗng trở nên rõ nét hơn.
Như vậy, nhan đề "Một trưa nắng vàng" không chỉ là sự khơi gợi về không gian và thời gian, mà còn là biểu trưng cho những khoảnh khắc tĩnh lặng đầy suy tư, nơi mỗi con người có thể tìm về với chính mình, với những cảm xúc chân thật nhất.
Tập thơ "Một trưa nắng vàng" đã mang đến những vần thơ đậm chất trữ tình với nỗi niềm sâu lắng và cảm xúc dạt dào. Thơ của Việt Nga là sự kết hợp hài hòa giữa cái nhìn tinh tế về đời sống và sự nhạy cảm của một tâm hồn yêu văn chương, nghệ thuật.
Ở bài thơ "Gửi mùa hạ cũ", ta bắt gặp nỗi nhớ về quá khứ. Những kỷ niệm tuổi thơ “mực lem”, “trang giấy gói nỗi niềm” hiện lên giản dị nhưng cũng đầy cảm xúc. Hình ảnh “bàn tay muốn níu… lại vờ đang buông” là một chi tiết tinh tế, diễn tả cảm giác hoài niệm pha lẫn sự do dự, không dám đối diện với thực tại. Việt Nga đưa người đọc vào thế giới ký ức, nơi những câu chuyện tưởng đã xa nhưng lại hiện hữu sống động qua mỗi câu thơ.
Đến với bài "Cho con", tác giả lại mang đến một không gian ấm áp của tình mẫu tử. Đọc những câu thơ “Đôi khi mẹ thành mắc nợ/ Dạy con toàn những ngoan lành”, ta cảm nhận được sự trăn trở của người mẹ trước những sóng gió mà con mình sẽ phải đối diện trong đời. Lời khuyên “Cứ yêu cứ tin, dẫu biết/ Có khi đau đến thẫn thờ” không chỉ là lời nhắn nhủ dành cho con mà còn là triết lý sống của chính tác giả.
Trong bài "Uống trà với mùa thu", Việt Nga vẽ lên một bức tranh mùa thu dịu dàng và sâu lắng. Những hình ảnh quen thuộc của mùa thu như “hương cốm”, “tiếng chim gù”, “thị vàng” tạo nên một không gian trầm lắng, yên bình. Nhưng đồng thời, bài thơ cũng chất chứa những suy tư về thời gian và cuộc sống. Câu hỏi “Ngôi cao ai ngất ngưởng ngồi/ Có hơn kẻ đứng giữa trời tay không?” như một lời nhắc nhở về sự vô thường, về giá trị đích thực của cuộc sống mà mỗi con người cần suy ngẫm.
"Lên chùa" và "Mẹ ơi" là 2 trong số 7 bài thơ đầy cảm xúc về tình mẹ và nỗi mất mát đau thương khi mẹ đã qua đời. Trong "Lên chùa", tác giả bày tỏ nỗi niềm nhớ mẹ trong khung cảnh thiêng liêng của chùa chiền, nơi khói hương và tiếng chuông chùa khơi gợi những ký ức về người mẹ đã khuất. Câu thơ “Mẹ ơi mây trắng phiêu diêu chốn nào?” là nỗi niềm khắc khoải của đứa con luôn khao khát sự hiện diện của mẹ. Trong "Mẹ ơi", tác giả còn khắc họa sâu sắc hơn sự mất mát, khi người mẹ đã ra đi mãi mãi. Câu thơ “Một vành tang trắng… Thế là mồ côi!!!” là tiếng kêu đau đớn, xót xa của người con khi nhận ra mình đã mất đi nguồn yêu thương lớn nhất trong cuộc đời mình.
Tập thơ "Một trưa nắng vàng" của Nguyễn Thị Việt Nga không chỉ là những bài thơ về cuộc sống, tình yêu, tình mẫu tử mà còn là những suy tư sâu sắc về thời gian, về giá trị cuộc sống và về những mất mát, tin yêu trong đời người.
Chị không chỉ là một nhà thơ, mà còn là một người phụ nữ đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trong cuộc sống, để rồi mỗi vần thơ đều thấm đẫm những trải nghiệm sâu sắc và tinh tế. Thơ của chị như tia nắng ấm áp, như dòng suối mát lành, chảy qua lòng người, để lại những rung cảm nhẹ nhàng nhưng sâu lắng. Để khi đọc xong, chiêm nghiệm lại, người đọc như bắt gặp đâu đó một mảnh ghép của tâm hồn mình.
NGUYỄN LAN ANH