Thiếu từ thuốc tim mạch đến nhãn khoa, Bộ Y tế thừa nhận do "sợ sai, không dám làm"

02/08/2022 21:04

Trước tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và khó khăn trong triển khai công tác thanh toán bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất tháo gỡ nhiều quy định liên quan.


Trước tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và khó khăn trong thanh toán bảo hiểm y tế, Bộ Y tế kiến nghị Thủ tướng có nghị quyết sửa đổi nhiều quy định - Ảnh: TỰ TRUNG

Bộ Y tế vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất ban hành nghị quyết về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Theo bộ, báo cáo từ các địa phương, đơn vị cho hay tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế đang diễn ra tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Cụ thể, có 28/34 sở y tế và 12/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu thuốc. Bao gồm một số thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền.

Ngoài ra, còn có 26/34 sở y tế và 15/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất; 14/34 sở y tế và 8/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế, các trang thiết bị chuyên sâu...

Bộ Y tế xác định nguyên nhân thiếu thuốc, vật tư y tế do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, nguồn nguyên liệu sản xuất hàng hóa khan hiếm, giá cả biến động. Tình trạng hết hạn số đăng ký lưu hành của một số loại thuốc, nhân lực quản lý nhà nước quá ít, khó khăn trong xử lý hồ sơ.

Việc chậm có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán giá thuốc, một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung, nên các đơn vị lúng túng, e ngại.

Đặc biệt tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, không dám làm, không dám mua sắm của một số địa phương và đơn vị mặc dù thuộc thẩm quyền mua sắm. Có những doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa khi giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thanh toán phức tạp, khó khăn.

Các văn bản liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế còn có một số nội dung chưa rõ, chưa cụ thể nên dẫn tới cách hiểu, cách làm khác nhau.

Vì vậy, Bộ Y tế cho rằng để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế, bảo đảm việc cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế phục vụ công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, việc ban hành nghị quyết là cần thiết.

Theo đó, dự thảo nghị quyết của Chính phủ được Bộ Y tế xây dựng sẽ làm rõ các quy định liên quan, đặc biệt về mua sắm, đấu thầu. Cụ thể, sẽ quy định thời điểm mua bán trang thiết bị y tế khi mua sắm, đấu thầu được xác định là thời điểm phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, thay vì quy định tại thời điểm mua bán như trước đây.

Để bảo đảm nguồn cung thuốc, trang thiết bị y tế, sẽ làm rõ số đăng ký lưu hành với các thuốc được Bộ Y tế công bố bắt đầu có hiệu lực từ thời điểm nào. Rà soát, công bố giá thuốc kê khai, đặc biệt trong trường hợp chưa có thông tin về giá bán, các yếu tố chi phí cấu thành, Bộ Y tế sẽ sử dụng thông tin giá thuốc kê khai, kê khai lại đã công bố của các thuốc tương tự trên thị trường để làm căn cứ.

Đối với việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, trong đó có chi phí thuốc và trang thiết bị y tế, tờ trình của Bộ Y tế cho hay do năm 2020 - 2021 bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nhiều tỉnh, thành phố thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội nên số lượt khám chữa bệnh giảm sút nghiêm trọng.

Người bệnh khi đến khám chữa bệnh, bệnh đã nặng, thời gian điều trị kéo dài, phải chỉ định nhiều xét nghiệm lâm sàng, sử dụng nhiều loại thuốc hơn, nên dẫn tới chi phí cho đợt điều trị tăng lên mà không được xác định trong tổng mức thanh toán. Dẫn tới khi tính toán thì tổng mức thanh toán của cơ sở y tế giảm đi nhiều so với chi phí thực tế khám chữa bệnh.

Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn này, Bộ Y tế đề xuất đưa vào nghị quyết nội dung cho phép thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo báo cáo quyết toán năm của cơ sở khám, chữa bệnh gồm tiền khám bệnh, tiền giường, dịch vụ kỹ thuật trong phạm vi hưởng của bảo hiểm y tế; chi phí thuốc, hóa chất, vật tư y tế… chưa được tính trong giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế…

Việc thanh toán sẽ thực hiện sau khi cơ quan bảo hiểm xã hội giám định, thẩm tra và quyết toán.

Đối với việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của các dịch vụ kỹ thuật được thực hiện bằng các máy đặt, máy mượn, do hiện nay chưa có trong quy định, gây khó khăn trong thực hiện nên Bộ Y tế đề xuất cho phép được thanh toán chi phí này.

Cơ quan này cũng đề nghị Bộ Công an phối hợp các cơ quan liên quan sớm giải tỏa, đưa vào sử dụng các trang thiết bị mua sắm, liên doanh, liên kết, xã hội hóa liên quan tới các vụ án, hạch toán công khai, minh bạch theo quy định trong quá trình sử dụng.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thiếu từ thuốc tim mạch đến nhãn khoa, Bộ Y tế thừa nhận do "sợ sai, không dám làm"