Tầm nhìn đĩa thịt lợn

06/07/2020 15:51

Chưa kịp đặt giỏ xách, mẹ tôi đã kêu ca về giá thịt lợn. "Chưa bao giờ thấy cao như vậy", “giá vậy làm sao mua”.

"Con có biết thịt lợn hôm nay giá bao nhiêu không?", không chờ câu trả lời, mẹ tôi nói luôn: "Hai trăm nghìn một ký". Gia đình tôi, gồm bốn người, hôm đó ăn cơm với cá rán thay vì món chân giò hầm như dự tính. Mẹ tôi nói sẽ điều chỉnh thực đơn, bằng cách chọn các loại cá thay vì thịt.

Như bao gia đình, mẹ tôi luôn là người chăm lo bữa ăn cho cả nhà. Bà có thói quen đi chợ vào lúc sáng sớm để chọn thực phẩm tươi mới nhất cho cả ngày. Mấy hôm nay, đi làm về, tôi thấy bà cùng các cô bác hàng xóm bàn tán về giá thịt lợn, đắt gì đắt quá, ăn gì thay thế. Nếu "biến cố giá thịt" xảy ra với tôm, thịt vịt, thịt bò hẳn không khiến mẹ tôi và các bà các cô quanh xóm xôn xao đến thế. Bởi ở phương diện khác, thịt lợn có thể xem là một loại hàng hóa thiết yếu. Nó là thức ăn cung cấp nguồn đạm động vật quan trọng trong khẩu phần ăn của người Việt.

Theo một nghiên cứu của Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp, Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, thịt lợn là nguồn thức ăn hàng đầu của người Việt Nam trong các sản phẩm thịt. Thịt lợn chiếm tỷ lệ lớn nhất, 40%, trong tổng chi tiêu của các gia đình cho các sản phẩm thịt, tiếp sau đó mới tới cá, thịt gia cầm và thịt bò. Một số người không thích ăn cá, thịt bò hay thịt gà, tôm, nhưng thịt heo thì dường như ai cũng có thể ăn được. Với nhiều loại bệnh, bác sĩ khuyên bệnh nhân kiêng các loại thịt khác, trừ thịt lợn. Và đáng nói hơn, giá thịt lợn tăng luôn kéo theo các loại thịt khác, thực phẩm khác tăng giá theo ở các chợ dân sinh.

Người "nhạy cảm" nhất với giá thịt lợn chính là các bà các cô buôn bán và đi chợ hàng ngày. Câu chuyện giá thịt lợn tiếp tục là chủ đề bàn luận trong buổi cà phê sáng tại cơ quan tôi trước giờ làm việc. Chị Hương cùng phòng tôi than phiền rằng, vì giá thịt, chi phí cho bữa ăn hàng ngày của gia đình chị cũng tăng đáng kể. Các con chị rất thích ăn thịt lợnnên chị vẫn phải mua thịt bất chấp mức giá đắt đỏ. Các đồng nghiệp nam có vẻ bình thản hơn, một phần vì họ không trực tiếp chi tiêu các khoản ăn uống trong nhà, điều duy nhất họ bận tâm là phải chi trả cho tiền cà phê và bữa sáng cao hơn 30 % so với trước kia.

Các tiểu thương ở chợ thì luôn miệng thanh minh với mẹ tôi rằng mình không có lãi nhiều hơn, nguyên nhân là giá heo hơi tăng hơn 100%, từ 40.000 đồng lên 90.000 đồng trong vòng hơn một năm qua nên giá bán thịt tại các sạp tất yếu phải tăng theo.

Thật ra, giá thịt lợn tại chợ đã tăng từ nhiều tháng trước, chỉ là đến thời điểm này đã đạt đỉnh cao nhất. Ai thường xuyên theo dõi thông tin đều hiểu rằng giá thịt tăng cao thời gian này cũng không quá bất ngờ. Dịch tả heo châu Phi năm ngoái đã làm thiệt hại gần như toàn bộ đàn heo của cả nước. Điều này dẫn đến nguồn cung thịt sụt giảm nghiêm trọng, không đủ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Đó là một hiện tượng hoàn toàn có thể giải thích bằng quy luật kinh tế cơ bản. Điều cần bàn là mặc dù chính phủ đã có những động thái can thiệp nhưng vẫn không thể kéo giảm giá thịt trên thị trường.

Thiên tai và dịch bệnh là hai yếu tố bất thường và không thể đoán định, một khi chúng xuất hiện, nông nghiệp luôn là lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề nhất. Không một ai có thể dự đoán sự xuất hiện của dịch tả lợn châu Phi, vì vậy cũng không có biện pháp phòng vệ nào được chuẩn bị. Một trong những giải pháp đơn giản được áp dụng ngay chính là nhập khẩu thịt lợnđã chế biến để bù đắp cho cho sự thiếu hụt nguồn cung trong nước.

Theo Bộ Nông nghiệp, tính đến cuối tháng 5, cả nước đã nhập khẩu gần 70.000 tấn thịt lợn. Về phía cầu, giả sử mỗi gia đình với bốn nhân khẩu chỉ cần sử dụng 9 cân thịt lợncho mỗi tháng. Như vậy, với 26,8 triệu hộ gia đình, sẽ cần 268.000 tấn thịt lợncho 5 tháng đầu năm 2020. Với phép ước lượng đơn giản, ta có thể thấy thịt nhập khẩu chỉ đáp ứng được khoảng hơn 20% nhu cầu.

Quay lại câu chuyện với mẹ, tôi đề xuất bà vào siêu thị gần nhà để mua thịt lợnnhập khẩu với giá rẻ hơn khoảng 30%. Chẳng cần suy nghĩ, bà quát ngay vào mặt tôi: "Không đời nào, thịt đông lạnh nhìn thôi đã không thích, chứ đừng nói là mua". Đó cũng là suy nghĩ khá phổ biến của các bà nội trợ, đặc biệt là tại vùng nông thôn, nơi đã quen ăn thịt tươi sống từ bao đời nay. Một lý do tôi cho rằng có thể trả lời cho câu hỏi giá thịt lợnthịt lợnnhập khẩu không phù hợp với thói quen tiêu dùng của người Việt. Báo chí cho thấy, lượng thịt đông lạnh bán ra tại các siêu thị không tăng nhiều, thời gian bảo quản lại ngắn, vì vậy các doanh nghiệp nhập khẩu không muốn nhập nhiều hơn nữa.

Trên góc độ kinh tế vĩ mô, xu hướng trong chi tiêu của người dân rất quan trọng. Nếu các chính sách vĩ mô hoặc mục tiêu kích cầu không khớp với hành vi của người mua thì hiệu quả thực thi sẽ không được như mong muốn. Cũng phải khẳng định rằng, sẽ không có đủ nguồn cung thịt trong nước trong thời gian ngắn hạn. Hay nói cách khác là sẽ không thể kéo giảm giá thịt lợntươi sống trên thị trường ngay tức khắc. Tức là, chúng ta cần các giải pháp khác hữu hiệu hơn.

Tôi nói với mẹ, con sẽ đưa thêm tiền đi chợ, mẹ đừng quá tằn tiện. Bà thở dài: "Đâu chỉ riêng thịt lợn, điện nước mỗi thứ đều tăng, con cứ để dành tiền lo cho cháu, việc chi tiêu trong nhà mẹ sẽ điều chỉnh." Chính phủ mới đây đã cho phép nhập khẩu lợn sống với lô hàng đầu tiên là 500 con. Nếu thực hiện tốt các vấn đề về kiểm dịch, phân phối, giải pháp này có thể giúp hạ nhiệt giá thịt lợn. Một cách khác có thể áp dụng đó là khuyến khích điều chỉnh thói quen tiêu dùng của người dân, giảm thịt là một cơ hội tốt cho sức khỏe và cả ngân sách gia đình. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng chiến lược cho ngành chăn nuôi bao gồm nhóm giải pháp cho đàn lợn trong nước vẫn là chuyện đến hẹn lại lên.

Nhiều năm qua, báo cáo ngành chăn nuôi vẫn có từng ấy nội dung. Nhà làm chính sách vẫn chưa trả lời được cho nông dân các câu hỏi mỗi năm lại về: nhập khẩu con giống khỏe, sạch bệnh, lựa chọn giống lợn năng suất cao, hệ thống kỹ thuật và thông tin hỗ trợ người chăn nuôi theo khoa học và quy mô lớn, giảm bớt các khâu trung gian trong chuỗi sản xuất, phân phối, giải bài toán tiêu thụ "khi nóng khi lạnh"...

Khi ấy, việc đàn lợn bị bệnh, giá lợn hơi tăng nhanh có xảy ra cũng không khiến đĩa thịt lợn trên mâm cơm trở thành tiếng thở dài.

LÂM TRỌNG NGHĨA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tầm nhìn đĩa thịt lợn