Thiết lập chế độ tuyển dụng lao động Việt Nam sang Nhật Bản theo chuẩn quốc tế

05/04/2023 14:44

Sáng 5.4, Diễn đàn giao lưu phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản năm 2023 có chủ đề “Tối ưu hóa giao lưu nhân lực - Hướng đến tuyển dụng nhân sự theo tiêu chuẩn quốc tế” diễn ra tại Hà Nội.

Chú thích ảnh

Hoạt động sản xuất tại một nhà máy của Công ty Dược phẩm JPS (Nhật Bản). Ảnh minh họa: Đào Thanh Tùng/Pv TTXVN tại Tokyo

Sự kiện do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS) và Hiệp hội Thân thiện Quốc tế Nhật Bản (JIFA) đồng tổ chức.

Tại Diễn đàn, đại diện chính phủ, các tổ chức quốc tế, hiệp hội ngành nghề, dịch vụ việc làm và giới thiệu việc làm từ Việt Nam và Nhật Bản đã chia sẻ và đưa ra những giải pháp vận hành tuyển dụng lao động một cách công bằng và đạo đức.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Shishido Kenichi, Cố vấn đặc biệt của Chủ tịch JICA cho biết quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã được thiết lập cách đây 50 năm và hai nước đã xây dựng một mối quan hệ hợp tác hữu nghị, chiến lược trong tất cả các lĩnh vực kinh tế-chính trị-văn hóa, không chỉ ở cấp độ Chính phủ mà còn ở cấp độ doanh nghiệp, người dân.

Trong bối cảnh đó, hiện nay, có rất nhiều người Việt Nam sang Nhật Bản với tư cách là thực tập sinh để học hỏi, tiếp cận công nghệ-kỹ thuật của Nhật Bản. Hằng năm có khoảng hơn 100.000 thanh niên Việt Nam ưu tú, xuất sắc sang Nhật Bản tu nghiệp và họ đã có những đóng góp rất tích cực cho sự phát triển kinh tế của Nhật Bản cũng như Việt Nam trong thời gian qua.

Theo ông Shishido Kenichi, kết quả một cuộc khảo sát mới đây của JICA cho thấy, hơn 70% lao động Việt Nam tại Nhật Bản có chung đánh giá, nhận định là họ hài lòng với cuộc sống cũng như công việc hiện nay. Cùng với đó, JICA cũng nhận được rất nhiều mong muốn, nguyện vọng của các bạn trẻ ở Việt Nam được sang Nhật Bản học tập, làm việc, học hỏi thêm những kỹ năng, kinh nghiệm, công nghệ của Nhật Bản.

Tuy nhiên, ông Shishido Kenichi nhấn mạnh, tất cả mọi việc không phải diễn ra suôn sẻ và thực tế đã xảy ra những vụ việc đau lòng, đáng tiếc trong quá trình tuyển dụng lao động Việt Nam sang Nhật Bản. Cố vấn đặc biệt của Chủ tịch JICA chia sẻ, Chính phủ hai nước cũng như các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp đang rất nỗ lực thảo luận để tìm ra những giải pháp giải quyết những vấn đề vướng mắc còn tồn tại hiện nay trong tuyển dụng lao động Việt Nam sang Nhật Bản, đặc biệt là vấn đề người lao động Việt Nam phải chi trả những khoản chi phí rất lớn và không đúng với nguyên tắc, hướng dẫn của Tổ chức Lao động quốc tế khi tham gia thi tuyển xuất khẩu lao động.

“Năm nay, nhân dịp 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, chúng tôi cũng mong muốn đây là cơ hội để hai nước chúng ta sẽ có những thảo luận liên quan đến việc cải thiện môi trường làm việc, cũng như cải thiện chế độ thực tập sinh để làm sao có thể đóng góp được tích cực hơn nữa cho các hoạt động giao lưu này với mục tiêu hướng tới thiết lập tuyển dụng theo các tiêu chuẩn quốc tế”, ông Shishido Kenichi phát biểu.

Nhấn mạnh, trong 10 năm qua, Nhật Bản là một trong những điểm đến hàng đầu của lao động di cư Việt Nam, bà Ingrid Christensen, Giám đốc ILO Việt Nam cho biết người Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số lao động nước ngoài của Nhật Bản, chiếm 25,4% trong tổng số 1,82 triệu lao động nước ngoài đang làm việc tại Nhật Bản.

Chia sẻ với phát biểu khai mạc Diễn đàn của ông Shishido Kenichi, bà Ingrid Christensen lưu ý quá trình tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài cần phải đảm bảo tính công bằng, công việc có điều kiện làm việc tốt, có cơ chế khiếu nại hiệu quả khi có sự cố xảy ra và có hệ thống hiệu quả để trở về và tái hòa nhập.

Theo bà Ingrid Christensen, nghiên cứu gần đây của Tổng cục Thống kê Việt Nam với sự hỗ trợ của ILO có tiêu đề “Đo lường chỉ số mục tiêu phát triển bền vững 10.7.1 về chi phí tuyển dụng lao động Việt Nam ở nước ngoài” cho thấy, thực tế 1 lao động di cư Việt Nam phải trả tới 192 triệu đồng Việt Nam (tương đương 8.000 USD) để được tuyển dụng công việc đầu tiên của họ ở Nhật Bản.

“Điều này mâu thuẫn với các tiêu chuẩn quốc tế về di cư lao động vốn chỉ ra rằng "không được tính phí tuyển dụng hoặc các chi phí liên quan hoặc người lao động hoặc người tìm việc phải chịu", bà Ingrid Christensen nhấn mạnh, đồng thời khẳng định việc người lao động trả phí tuyển dụng làm tăng nguy cơ bị cưỡng bức lao động, làm tăng tính dễ bị tổn thương của người lao động khi họ phải trả nợ trong vài tháng và đôi khi là vài năm, thậm chí là sau khi kết thúc công việc được tuyển dụng.

Các tham luận tại Diễn đàn cho thấy, thời gian qua, các cơ quan chức năng hai nước Việt Nam, Nhật Bản đã tích cực phối hợp thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh đối với chương trình phái cử thực tập sinh kỹ năng, lao động đặc định Việt Nam sang Nhật Bản.

Theo ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, - Thương binh và Xã hội), về phía Việt Nam, các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó cơ việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đáng chú ý, vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (Luật số 69 năm 2020), Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã ban hành các văn bản hướng dẫn Luật, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này.

Ông Phạm Viết Hương cho biết, so với Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2006 (Luật số 72 năm 2006), Luật số 69 năm 2020 đã điều chỉnh, bổ sung các nội dung mới phù hợp với thực tế và sự phát triển của lĩnh vực lao động di cư như bổ sung chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các hành vi bị nghiêm cấm và mở rộng đối tượng áp dụng của Luật, bổ sung quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Thiết lập chế độ tuyển dụng lao động Việt Nam sang Nhật Bản theo chuẩn quốc tế