Ngân hàng ngày càng "mở" hơn, nhưng rủi ro lừa đảo, giả mạo cũng liên tục tăng, với hơn 90% số vụ lừa đảo từ đầu năm nay có liên quan tới lĩnh vực ngân hàng.
Thông tin này được ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết tại Hội thảo về sự chuyển dịch mô hình kinh doanh ngân hàng, do VnEconomy tổ chức.
Dẫn thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Hưng cho biết, trong 11 tháng đầu năm nay đã nhận hơn 15.900 phản ánh về trường hợp lừa đảo do người dùng internet gửi đến qua các hệ thống cảnh báo, trong đó hơn 91% liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Ba nhóm lừa đảo chính là giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác, với 24 hình thức khác nhau. Riêng năm 2023, tổ chức chống lừa đảo trực tuyến đã chặn 3.369 website vi phạm, 972 website lừa đảo, đồng thời bảo vệ 3,6 triệu người dùng trước những rủi ro trên.
Những thách thức về đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường internet, theo ông Hưng, xuất hiện khi những ngân hàng ngày càng "mở" hơn.
Ngân hàng "mở" được hiểu là việc ngân hàng chia sẻ thông tin, dịch vụ cho các đơn vị thứ ba, chủ yếu là fintech. Trong mô hình ngân hàng mở, ba chủ thể chính là ngân hàng, bên thứ ba cung cấp dịch vụ và khách hàng sử dụng. Thông qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API), nhà băng có thể kết nối, cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các bên thứ ba, không chỉ giới hạn fintech mà còn các doanh nghiệp bán lẻ, cung cấp dịch vụ.
Sự hình thành của ngân hàng mở, theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng, là xu hướng tất yếu của hoạt động kinh doanh ngân hàng trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Chuyển đổi số giúp các ngân hàng nâng cao hiệu quả bằng cách hợp lý hóa và tự động hóa các quy trình, cải thiện khả năng sẵn sàng, nâng cao trải nghiệm.
Tuy nhiên, theo ông, Open Banking hay Open API là một lĩnh vực mới cả về yếu tố kỹ thuật và pháp lý, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Các thách thức khi triển khai Open API không chỉ là vấn đề công nghệ mà còn là thay đổi nhận thức và thay đổi khung pháp lý.
"Việc triển khai thành công khung pháp lý cho Open API sẽ tạo điều kiện cho cộng đồng Fintech cung cấp các dịch vụ sáng tạo mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng", ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó tổng giám đốc Công ty Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cho rằng để sự chuyển dịch từ ngân hàng truyền thống sang ngân hàng mở diễn ra nhanh hơn cần có bộ quy tắc chung. Ngoài ra, cách ứng xử về quyền lợi của khách hàng khi giao dịch lỗi hay tiêu chuẩn về sản phẩm, dịch vụ cung cấp, tiêu chuẩn về vận hành chung cũng cần nghiên cứu.
"Theo tôi không những cần có tiêu chuẩn chung, mà còn tiêu chuẩn về sản phẩm, dịch vụ cung cấp, tiêu chuẩn về vận hành. Ví dụ như khi giao dịch lỗi xảy ra thì sẽ ứng xử như thế nào, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng ra sao?", ông Long đánh giá. Ngoài ra, các quy chuẩn từ cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà nước, hướng tới sẽ có một đơn vị vận hành chung hay các tiêu chuẩn kỹ thuật chi tiết, tiêu chuẩn vận hành ứng xử của các bên cũng là hướng để cân nhắc nghiên cứu.
Ở chiều hướng tích cực, lãnh đạo của Napas cho rằng thuận lợi lớn nhất là các ngân hàng, công ty fintech và các bên thứ ba đều hứng khởi và chủ động trong triển khai dịch vụ Open Banking.
Theo VnExpress