Dự kiến 51,57 triệu người có việc làm trong quý III/2024, tăng 127.000 người so với quý II; 3 ngành sẽ tăng nhu cầu tuyển dụng là chế biến gỗ, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn.
Trong Bản tin thị trường lao động quý II, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, 5,25 triệu người tham gia lực lượng lao động, trong đó 51,4 triệu người có việc làm, tăng hơn 126.000 người có việc làm so với quý trước.
Theo đó, nhiều ngành tăng đột biến số việc làm là xây dựng (hơn 119.000 người), giáo dục và đào tạo (trên 69.000 người), vận tải - kho bãi (khoảng 58.000 người), dịch vụ lưu trú - ăn uống (gần 39.000 người)…
Ngành nông nghiệp - lâm nghiệp và thủy sản chứng kiến biến động lớn, sụt giảm hơn 118.000 việc làm, tiếp sau là các ngành công nghiệp chế biến - chế tạo (gần 113.000 người), bán buôn bán lẻ - sửa chữa xe cộ (khoảng 38.000 việc làm)…
Cũng theo bản tin, 5 nhóm nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là kế toán - kiểm toán, công nghệ thông tin - viễn thông, tiếp thị, quảng cáo, truyền thông, khoa học và kỹ thuật, lao động sản xuất.
Trong quý III, dự kiến 51,57 triệu người có việc làm, tăng 127.000 người so với quý II. Theo đó, 3 ngành sẽ tăng nhu cầu tuyển dụng là chế biến gỗ, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn.
Thu nhập bình quân của người lao động là 8,4 triệu đồng/tháng, tăng 567.000 đồng/tháng so với cùng kỳ. Trong đó, lao động nam có thu nhập trung bình 8,9 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 7,8 triệu đồng/tháng.
Với thị trường lao động ở Hà Nội, trong tháng 7, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội ước tính nhu cầu tuyển dụng với khoảng 58.585 vị trí. Trên cơ sở khảo sát, thu thập thông tin 13.181 việc làm trống của hơn 2.800 doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng tập trung vào các nhóm ngành như: Bán buôn, bán lẻ và hoạt động dịch vụ khác; tiếp đến ngành công nghiệp chế biến chế tạo - xây dựng; ngành Giáo dục đào tạo.
Doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là vị trí nhân viên dịch vụ và bán hàng, tiếp đến là vị trí nhân viên trợ lý văn phòng.
Điểm sáng là ngành du lịch đang có sự phục hồi mạnh mẽ sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Du lịch nội địa và khách quốc tế liên tục tăng trưởng tốt, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đẩy mạnh nhu cầu tuyển dụng, nhằm phục hồi hoạt động kinh doanh.
Nhu cầu tuyển dụng lao động trong tháng 7 ở lĩnh vực du lịch, nhà hàng - khách sạn chiếm khoảng 5,72%, với trên 500 vị trí việc làm trống.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đánh giá, tháng 7 hằng năm cũng là thời điểm mà hoạt động tìm việc diễn ra sôi động, do là thời gian kết thúc năm học và các học viên, sinh viên tốt nghiệp từ các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố sẽ bắt đầu tìm kiếm việc làm. Điều này tạo ra cơ hội tuyển dụng nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao cho các doanh nghiệp nhưng cũng đồng thời tạo ra áp lực cạnh tranh trên thị trường lao động.
Nhận định về tình hình thị trường lao động Hà Nội trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết , dự báo một số ngành có nhu cầu tuyển dụng tăng cao như: Bán buôn, bán lẻ; hoạt động chuyên môn về khoa học công nghệ; công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch, lưu trú ăn uống, nghệ thuật, giải trí...
Tuy nhiên, có một số nhóm ngành dự báo giảm nhu cầu tuyển dụng như: hoạt động kinh doanh bất động sản giảm; hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, trong quý II này, thành phố cần khoảng 75.400 đến 77.100 lao động. Trong đó, nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng yếu cần khoảng 12.300-12.500 vị trí, chiếm 16,8% so với tổng cầu.
Cụ thể, ngành điện tử - công nghệ thông tin chiếm 6,42%, cơ khí chiếm 4,59%, chế biến tinh lương thực thực phẩm chiếm 3,08%, hóa dược - cao su chiếm 2,71%.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, bên cạnh trình độ chuyên môn, người lao động cần chủ động tự trang bị tốt các kỹ năng nghề, kỹ năng mềm nhằm thích ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường và tìm thêm được nhiều cơ hội phát triển bản thân.
Doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch tuyển dụng lâu dài gắn với kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị, có chính sách chi trả lương - thưởng cho người lao động rõ ràng, minh bạch và hấp dẫn.
TB (theo Báo Chính phủ)