Vá mãi không kín lỗ thủng thiếu thuốc

19/09/2022 15:09

Việc lỗ thủng thiếu thuốc cứ vá mãi mà không kín, thỉnh thoảng lại thiếu, lại kêu... cần những biện pháp thật nhanh và vững hơn.


Ba loại thuốc tê chuyên dụng sử dụng cho nha khoa, hiện Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội đang sử dụng xen kẽ loại vỏ đỏ và vỏ xanh dương - Ảnh: L.ANH

Vài ngày trước, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) kêu thiếu thuốc giải độc, đặc biệt là huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia, giải độc asen, thủy ngân, ngộ độc cồn công nghiệp methanol, ngộ độc paraquat... Tổng số có 12 loại thuốc giải độc hiện không có hoặc rất thiếu, ảnh hưởng đến cấp cứu và điều trị cho người bệnh.

Tình trạng thiếu thốn này chưa được giải quyết thì người dân lại lo lắng khi lãnh đạo Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội cho biết đang thiếu thuốc tê dùng cho điều trị nha khoa. Thậm chí theo vị này có nguy cơ bệnh viện phải đóng cửa sau hai tuần nữa!

Mặc dù sáng 17.9, ông Trần Cao Bính - giám đốc bệnh viện - "đính chính", cho rằng "đã có thuốc tê sử dụng xen kẽ, không có chuyện bệnh viện phải đóng cửa", nhưng việc thiếu thuốc như vậy là có và đang có những nguy cơ ảnh hưởng đến việc khám và điều trị cho người bệnh.

Chuyện thiếu thuốc và vật tư y tế đã ồn ào từ giữa tháng 6, khi đó các bệnh viện kêu thiếu thuốc đông máu cho bệnh nhân mổ tim, nhiều bệnh viện đã phải giảm công suất xuống còn 1/2 hoặc 2/3 so với trước để dành thuốc, tránh các ca tử vong đáng tiếc khi hết thuốc mà lại có bệnh nhân cấp cứu; rồi hết stent cho bệnh nhân can thiệp tim mạch, thuốc cho bệnh nhân HIV nhiều nơi bị thiếu do không mua sắm kịp...

Khi đó, người ta cho là do gói thầu mua sắm tập trung bị chậm nên thiếu thuốc.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng chia sẻ "tháng 6 là cao điểm thiếu thuốc, giờ đã đỡ hơn". Gói thầu đấu thầu mua sắm tập trung quốc gia đã xong từ đầu tháng 8, nhưng tin thiếu thuốc đến giờ vẫn cứ vài ngày lại một đợt. Chưa kể còn thiếu cả vắc xin khi vắc xin sởi và DPT dành cho trẻ dưới 1 tuổi cũng đã hết trên diện rộng.

Trong phiên họp ngày 13.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói sẽ hỗ trợ hết sức để giải quyết tình trạng này. Thủ tướng cho biết: "Đã xảy ra tình trạng thiếu thuốc tại một số cơ sở y tế, trong khi người dân ốm đau cần thuốc, chúng ta không thể ngồi nhìn".

"Cương quyết không để vì vướng mắc quy định, thiếu trách nhiệm dẫn tới thiếu thuốc, vật tư y tế kéo dài. Ai làm sai phải xử lý, kỷ luật nhưng không để vì xử lý, kỷ luật mà ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng người dân. Ai không làm thì đứng sang một bên cho người khác làm", Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, những quy định là nguyên nhân vướng mắc liên quan đến thiếu thuốc và vật tư y tế như Nghị định 98, Thông tư 14 và 15 hiện vẫn trong quá trình sửa chữa, chưa xong để có thể tháo gỡ các vướng mắc. Và để giải quyết cho tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư, nhiều nơi người ta dùng loại lý do là "đứt gãy nguồn cung".

Nếu trong dịch COVID-19 thì chuyện này hoàn toàn có lý và được thông cảm, nhưng đến nay gần như toàn thế giới đã bãi bỏ giãn cách xã hội, trở lại hoạt động bình thường, Việt Nam thực hiện bình thường mới từ tháng 10.2021, tức đã gần một năm, mà nguồn cung vẫn "đứt" là điều hết sức khó hiểu.

Chính vì thế, việc lỗ thủng thiếu thuốc cứ vá hoài không kín, thỉnh thoảng lại thiếu, lại kêu... cần những biện pháp thật nhanh và vững hơn.

Cũng rất nên có một trung tâm lưu trữ và điều phối các thuốc hiếm, nhu cầu sử dụng thấp mà không doanh nghiệp nào kinh doanh (vì số lượng ít, doanh nghiệp không có lãi) nhưng đôi khi có người bệnh cần và khi đó nếu có thuốc sẽ cứu được mạng người.

Việt Nam đang trên đường đua tăng trưởng sau dịch và trong cuộc đua ấy, y tế là trụ cột của an sinh xã hội. Vì thế phải sớm có những chiếc áo mới cho mua sắm thuốc, vật tư y tế hoặc nếu vá thì vá được kín hơn những lỗ thủng thiếu thuốc, vật tư để bác sĩ được tự tin khi chữa bệnh, còn người bệnh thì có nhiều hy vọng hơn mỗi khi phải đi bệnh viện.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vá mãi không kín lỗ thủng thiếu thuốc