Khi bà nội tôi sinh đến người con trai thứ ba thì họ hàng, làng xóm đều bảo: “Ông bà Tâm cố mà đẻ thêm một cô công chúa kẻo tam nam bất phú”.
Minh họa: HUY CHƯƠNG
Khi bà nội tôi sinh đến người con trai thứ ba thì họ hàng, làng xóm đều bảo: “Ông bà Tâm cố mà đẻ thêm một cô công chúa kẻo tam nam bất phú”. Ông tôi có máu làm giàu nên bảo bà tôi thế này: “Đẻ thì đẻ sợ gì. Trời sinh voi khắc trời sinh cỏ. U tôi còn đẻ những mười một người con, mất bốn còn bảy đã sao. Bà cứ đẻ hết trứng cho tôi, thể nào cũng được con gái”. Bà tôi chần chừ mãi, vì sau khi sinh bác Hải, bác Hà và nhất là sau khi đẻ bố tôi, sức khỏe của bà giảm trông thấy. Nhưng vì nghĩ đến cơ nghiệp họ Trần để lại, bà quyết tâm đẻ thêm một người con nữa. Đó là cô Thêm. Cô kém bố tôi tròn một giáp.
Cô Thêm bị liệt cả hai chân. Mọi sinh hoạt cá nhân của cô đều phải nhờ người khác làm giúp. Sau này lớn lên tôi mới được bà nội kể cho nghe rằng hồi mang thai cô, bà đã ngoài bốn mươi tuổi, lại tham làm vì cứ tưởng làm nhiều sẽ đẻ dễ. Nào ngờ vụ gặt năm ấy, bà gánh nặng quá nên cái thai tụt ra sớm. Bà đẻ non cô Thêm, tưởng không nuôi nổi. Đầu cô chỉ bé bằng cái bóng đèn, da dẻ thì nhăn nheo, rúm ró, trông thật thảm hại. Bố tôi nhìn thấy em gái lần đầu tiên còn bảo bà rằng: “U ạ! Con trông nó cứ giống con gì ấy”. Bà tôi chửi bố tôi một chặp: “Cha bố anh! Anh nhìn lại coi, em gái anh đó, máu mủ của anh đó. Ngày xưa tôi đẻ anh ra trông anh cũng chẳng hơn thế này là bao. Vậy mà tôi nuôi anh lớn bằng ngần này rồi đấy. Đủ đầu đủ đuôi nuôi lâu cũng lớn, nhá!”. Thế là bố tôi im bặt rồi chuồn mất, không ngó ngàng gì đến em gái mới sinh nữa.
Cô Thêm bị chứng bại liệt bẩm sinh. Ông bà tôi dành dụm được bao nhiêu tiền của đều đem chữa bệnh cho cô. Cô được đưa đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Nghe ai nói ở đâu có bác sĩ giỏi, ông bà tôi đều lặn lội tìm đến. Nghe người ta bảo có bệnh thì vái tứ phương nên bà nội tôi cũng đi khắp các ngôi chùa nổi tiếng để cúng, để cầu nhưng chẳng ăn thua gì. Thành ra ông bà tôi không “tam nam” mà vẫn “bất phú”, tiền của cứ đội nón ra đi, còn cô Thêm cứ nằm yên một chỗ, hai chân phát triển rất chậm nhưng bù lại, đầu óc cô bình thường như bao người khác.
Ông bà yêu thương cô Thêm hết mực, yêu nhất trong bốn người con. Có gì ngon bà cũng chia cho cô nhiều hơn với lý do cô là út, các anh phải nhường em. Cảnh nhà sa sút đến mức nhiều hôm cơm không đủ, phải ăn khoai, ăn sắn trừ bữa, có tí cơm nào bà để phần cô Thêm hết. Bác Hà và bác Hải không chịu được khổ, nhiều lần khoai lang nghẹn tắc ở cổ làm hai bác trợn cả mắt lên. Bác Hải vội vàng chạy ra bể nước mưa tu ừng ực từng ngụm và cáu bẳn: “Con thề với u, đời con nhất định sẽ mở mày mở mặt chứ con chán cái điệp khúc khoai sắn này lắm rồi”. Ông tôi nghe thấy, vác gậy đuổi: “Có giỏi thì mày đi đi. Để rồi xem. Sảy nhà ra thất nghiệp cho coi”. Bác Hải đi thật. Bác bỏ học đi phụ xe Bắc Nam, rồi đi buôn. Bác buôn đủ các mặt hàng, gặp gì buôn đấy, lúc thắng, lúc thua. Thi thoảng bác tạt qua nhà giúi cho bà nội tôi ít tiền và bảo: “U cứ yên tâm! Đã đi buôn thì phải có gan, phải chấp nhận lúc lên voi lúc xuống chó”. Thấy bác vẫn béo khỏe, lại khôn ra nên bà nội tôi cũng yên lòng. Sau này bác Hải gặp con gái một bà buôn vải ở chợ Đồng Xuân, hai người phải lòng nhau. Dù bà mẹ cô gái không đồng ý vì trông bác Hải củ mỉ cù mì, dáng dấp nông dân chính hiệu, còn con gái bà là thiếu nữ Hà thành gốc gác bảy đời. Nhưng bà ấy không ngăn nổi tình yêu của tuổi trẻ, con gái bà đã "ăn cơm trước kẻng" thì có người rước cho là may rồi. Thế là đám cưới diễn ra linh đình và nghiễm nhiên bác Hải ở lại Hà Nội như nguyện vọng của bác, thoát khỏi cái cảnh chân lấm tay bùn, con trâu đi trước cái cày theo sau.
Bác Hà thì như gà công nghiệp, chẳng biết buôn bán gì cả nhưng bù lại bác học giỏi lắm. Sau này bác đỗ Đại học Y và trở thành bác sĩ giỏi. Công danh sự nghiệp của bác cứ thăng tiến như diều gặp gió. Bác chữa khỏi bệnh cho một ông làm trên Trung ương nên được ông ấy gả con gái cho. Ông bà nội tôi cũng mát lòng mát dạ, mở mày mở mặt với dân làng. Bây giờ vợ chồng con cái bác Hà ở trong một biệt thự ba tầng cạnh Hồ Tây, vừa to vừa đẹp. Bác hay giấu vợ biếu tiền bà nội tôi. Có lần bác dặn bà: “U đừng nói gì với nhà con nhé. Thể nào tí nữa cô ấy cũng biếu tiền u nữa cho mà xem”. Quả đúng như lời bác Hà, khổ nỗi nội là người nhà quê nên thật thà lắm. Khi bác Hà gái biếu tiền nội, nội chối đây đẩy: “Thôi! Thằng Hà vừa biếu u rồi. Chị giữ lấy mà tiêu. Ở thành phố tiêu tốn chứ u ở quê tiêu đáng là bao”. Bác gái tức chồng lắm nhưng cứ giả vờ như không có chuyện gì. Từ đó không bao giờ bác Hà gái biếu tiền bà nội tôi nữa.
Bố tôi không được “tốt số” như bác Hải và bác Hà. Bố tôi lấy mẹ tôi, con nhà thường dân chứ chẳng phải con ông nọ bà kia và bố quyết định ở quê với ông bà. Nhìn cảnh cô Thêm cứ nằm nguyên một chỗ, ông bà thì ngày một già yếu mà vẫn phải nâng giấc, chăm sóc, vệ sinh cho cô Thêm thì bố tôi không đành lòng đi xa được. Ông nội bảo bố: “Tùy con! Lập nghiệp ở quê hay ở thành phố là do con lựa chọn. Ở đâu cũng vậy thôi, có sức người thì sỏi đá cũng thành cơm”. Thế là bố tôi làm kinh tế VAC. Mỗi năm bố mẹ tôi cũng thu hoạch được kha khá, đủ nuôi hai chị em tôi ăn học.
Sau này tôi lớn, bà nội tôi kể: “Bố mày không biết tán gái con ạ. Bà phải đi cưa hộ đấy, dỗ mãi mẹ mày mới chịu về làm con dâu của bà”. Quả thực nhìn cảnh ông bà già lại thêm cô Thêm nằm yên một chỗ, mấy người dám dũng cảm lấy bố tôi cơ chứ. Thật là một gánh nặng không sao tránh được. Thế mà vì thương bố tôi, mẹ tôi không nề hà điều gì. Về làm dâu trong gia đình, mẹ luôn coi cô Thêm như em gái ruột của mình, không bao giờ làm cô phật ý.
Từ ngày có mẹ tôi, ông bà nội và bố tôi không phải lo việc chăm sóc cô Thêm nữa. Mọi việc ăn uống, vệ sinh của cô, mẹ tôi phục vụ rất chu đáo. Thỉnh thoảng vợ bác Hải và vợ bác Hà ở thành phố về cứ xuýt xoa: “Thím Hòa chịu khó thật đấy. Tôi nhìn cái bô nước tiểu của cô Thêm mà đã phát ói ra rồi thì còn lại gần làm sao được”. Mẹ tôi chỉ cười xòa: “Em làm quen rồi. Cô ấy cũng như em mình, con mình thì có gì mà ngại bác”. Bác Hà gái lắc đầu: “Tôi thì tôi chịu. Tôi phục thím quá”. Mẹ tôi không nói gì, lẳng lặng đi vào bếp.
Khi chị em tôi biết giúp mẹ làm những việc lặt vặt trong nhà thì mẹ đã dạy chúng tôi cách chăm sóc cô Thêm. Những dịp giỗ Tết, các anh chị con bác Hải và con bác Hà cũng về quê nhưng chẳng bao giờ các anh chị ấy gần gũi cô. Tôi có nhận xét thì mẹ gạt đi: “Các anh các chị ấy ở thành phố, cả năm mới về một, hai lần thì gần gũi cô Thêm làm sao được”. Tôi đã hiểu biết chút ít nên không hài lòng với cách giải thích của mẹ: “Nhưng dù sao cũng là máu mủ ruột rà, thế mà bà nội cứ bảo máu chảy đến đâu ruồi bâu đến đấy”. Mẹ tôi trừng mắt: “Cái con này hay nhỉ? Có phải việc của con đâu, lý sự lắm thế”. Từ đó tôi không bao giờ bàn luận về chuyện ấy nữa.
Năm ngoái, người ta mở đường liên tỉnh qua khu đất nhà ông bà nội tôi. Cũng may là ngôi nhà cổ năm gian và nửa cái sân gạch vẫn còn nguyên vẹn, chỉ mất một nửa sân gạch và khu vườn phía trước có cây mít to, rất sai quả. Tiền đền bù được mấy trăm triệu. Ông bà nội tôi gọi vợ chồng bác Hải, bác Hà về họp gia đình. Ông bà tôi tưởng rằng các bác ở thành phố, có nhà cao cửa rộng đàng hoàng, tiện nghi chẳng thiếu thứ gì thì sẽ không tơ hào đến số tiền đền bù kia. Ai ngờ các bác muốn ông bà tôi chia đều thành năm phần. Bác Hải lên tiếng trước, không giấu giếm mà cứ thẳng toẹt ra: “Thưa thầy u! Con là con hay nói thẳng, không phải vòng vèo gì. Con nghĩ số tiền kia là của tổ tiên để lại, là lộc nên phải tán. Ý con là thầy u hưởng một phần, còn lại thầy u chia cho chúng con, bốn đứa mỗi đứa một phần. Sau này thầy u ốm đau, về già chúng con khắc có trách nhiệm”. Nghe bác Hải nói thế, ông nội vuốt ngực, nén cơn đau tim và quyết định chia số tiền đền bù thành năm phần như ý kiến của bác cả. Cô Thêm nằm trong phòng nói vọng ra: “Phần của con thầy u cứ giao cho chị Hòa. Con nằm một chỗ nên không dùng đến tiền đâu”. Mẹ tôi từ chối: “Ông bà còn khỏe, còn minh mẫn nên ông bà cứ giữ tiền cho cô Thêm. Vợ chồng con còn lo được cho gia đình, cũng không thiếu thốn gì. Khi nào cần tiền chúng con sẽ mượn ông bà”. Bác Hải gái bĩu môi: “Trên đời này lại có người chê tiền cơ đấy”. Bố tôi lên tiếng: “Tiền thì quả là quý thật đấy nhưng tiền chẳng mua được mọi thứ đâu”. Bác Hải gái động lòng: “Chú nhầm to rồi, tôi ở thành phố tôi biết, cứ có tiền là có tất cả, chỉ cần gọi điện là người ta mang đến tận nhà”. Ông nội xua tay: “Thôi. Thôi. Đừng bàn cãi nữa, đừng nói chuyện tiền nong ở đây nữa”. Mọi người nhất loạt lui ra để mình ông nội ngồi tư lự, nhâm nhi chén trà trên cái phản kê giữa nhà. Bà nội lại vào phòng trong niệm Phật. Mẹ tôi lặng lẽ giúp cô Thêm thay đồ.
Bác Hải điện về, hốt hoảng: “Chú Hà bị tai nạn giao thông, mấy thằng tóc xanh, tóc vàng uống rượu say rồi tông vào chú ấy, bị chấn thương sọ não, mất nhiều máu lắm, không biết có qua khỏi không. Thím Hòa bảo cả nhà lên ngay nhé!”. Mẹ tôi buông rơi điện thoại xuống mặt bàn, mặt cắt không còn giọt máu. Cả nhà thuê ngay một chuyến tắc xi lên thành phố. Ông bà nội tôi bủn rủn cả người, đứng còn không vững nhưng nhất định không chịu ở nhà đợi tin tức. Bà nội khẩn khoản nói với bố mẹ tôi: “Cho u đi, cho u đi với! Thằng Hà mà có mệnh hệ nào thì u không nhắm mắt nổi”. Ông nội vốn là người lạnh lùng, sắt đá mà lúc ấy cũng cuống quýt cả lên: “Gọi tắc xi chưa? Sao lâu thế, trời ơi là trời!”. Cô Thêm cũng đòi đi theo. Bố tôi không đồng ý cho cô đi nhưng cô cứ khóc mãi: “Nhỡ anh Hà làm sao thì em sẽ ân hận lắm”. Bố tôi đành bế bổng cô ra xe, đặt cô ngồi vào một góc. Cô biết thân biết phận, biết cả nhà đang sốt ruột nên lặng im.
Bác Hà đã qua cơn nguy kịch nhưng cần tiếp máu ngay vì bác bị mất máu nhiều lắm. Cũng may là các bác sĩ ở đấy đều quen biết bác Hà. Họ là đồng nghiệp với nhau nên mọi thủ tục được làm nhanh chóng. Bác Hải thở phào: “Thời buổi này đúng là nhất quen nhì thân, nếu không thì cứ nằm đấy mà chờ”. Bố tôi không đồng tình: “Bác cứ nói quá lên chứ. Lương y như từ mẫu mà”. Đúng lúc ấy cô y tá ra thông báo với người nhà tôi rằng những ai đủ tiêu chuẩn cho máu phải đi xét nghiệm mới biết được. Cuộc tranh luận giữa bố tôi và bác Hải dừng lại. Cô Thêm khăng khăng đòi lấy máu của mình tiếp cho bác Hà: “Tôi chỉ bị liệt hai chân thôi, tôi vẫn khỏe mạnh bình thường, xin các bác sĩ cứ lấy máu của tôi để tiếp cho anh tôi”. Nhìn cảnh ấy, bác Hà gái cứ liên tục lau nước mắt.
Sau khi được các bác sĩ truyền máu, bác Hà tỉnh lại. Ông nội tôi mừng lắm, cứ lẩm bẩm nói một mình: “Họ Trần nhà mình đúng là có phúc to bằng cái đình”. Bà nội tôi thì cứ nói đi nói lại với mẹ tôi: “May mà u ăn chay niệm Phật quanh năm nên cái hạn của anh Hà mày cũng nhẹ bớt”. Bác Hà hồi phục dần dần, hai tuần sau được xuất viện. Cả nhà mừng lắm, mừng nhất là bác Hà gái. Bác mang một bó hoa hồng thật to vào bệnh viện để đón bác trai trở về.
Hôm nay, ông bà nội tôi gọi các bác về họp gia đình. Ông bà quyết định lập di chúc. Ông bảo: “Thằng Hà đã tai qua nạn khỏi, thế là phúc đức cho nhà mình rồi. Thầy u đã già, chẳng còn sống được bao lâu. Thầy u chỉ băn khoăn một điều đó là em Thêm. Ai sẽ đứng ra nhận trách nhiệm nặng nề này thì người đó được hưởng toàn bộ gia tài của thầy u để lại”. Bác Hải và bác Hà đều viện lý do để từ chối. Bác Hải bao giờ cũng lên tiếng trước: “Chúng con đi buôn nay đây mai đó, lấy ai mà chăm nom cô ấy được”, sau đó là bác Hà: “Chúng con làm cơ quan nhà nước, đi suốt ngày, có đón cô ấy lên thành phố thì cũng chẳng khác tù giam lỏng”. Mẹ tôi rụt rè: “Việc lập di chúc là do ông bà quyết định còn việc chăm nom cô Thêm thì con xin đảm nhận. Con tin là cô ấy sẽ bằng lòng”.
Không ai phản đối ý kiến của mẹ tôi. Các bác tôi lại trở về thành phố còn tờ di chúc của ông bà tôi vẫn nằm yên trong ngăn tủ. Trong đó ghi rất rõ số tài sản của ông bà có được là bao nhiêu, để lại cho người con nào nhưng bây giờ thì chẳng ai bận tâm đến chuyện đó nữa.
Truyện ngắn của TRẦN THÚY LÀNH