Thách thức sau cổ phần hóa ở hai doanh nghiệp ngành giao thông

25/10/2018 06:44

Mặc dù quá trình CPH diễn ra khá thuận lợi nhưng bài toán về chiến lược kinh doanh để đem lại hiệu quả sau CPH đang là vấn đề lớn...

Sau cổ phần hóa, người lao động cần thay đổi phong cách làm việc, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Nhân viên Công ty CP Đăng kiểm xe cơ giới Hải Dương kiểm định xe ô tô​

Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Hải Dương và Ban Quản lý các bến xe khách Hải Dương đã hoàn thành việc cổ phần hóa (CPH), chuyển đổi mô hình hoạt động từ đơn vị sự nghiệp công lập sang công ty cổ phần (CP). Mặc dù quá trình CPH diễn ra khá thuận lợi nhưng bài toán về chiến lược kinh doanh để đem lại hiệu quả sau CPH đang là vấn đề lớn đặt ra đối với ban lãnh đạo của các công ty hiện nay.

Nhiều thuận lợi

Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Hải Dương và Ban Quản lý các bến xe khách Hải Dương là hai đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Sở Giao thông vận tải. Tháng 5.2017, UBND tỉnh đã có quyết định CPH và thành lập ban chỉ đạo CPH hai đơn vị trên. Trong quyết định phê duyệt phương án CPH của UBND tỉnh vào tháng 12.2017 thì Nhà nước sẽ nắm giữ 49% vốn điều lệ tại mỗi công ty. Với sự quyết tâm cao của Ban chỉ đạo CPH và toàn thể cán bộ, công nhân viên, trong tháng 9 vừa qua, hai đơn vị đã hoàn thành việc CPH và tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông lần đầu để thành lập các Công ty CP: Đăng kiểm xe cơ giới Hải Dương, Quản lý các bến xe khách Hải Dương.

Nhìn lại toàn bộ quá trình CPH hai đơn vị trên, ông Vũ Huy Cường, Tổ trưởng Tổ chuyên viên giúp việc của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tỉnh cho biết: Quá trình CPH diễn ra rất thuận lợi bởi trước hai đơn vị này đã có nhiều đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện CPH. Các đơn vị đã rút kinh nghiệm, nắm được trình tự, thủ tục CPH. Việc kiểm kê, đánh giá giá trị doanh nghiệp khá nhanh do giá trị tài sản tại hai đơn vị không lớn. Việc bán CP diễn ra suôn sẻ. Số CP bán đấu giá công khai trên sàn giao dịch của hai đơn vị chỉ một phiên là hết. Những biến động về tài sản, lao động, tổ chức bộ máy tại hai đơn vị trước và sau CPH không nhiều. 

Công ty CP Quản lý các bến xe khách Hải Dương có hơn 34,7tỷ đồng vốn điều lệ, tương ứng với hơn 3,4 triệu CP. Ngoài số CP do Nhà nước nắm giữ thì Ban Quản lý các bến xe khách Hải Dương đã bán ưu đãi cho người lao động 104.700 CP. Số CP còn lại được bán cho nhà đầu tư chiến lược và đấu giá công khai. Ông Vũ Văn Quyến, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty cho biết: "Những vướng mắc trong quá trình CPH được tháo gỡ kịp thời. Đặc biệt là cán bộ, người lao động trong đơn vị đều nhận thức rõ tầm quan trọng của việc CPH nên có sự đồng thuận, thống nhất cao". 

Việc giải quyết quyền lợi của người lao động và tổ chức lại bộ máy hoạt động luôn là vấn đề khó trong quá trình CPH. Dù vậy, đối với Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Hải Dương thì đây không phải là vấn đề lớn. Bởi lẽ, sau khi CPH, Công ty CP Đăng kiểm xe cơ giới Hải Dương chỉ còn 32 người. Mặc dù số lao động giảm 10 người so với trước nhưng chủ yếu là do cán bộ nghỉ hưu và chuyển công tác.

Cần thay đổi tư duy, cung cách làm việc

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Giám đốc Công ty CP Đăng kiểm xe cơ giới Hải Dương cho biết: "Sau khi CPH, doanh nghiệp sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt theo quy luật thị trường. Để DN ngày càng phát triển, đạt được mục tiêu đề ra, bên cạnh phương án kinh doanh, sự quyết tâm cao của ban lãnh đạo công ty thì người lao động cũng cần thay đổi tư tưởng, tác phong làm việc. Dù vậy, hiện nay tư duy của người lao động còn nặng tư tưởng bao cấp, ỷ lại, ngại đổi mới". 

Theo lãnh đạo Công ty CP Quản lý các bến xe khách Hải Dương, thách thức lớn nhất đặt ra đối với doanh nghiệp hiện nay là việc xây dựng phương hướng mở rộng sản xuất, kinh doanh để tăng doanh thu. Đồng thời huy động và sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả; bảo đảm đời sống, thu nhập ổn định để người lao động gắn bó lâu dài với đơn vị. Công ty đặt mục tiêu phấn đấu năm 2019 đạt doanh thu gần 10,5 tỷ đồng, thu nhập của mỗi lao động hơn 6,4 triệu đồng; năm 2020 doanh thu trên 11,7 tỷ đồng và thu nhập gần 7 triệu đồng. 

CPH là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Việc chuyển đổi mô hình hoạt động từ đơn vị sự nghiệp công lập sang công ty CP sẽ khắc phục được những tồn tại của đơn vị 100% vốn Nhà nước, tạo ra tính tự chủ cho doanh nghiệp, nâng cao chất lượng hoạt động và tính cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thời gian đầu sau CPH, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các doanh nghiệp phải tiếp cận với các vấn đề, cơ chế mới và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và luật chuyên ngành. 

Hiện nay, Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tỉnh đang chỉ đạo, đôn đốc hai công ty trên thực hiện kiểm toán, báo cáo tài chính làm cơ sở để quyết toán kinh phí CPH và làm thủ tục bàn giao giữa đơn vị sự nghiệp và công ty CP.

NGUYỄN LAN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thách thức sau cổ phần hóa ở hai doanh nghiệp ngành giao thông