Sự nuông chiều phách lối của những ông bố bà mẹ giống như thứ thuốc độc, đào tạo ra một thế hệ trẻ ích kỷ, chỉ biết sống cho bản thân.
Hình ảnh cả chục du học sinh ngồi vạ vật ở sân bay ôm tấm biển cầu cứu được chia sẻ khắp các diễn đàn mạng xã hội. Nhiều người bày tỏ thương xót, mong nhà nước đón các em trở về. Còn tôi, cảm xúc duy nhất khi thấy bức ảnh đó chỉ là sự giận dữ.
Các em được ăn học, được sống ở đất nước văn minh, phát triển nhất thế giới nhưng khi đất nước đó vừa xảy ra biến cố, các em lại tìm mọi cách trở về quê hương. Không tìm được đường về thì ngồi vạ vật cầu cứu. Tại sao phải cầu cứu?
Thay vì tìm cách trở về bằng được, gây thêm gánh nặng và nguy cơ mang dịch bệnh về đất nước, tại sao các em không ở yên đó và tự bảo vệ bản thân? Ngừng di chuyển và ở yên trong nhà, đó chẳng phải là thông điệp được truyền tải khắp thế giới và là cách tốt nhất vào lúc này hay sao.
Phải chăng, các em đã quá quen với sự bao bọc, nuông chiều của cha mẹ nên giờ đây chỉ mong được trở về, để tiếp tục được vỗ về, chở che trong vòng tay của gia đình. Vậy thì ý nghĩa của việc đi du học của các em là gì, liệu có phải chỉ để giải quyết chữ "oai" của bố mẹ các em, những người có tiền cho con đi du học chỉ để thể hiện "đẳng cấp".
Nếu như trước đây, du học sinh chủ yếu là những em thực sự có năng lực, xin được học bổng để đi thì giờ đây, khái niệm du học sinh được gắn liền với mác "con nhà giàu" bởi ngoài việc xin được học bổng thì chỉ cần tiền là có thể tự túc đi.
Thế nên mới có chuyện nhiều em là con của những gia đình khá giả khi về được đến Việt Nam phải đi cách ly, sống trong điều kiện không đủ vật chất như ở nhà thì tỏ ra thiếu hợp tác và đòi hỏi. Chỉ cần một lời kêu than của các em, những ông bố, bà mẹ sẵn sàng xếp hàng dài, bất chấp nắng nóng và nguy cơ dịch bệnh để đáp ứng mọi nhu cầu, từ ly trà sữa, gói thịt bò khô cho đến tủ lạnh, quạt máy...
Chiếc tủ lạnh được "tiếp tế" khiến cộng đồng mạng dậy sóng
Nhiều người không xếp hàng được thì sẵn sàng bỏ tiền thuê người xếp hàng, mang đồ tiếp tế đến cho con. Mấy hôm trước, một bà mẹ kể về hành trình "giải cứu" con trở về từ nước Pháp xa xôi trước giờ đóng cửa. Tôi không hiểu điều đó có gì đáng tự hào ngoài việc phơi bày sự bao bọc thái quá của người mẹ và sự bị động của cậu con trai.
Đây chỉ là hành động của những ông bố bà mẹ thiếu suy nghĩ với vốn văn hóa tối thiểu, cho rằng bỏ ra chút tiền để thể hiện sự quan tâm đến con cái. Sự quan tâm này giống như thứ thuốc độc, đào tạo ra một thế hệ những người trẻ ích kỷ, chỉ biết sống cho bản thân.
Với tôi, sự giàu có của một con người không chỉ thể hiện ở vật chất mà còn thể hiện ở hành động và cách ứng xử. Anh chị có tiền cho con đi du học, đáp ứng mọi nhu cầu của con chưa phải là giàu. Sự giàu có còn thể hiện ở tính trách nhiệm với cộng đồng. Nếu không đủ tiền tài, vật chất ủng hộ cho Tổ quốc giữa lúc đại dịch thì cũng đừng thể hiện tình yêu thương con cái một cách ích kỷ, gây phiền hà cho những người ở tuyến đầu chống dịch.
Con cái của anh chị ở khu cách ly được nhà nước đảm bảo nơi ăn, chốn ngủ trong khi những người đang ngày đêm phục vụ những cậu ấm, cô chiêu phải trải bìa các-tông ngủ giữa sân, màn trời chiếu đất. Trong khi cả nước đang dồn sức căng mình chiến đấu với dịch bệnh, các anh chị phải biết suy nghĩ về hành động của mình, đừng vì chiều chuộng con cái vô lối mà tạo thêm gánh nặng cho các chiến sĩ nữa.
Các anh chị có tiền cho con đi du học thì cũng nên sắm thêm một chút văn hóa, làm hành trang nuôi dạy con cái sau này.
KHÁNH PHƯƠNG