Thay đổi tâm lý đối phó

09/01/2020 08:16

Để bảo đảm an toàn giao thông, thay vì tìm cách đối phó, mỗi người cần ý thức sâu sắc việc chấp hành quy định là để tốt cho chính bản thân mình, gia đình và xã hội.

Ngay trong những ngày đầu năm 2020, cảnh sát giao thông trong cả nước đã tăng cường xử phạt những người vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ nhằm hiện thực hóa quy định trong Luật Phòng chống tác hại của rượu bia 2019. Theo đó, mức xử phạt cao hơn quy định cũ khá nhiều và chỉ cần người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn trong hơi thở là đã bị phạt.

Việc kiểm tra, xử phạt nghiêm túc theo quy định mới này được kỳ vọng sẽ giúp giảm số người lái xe sau khi uống rượu bia, giảm số vụ tai nạn giao thông. Nhiều người thở phào bởi từ nay đã có thêm một lý do chính đáng rất thuyết phục để từ chối uống rượu.

Nhưng bên cạnh đó, giống như nhiều lần trước đây khi các quy định mới có hiệu lực, vẫn còn nhiều người lên tiếng phản đối, bày tỏ băn khoăn về những điều họ cho là bất cập của quy định này.

Nhiều người cho rằng nồng độ cồn trên 0 đã bị xử phạt là quá nặng bởi khi uống rất ít thì họ vẫn đủ tỉnh táo để điều khiển phương tiện giao thông. Một số loại đồ ăn, thức uống có chứa lượng nhỏ cồn hoặc khi lên men trong dạ dày cũng có thể tạo ra cồn nhưng không ảnh hưởng tới việc lái xe. Trên các diễn đàn, mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết hướng dẫn cách “né” quy định này, cách giảm nồng độ cồn trong hơi thở sau khi uống rượu bia.

Tại một số địa phương đã xuất hiện những trường hợp dắt xe máy qua chốt của cảnh sát giao thông để không bị kiểm tra nồng độ cồn. Có lái xe khi bị dừng xe để kiểm tra thì không chấp hành hiệu lệnh, khóa xe và bỏ đi, giống như cách được hướng dẫn trên mạng bởi tin rằng làm như vậy chỉ bị phạt vì không chấp hành hiệu lệnh với mức phạt nhẹ hơn vi phạm quy định về nồng độ cồn.

Những lý lẽ phản đối cũng như hành động nêu trên cho thấy một bộ phận không nhỏ người dân vẫn có tâm lý chống đối, đối phó với quy định mà chưa nhận thức được đầy đủ sự nguy hại của việc điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu bia.

Nhiều người cho rằng mình vẫn đủ tỉnh táo khi uống 2-3 cốc bia hoặc 1-2 chén rượu nhưng điều đó không đúng với tất cả mọi người bởi ngưỡng chịu đựng được nồng độ cồn của mỗi người một khác. Hơn nữa, khi vào bàn tiệc thì khó có điểm dừng ở mức đó nên nếu thực sự có ý thức thì sau khi uống rượu bia không nên tự lái xe mà đi phương tiện công cộng hoặc bắt buộc phải lái xe thì không uống rượu bia.

Đại diện Bộ Y tế đã cho biết một số loại trái cây có đường, thực phẩm chế biến có thêm rượu bia, một số loại thuốc có dung môi cồn sẽ tạo nồng độ cồn trong hơi thở nhưng rất thấp và thời gian đào thải rất nhanh, chỉ khoảng 15-30 phút. Nếu ai lo lắng về việc này thì sau khi ăn các thực phẩm này một thời gian mới điều khiển xe và không nên vin vào đó để phủ nhận những mục đích tốt đẹp của quy định.

Từ giờ tới trước Tết Nguyên đán là thời gian của những cuộc liên hoan tất niên, tổng kết. Các cơ quan, đơn vị khi tổ chức liên hoan cần tính đến phương án bố trí phương tiện di chuyển cho những người tham gia nếu có uống rượu bia.

Trong khoảng thời gian thường có số vụ tai nạn giao thông cao do rượu bia này, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử phạt để quy định mới sớm có tác dụng, tránh tâm lý xuề xòa, buông lỏng trong những ngày Tết.

Song song với việc duy trì kiểm tra, xử phạt nghiêm túc, điều cần thiết nhất vẫn là nâng cao ý thức toàn dân trong việc chấp hành quy định, nhận thức về tác hại của việc điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia, thay đổi thói quen tiêu thụ rượu bia quá đà. Thay vì tìm cách đối phó, mỗi người cần ý thức sâu sắc việc chấp hành quy định là để tốt cho chính bản thân mình, gia đình và xã hội.

THÁI HÒA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thay đổi tâm lý đối phó