Đất và người xứ Đông

Khu dân cư Đồng Khê (Nam Sách) giàu trầm tích văn hóa, khoa bảng

TÂM HÀ 27/06/2024 10:42

Khu Đồng Khê thuộc thị trấn Nam Sách (Hải Dương) có truyền thống hiếu học. Nơi đây có nhiều người đỗ đạt thành danh và truyền thống văn hóa đặc sắc.

z5578060680137_05d10c900e5782d6bc29ce1a16c5014a.jpg
Một góc khu dân cư Đồng Khê. Ảnh: PHÙNG BẢN

Nơi gắn với danh tướng lập công lớn

Tên gọi Đồng Khê trang có từ thời tiền Lý (thế kỷ VI). Theo thần tích, thần sắc làng Đồng Khê thì danh tướng Đào Công Tuấn sinh ra và lớn lên ở đất chợ Cột Đông Triều, có tướng mạo khôi ngô, tuấn tú, thông minh, học giỏi. Ông là con của thân phụ Đào Thành, thân mẫu Hoàng Thị An, quê ở phủ Ý Yên (nay thuộc tỉnh Nam Định).

Năm 7 tuổi, ông mồ côi cha. Hai mẹ con đến Lôi Khê trang, cạnh Đồng Khê trang thì được phú ông họ Phạm cưu mang. Ít năm sau mẹ qua đời. Năm 18 tuổi, hưởng ứng lời hiệu triệu của vua Lý Nam Đế đánh giặc Lương cứu nước, danh tướng Đào Công Tuấn giúp vua bày mưu trận mạc, trăm trận trăm thắng. Do lập nhiều chiến công, ông được vua ban thưởng cho về thăm mẹ nhưng mẹ đã mất.

nhà thờ họ Nguyễn Văn khu dân cư đồng Khê thờ 4 tiến sĩ
Nhà thờ họ Nguyễn Văn ở khu dân cư Đồng Khê thờ 4 tiến sĩ

Thương xót mẹ khôn nguôi, sau 100 ngày không ăn, ông trở về với cõi Phật khi còn rất trẻ. Ông mất không lâu, đất nước lại bị giặc xâm lăng, vua về Lôi Khê (nay là Lang Khê) lập đồn chống giặc và chia quân ra làm 3 trại: Đồng Khê, Bạch Đa, Nhân Lý. Đào Công Tuấn âm phù giúp vua đánh thắng giặc, được vua cho lập nghè bái tạ tại Lang Khê (tên cũ là Lôi Khê), sắc phong Thượng đẳng tối linh thần, giao cho các nơi vua đã đóng quân chống giặc và 3 thôn: Lang Khê, Cẩm Lý, Hoàng Giáp thờ cúng.

Đến thời Nguyễn, thế kỷ XIX, Đồng Khê là một xã thuộc tổng An Lương, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, xã Đồng Khê đổi thành thôn Đồng Khê, thuộc xã An Lâm, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ngày nay, Đồng Khê là một khu dân cư thuộc thị trấn Nam Sách. Đây là nơi sinh cơ, lập nghiệp của các họ: Nguyễn, Đoàn, Phạm, Vương, Lê, Hoàng.

z5577730782661_0f9307130874ab7b799d033059dc2492(1).jpg
Mặt trước đình Đồng Khê hiện nay

9 người đỗ đại khoa Nho học

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, làng Đồng Khê có 66 hộ với 388 nhân khẩu. Người dân chủ yếu trồng lúa nước và các loại hoa màu như: dưa hấu, cây bông vải, đậu, vừng, khoai, lạc... Nghề đánh bắt thủy sản cũng phát triển do Đồng Khê có nhiều ao, hồ, sông ngòi. Ở Đồng Khê, ngoài đường trục chính vào làng còn có các cầu đá như cầu Giao, cầu Chẹm.

z5577746655232_47e08459aa8be377a007fb3fb4b8642c.jpg
Bia trùng tu Giao kiều bi ký

Các cụ cao tuổi truyền lại, trước đây làng Đồng Khê có nhiều di tích lịch sử, văn hóa phong phú như: đình, chùa, đền, văn miếu, văn chỉ cổ kính, bề thế. Đặc biệt, ngôi đình cổ 28 gian là một trong những ngôi đình lớn của huyện Nam Sách, có rất nhiều bia ký và sắc phong của thành hoàng làng.

Văn chỉ 3 gian, sân gạch có tường bao quanh. Văn miếu cổ 8 gian khang trang. Văn miếu, văn chỉ cũng có bia ký ghi tên những vị đỗ đạt của bản xã. Tiếc rằng các di tích đó đều bị phá hủy trong những năm kháng chiến chống Pháp. Hệ thống các di tích, cổ vật như bia ký, sắc phong, đồ thờ tự cũng bị thất lạc, chỉ còn lại một vài tấm bia công đức được lưu giữ ở đình-chùa (mới xây) và ở trên đất một số gia đình.

Tương truyền, ngày xưa ở khu cầu Giao có văn miếu, có thể là trường dạy học của bản xã thời Lê, thời Nguyễn, sau trở thành trường phủ của huyện Nam Sách.

BHD den
Đội tế nữ của làng chụp ảnh lưu niệm tại lễ hội đình Đồng Khê năm 2023 (ảnh tư liệu)

Đồng Khê có thế đất “kim quy hàm ngọc” (rùa vàng ngậm ngọc), có bốn gò đất nổi ở giữa bốn ao và một ao “hòn ngọc” với ý nghĩa đây là vùng đất thiêng sinh ra nhiều hiền sĩ, danh nhân. Người dân nơi đây cho rằng, đầu rùa vàng chính là văn miếu, nơi để mà ngậm hòn ngọc của làng. Vì thế trong dân gian còn lưu truyền những câu ca dao, tục ngữ về nét đẹp văn hóa con người Đồng Khê: "Giỏi giang chẳng một mình tôi/ Thanh Lâm, Đồng Sớm có đôi ba người/ Đồng Sớm là đất làm quan...

Trong các khoa thi Nho học, Đồng Khê có 9 người đỗ đại khoa. Trong 9 vị đại khoa có 1 trạng nguyên, 2 hoàng giáp, 6 tiến sĩ. Dòng họ Nguyễn Văn có nhiều người đỗ tiến sĩ nhất (4 người), tiếp đến là họ Phạm 2 người, họ Trần, họ Mạc, họ Lương mỗi họ 1 người.

Hiện nay, khu dân cư Đồng Khê có 1.068 nhân khẩu, tất cả các dòng họ đều thành lập chi hội khuyến học để động viên, khuyến khích con em. Hằng năm, vào dịp Tết hoặc giỗ tổ họ, các chi hội khuyến học lại tổ chức gặp mặt, tuyên dương khen thưởng các cháu học sinh giỏi.

Nhờ trọng chữ nghĩa, chuyên tâm phấn đấu học hành, nhiều người con Đồng Khê ngày nay đã trở thành những nhà khoa học, nhà quản lý trong nhiều lĩnh vực.

TÂM HÀ
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khu dân cư Đồng Khê (Nam Sách) giàu trầm tích văn hóa, khoa bảng
    ss