Trong số các trường hợp bị tội phạm trên không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở tỉnh Hải Dương thời gian qua có nhiều người lớn tuổi.
Mất tiền tỷ
Không như giới trẻ, người lớn tuổi hầu hết bị tội phạm tiếp cận bằng gọi điện trực tiếp. Kẻ lừa đảo chủ yếu đóng vai cán bộ các cơ quan: công an, viện kiểm sát, tòa án để tung ra các chiêu trò đe dọa liên quan đến các hình thức phạm tội để chiếm đoạt tiền. Cơ quan công an các cấp đã nhận nhiều đơn trình báo của người lớn tuổi bị lừa mất từ vài trăm nghìn đồng đến hàng tỷ đồng.
Tháng 6/2023, bà P.T.N., ở xã Lê Lợi (Gia Lộc) bị 2 kẻ lạ mặt giả mạo công an mời kết bạn qua Zalo và gọi điện nói rằng bà thuộc diện nghi vấn trong đường dây buôn người sang nước ngoài, buôn bán ma túy. Các đối tượng còn dọa gửi lệnh bắt bà N., yêu cầu bà nộp tiền vào tài khoản của chúng để giúp bà tại ngoại. Sợ hãi và tin thật, bà N. đã chuyển cho chúng 195 triệu đồng và bị chiếm đoạt.
Nhiều trường hợp còn bị lừa số tiền hàng tỷ đồng. Cuối tháng 8/2021, bà N.T.N. (sinh năm 1953, trú tại phường Sao Đỏ, Chí Linh) bị 2 đối tượng gọi điện giới thiệu là nhân viên Chính phủ, công an thông báo bà N. liên quan đến đường dây tội phạm ma túy. Các đối tượng yêu cầu bà mở tài khoản ngân hàng và chuyển tiền đang có ở đó để chứng minh mình không liên quan đến hành vi phạm tội. Không nghĩ mình đang bị các đối tượng lừa đảo giăng bẫy, bà N. đến ngân hàng mở tài khoản và nộp vào hơn 1,8 tỷ đồng, liền bị bọn chúng chiếm đoạt.
Theo Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Hải Dương), thời gian qua, trong số các đơn trình báo bị lừa đảo đơn vị tiếp nhận thì gần 60% bị hại là người lớn tuổi. Hậu quả của các vụ lừa đảo này để lại rất lớn. Nhiều người cả đời dành dụm được ít tiền để lo cho tuổi già hoặc do con cái đi làm ăn xa gửi giữ hộ nhưng đã bị mất sạch. Do bị các đối tượng đe dọa, một số người đã vay mượn để chuyển tiền cho chúng, rơi vào cảnh nợ nần.
Theo Thượng tá Phạm Hữu Măng, Phó Trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, người lớn tuổi dễ sập bẫy của bọn tội phạm lừa đảo trên không gian mạng là do ít tiếp cận với các thông tin tuyên truyền, cảnh báo của các cơ quan chức năng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Do đó, họ chưa kịp thời nắm bắt được các phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm. Nhiều người hiểu biết xã hội còn hạn chế, chưa nắm được việc các cơ quan tư pháp khi giải quyết công việc liên quan không làm việc qua điện thoại, mạng xã hội mà phải gặp gỡ trực tiếp hoặc thông báo bằng văn bản.
"Nhiều người tâm lý yếu khi liên tục bị các đối tượng đe dọa như không chuyển tiền thì bản thân hoặc người thân sẽ bị bắt. Chúng còn khủng bố tinh thần bằng cách liên tục gọi điện thoại để thao túng tâm lý khiến họ không có thời gian suy nghĩ, tính toán mà chỉ biết thực hiện theo yêu cầu", Thượng tá Phạm Hữu Măng chia sẻ.
Phòng ngừa từ sớm
Nhằm giúp người dân, nhất là người lớn tuổi nâng cao hiểu biết, ý thức phòng ngừa tội phạm, thời gian qua, cơ quan công an phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn, cách phòng chống tội phạm lừa đảo. Cơ quan công an trao đổi, phối hợp các tổ chức tín dụng làm thông báo thủ đoạn của tội phạm; hướng dẫn nhân viên làm việc tại các quầy giao dịch cách nhận biết những khách hàng có biểu hiện nghi vấn bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản để cảnh báo, ngăn chặn.
Từ các biện pháp trên, thời gian qua, các tổ chức tín dụng của huyện Gia Lộc đã hỗ trợ, ngăn chặn thành công nhiều người lớn tuổi không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho kẻ lừa đảo. Điển hình vào tháng 10/2023, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Gia Lộc đã giúp một khách hàng nữ (65 tuổi) ở xã Gia Lương không chuyển gần 700 triệu cho kẻ lừa đảo. Hôm đó, tầm 4 giờ 30 chiều, chị Mai Thị Hiếu, cán bộ giao dịch của ngân hàng tiếp nhận giải quyết thủ tục rút chuyển tiền của vị khách hàng này. Thấy có điều bất thường, chị Hiếu liền tìm cách dò hỏi, trấn an, động viên khách hàng kể lại sự việc. Khi xác định khách hàng đang bị bọn tội phạm lừa đảo uy hiếp, chị Hiếu liền phân tích để khách hàng hiểu sự việc và không chuyển tiền cho chúng.
Theo Thiếu tá Nguyễn Hoàng Hà, Phó Trưởng Công an huyện Cẩm Giàng, để từng bước ngăn chặn việc người lớn tuổi bị tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, ngoài hình thức tuyên truyền truyền thống, các cấp, ngành, đoàn thể cần thực hiện thêm một số cách thức tuyên truyền, hỗ trợ khác. Hội Người cao tuổi ở các địa phương cần thường xuyên cập nhật các phương thức, thủ đoạn lừa đảo để phổ biến đến hội viên, người già. Các gia đình chỉ còn ông bà già ở với nhau, hoặc ở một mình thì con cháu, người thân nên thường xuyên nhắc nhở để họ có ý thức phòng ngừa. Khi nhận được các cuộc gọi bất thường, nhất là liên quan đến tiền, người lớn tuổi không vội thực hiện mà cần trao đổi với con cháu, cơ quan chức năng để được tư vấn, hỗ trợ...
DANH TRUNG