Đất và người xứ Đông

Cổ vật gốm Chu Đậu Hải Dương ở Bảo tàng Hải Phòng

TIẾN HUY - LÊ TA 15/07/2024 11:33

Hệ thống cổ vật là gốm Chu Đậu xuất xứ từ làng gốm Chu Đậu (Nam Sách, Hải Dương) đã được một nhà sưu tập tư nhân mang về từ nước ngoài và hiện trưng bày tại Bảo tàng Hải Phòng.

img_9851(1).jpg
Bình gốm hoa lam, đĩa, ấm... là những cổ vật gốm Chu Đậu đang được trưng bày tại Bảo tàng TP Hải Phòng

Người có công sưu tầm các cổ vật gốm Chu Đậu nói trên là ông Trần Đình Thăng, 65 tuổi, là một chủ doanh nghiệp tại Hải Phòng. Trong bộ sưu tập của mình, ông Trần Đình Thăng còn sở hữu một số hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia.

Hệ thống cổ vật gốm Chu Đậu nằm trong bộ sưu tập An Biên của ông Thăng. Đến Bảo tàng Hải Phòng, người xem đều trầm trồ trước vẻ đẹp, giá trị lịch sử và các họa tiết sinh động trên từng hiện vật.

img_9853(1).jpg
Cận cảnh chiếc đĩa đại, đường kính 36 cm được trang trí hoa cúc dây ở vành ngoài, phía trong là hình ảnh thiên nga (hoặc phượng hoàng) đang tung cánh. Được biết chiếc đĩa này do nhà sưu tập Adrian Zecha mua vào năm 1977 và được ông Trần Đình Thăng mua tại phiên đấu giá ở Singapore cuối tháng 5/2024

Gốm Chu Đậu của Hải Dương là dòng gốm mỹ nghệ cao cấp tại Việt Nam với khoảng 600 năm lịch sử. Nhiều cổ vật gốm Chu Đậu đang được trưng bày tại 46 viện bảo tàng nổi tiếng ở 32 quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, ngoài Bảo tàng Hải Dương, Bảo tàng Hải Phòng, nhiều hiện vật gốm Chu Đậu còn đang được trưng bày tại Bảo tàng Chuyên đề gốm sứ mậu dịch Hội An (TP Hội An, Quảng Nam) cùng nhiều bảo tàng lớn, nhỏ khác hoặc nằm ở các bộ sưu tập tư nhân.

img_9852(1).jpg
Ấm nước gốm Chu Đậu tại Bảo tàng Hải Phòng cao 18,5 cm, thân ấm có các họa tiết hoa sen, hoa cúc, mây nước... Ấm nước còn khá nguyên vẹn từ hình dáng, họa tiết đến màu men
img_9855(1).jpg
Một chiếc đĩa Chu Đậu khác trong bộ sưu tập có họa tiết hoa lá ở vành ngoài và cá chép ở chính giữa. Xuất xứ từ vùng nông thôn Hải Dương ở thế kỷ XIV, XV, hầu hết các sản phẩm gốm Chu Đậu đều mang họa tiết phản ánh đời sống sinh hoạt của nông dân, các họa tiết gần gũi với đời sống nông thôn
img_9856(1).jpg
Một chiếc hộp hình trụ lùn còn nguyên vẹn với họa tiết cá, đàn bướm và sóng nước. Hộp có đường kính 19 cm, cao 11 cm, phần nắp và thân khớp nhau, có thể mở ra đóng vào
img_9860(1).jpg
Bình miệng loe cao 17 cm, cổ thon, dáng dẹt. Tất cả các hiện vật gốm Chu Đậu trong bộ sưu tập đang trưng bày tại Bảo tàng Hải Phòng đều còn khá nguyên vẹn, thể hiện giá trị rất cao về yếu tố mỹ thuật, lịch sử
img_9861(1).jpg
Bình gốm hoa lam là hiện vật thứ sáu - hiện vật cuối cùng trong bộ sưu tập gốm cổ Chu Đậu của nhà sưu tập Trần Đình Thăng. Chiếc bình cao 19 cm đã bị vỡ phần thân và được phục chế lại. Tuy nhiên, màu men còn trong đẹp, họa tiết sắc nét. Phần cổ bình trang trí lá chuối, phần miệng vẽ đồng xu

Được biết, ông Trần Đình Thăng không tiết lộ số tiền bỏ ra để sở hữu 6 cổ vật nói trên, song cho biết giá mua gấp từ 7 - 10 lần so với ước tính ban đầu. Việc một nhà sưu tập tư nhân bỏ ra số tiền lớn để sở hữu bộ sưu tập gốm Chu Đậu Hải Dương cho thấy gốm Chu Đậu luôn có sức hấp dẫn lớn và sức sống mãnh liệt của dòng gốm cổ này. Bộ sưu tập 6 hiện vật nói trên được trưng bày phục vụ miễn phí cho nhân dân đến chiêm ngưỡng tại Bảo tàng Hải Phòng, số 66 Điện Biên Phủ, phường Minh Khai, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng.

TIẾN HUY - LÊ TA
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cổ vật gốm Chu Đậu Hải Dương ở Bảo tàng Hải Phòng