Một số người dân ở Thanh Hà sang các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh làm kinh tế đã mang theo giống vải Thanh Hà lên đó trồng. Từ đó mới xuất hiện vải Bắc Giang, Quảng Ninh.
Cây vải tổ ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn (Thanh Hà)
* Nguồn gốc
Vải thiều Thanh Hà là đặc sản nổi tiếng của tỉnhHải Dương; do cụ Hoàng Phúc Thành (Hoàng Văn Cơm) đem về trồng tại thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà từ cách đây gần 200 năm. Đến nay, cây vải này vẫn còn ra quả và được nhân dân Thanh Hà gọi là cây vải Tổ.
Do có sự thích hợp về điều kiện tự nhiên, vải thiều trồng tại Thanh Hà cho chất lượng đặc biệt ngon, quả nhỏ hình cầu tròn đặc trưng, vỏ màu hồng tươi, cùi giòn màu trắng trong, hạt nhỏ, ngọt dịu và có hương vị thơm nhẹ. Vải thiều gắn với nguồn gốc Thanh Hà” Vải thiều Thanh Hà”.
* Đặc điểm nhận dạng
- Đặc điểm chung: Vải thiều Thanh Hà có kích thước quả bé nhất trong tất cả các giống vải hiện nay.
- Kích thước: Quả hơi tròn; chiều cao quả từ 3,3-3,4 cm; chiều rộng quả từ 3,4-3,5 cm; tỷ lệ cao/rộng quả 0,94-0,98.
- Trọng lượng: Khoảng 20 gram/quả
- Phẩm chất: Quả nhỏ, vỏ sần, chín màu đỏ, cuống nhỏ; cùi trắng, dày ăn rất ngọt, hương vị thơm đặc biệt, tỷ lệ cùi khoảng 80%; giữa cùi và hạt không có lớp màng mỏng nâu, chát như vải khác, khi cho vào miệng sẽ cho cảm giác ngọt lịm như tự tan ra. Hạt mầu nâu đen, sun lại chứ không thành hạt như vải bình thường. Cây vải tuổi càng cao thì hạt càng nhỏ, có nhiều quả hạt gần như bị triệt tiêu, thậm chí không có hạt.
- Thời điểm thu hoạch: Vải thiều chính vụ thu hoạch từ giữa tháng 6 tới giữa tháng 7 hàng năm.
* Diện tích và sản lượng
Diện tích trồng vải của Hải Dương duy trì trong khoảng từ 10.500-11.000 ha, sản lượng khoảng50.000 tấn/năm.
Năm 2018, sản lượng vải toàn tỉnh đạt khoảng từ 55.000-60.000 tấn; trong đó vải thiều đạt khoảng 35.000 tấn.
* Khẳng định thương hiệu
Năm 2007 vải thiều Thanh Hà được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chứng nhận “Chỉ dẫn địa lý”. Từ đó đến nay, vải thiều Thanh Hà được bảo hộ nhằm đảm bảo quyền lợi của người sản xuất, người tiêu dùng; tăng giá trị; thuận lợi hơn trong việc quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Năm 2012, vải thiều Thanh Hà lọt “Top 50 sản phảm uy tín chất lượng” do Trung ương Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bình chọn. Năm 2013 và 2014 lọt “Top 10 sản phẩm uy tín chất lượng” và là đặc sản “Tinh hoa đặc sản 03 miền”. Năm 2015 được vinh danh Top đầu với 02 giải thưởng “Thương hiệu vàng”; “Logo và Slogan ấn tượng”. Năm 2016, vải thiều Thanh Hà được Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cấp Giấy chứng nhận “Thương hiệu Thực phẩm an toàn tin dùng”.
* Sản xuất theo hướng bền vững
Hiện nay, tỉnh Hải Dương đã xây dựng được 20 cơ sở (vùng) sản xuất vải theo tiêu chuẩn Viet GAP, tổng diện tích 334 ha, sản lượng 3.500 tấn. Ngoài ra còn có hơn 8.000 ha vải an toàn sản xuất theo hướng Viet GAP, sản lượng khoảng 35.000 tấn.
Vải thiều của Hải Dương cũng đã được Cục Bảo vệ thực vật Mỹ cấp mã số vùng trồng, đủ điều kiện xuất khẩu đi Mỹ, Úc, EU là 13 vùng, diện tích 132 ha, sản lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu gần 1.000 tấn.
Vừa qua, huyện Thanh Hà được cấp 25 bộ mã truy xuất nguồn gốc vải. Trong đó, mỗi bộ mã có 02 mã truy xuất cho vải sớm và vải thiều; sử dụng mã QR để thực hiện truy xuất trên hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông sản. Như vậy khi mua vải Thanh Hà có mã truy xuất người mua sẽ biết rõ vải trồng thuộc hộ gia đình, thôn, xã, vùng Viet GAP, Global GAP, nhật ký quy trình sản xuất vải và trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm…
* Thị trường tiêu thụ
- Thị trường nội địa: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thừa thiên Huế, các tỉnh lân cận và một số tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.
- Thị trường xuất khẩu: Thị trường Trung Quốc (Chủ yếu), Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Pháp, Malaysia, Philipine, Thái Lan, Mỹ, Thuỵ Điển, Australia, Singapore, Canada, Liên bang Nga, Hàn Quốc và Anh, Úc, Nhật Bản,.... Từ năm 2015, vải thiều của Hải Dương đã được xuất khẩu tới thị trường khó tính là Mỹ và Úc … đang xúc tiến tìm kiến mở rộng ra các thị trường mới…..