Tai nạn giao thông đường sắt xảy ra liên tiếp: "Mất bò mới lo làm chuồng"

27/03/2019 10:03

Các đường ngang đường sắt không có rào chắn; việc lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt còn diễn ra... nên tai nạn đường sắt liên tiếp xảy ra trong thời gian ngắn khiến nhiều người tử vong và bị thương.

Năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 8vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt, làm 6 người chết, 5 người bị thương thì chỉ trong hơn 1 tuần của tháng 3 năm nay đã xảy ra 2 vụ tai nạn làm 4 người chết và 3 người bị thương.

Tai nạn đã được cảnh báo trước

Mấy hôm nay gia đình ông Th. ở khu dân cư (KDC) Vũ Xá, phường Ái Quốc (TP Hải Dương) có đám tang. Cũng giống như các gia đình khác, ông Th. phải thuê người cảnh giới ở đường ngang đường sắt để bảo đảm an toàn cho khách ra vào đám. Nếu không có đám xá thì từ KDC Vũ Xá ra quốc lộ 5, các phương tiện vô tư vượt qua đường sắt, rất nguy hiểm.

Ngày 13 và 21.3 vừa qua, tại đường ngang đường sắt vào các KDC Vũ Xá, Vũ Thượng (đều thuộc phường Ái Quốc) đã liên tiếp xảy ra 2 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Vị trí xảy ra tai nạn đều ở các đường ngang không có người cảnh giới, không có rào chắn, tầm nhìn hạn hẹp. Tại các vị trí này trước đây cũng từng xảy ra TNGT đường sắt dẫn đến chết người. Ngày 21.3, chị Nguyễn Thị Mai Khanh (sinh năm 1974, ở phố Quán Thánh, TP Hải Dương) lái mô tô 34B3-11.017 chở chị Phạm Thị Tới (sinh năm 1970, ở thôn Thanh Xá, xã Liên Hồng, Gia Lộc) đi từ KDC Vũ Thượng ra quốc lộ 5 thì bị tàu hỏa LP3 đi hướng Hà Nội - Hải Phòng đâm vào. Cả 2nạn nhân tử vong tại chỗ, mô tô bị hư hỏng nặng. 

Chị Vũ Thị Hằng ở KDC Vũ Thượng có quán nước giáp ranh giữa cổng chào của khu và đường sắt. Hôm chị Khanh và chị Tới gặp tai nạn, chính chồng chị Hằng đã đuổi theo xe của chị Khanh để chặn lại nhưng không được. "Thấy cô cầm lái đeo tai nghe nhạc nên chồng tôi đuổi theo rất nhanh và hô hoán nhưng cô ấy không nghe thấy gì", chị Hằng cho biết. Cũng theo chị Hằng, bán nước ở đây đã lâu nên vợ chồng chị đã trở thành người cảnh giới bất đắc dĩ, nhiều người đã được cứu sống. "Có lần một chiếc ô tô cứ thế đi vào đường sắt khi tàu sắp tới, tôi phải cầm nón chạy ra đập liên tục vào kính thì lái xe mới biết để dừng lại. Chỗ này không sớm có rào chắn thì tôi lo rằng còn nhiều vụ khác xảy ra", chị Hằng cho biết thêm. Tại vị trí này, từ trước đến nay các vụ TNGT đều do nạn nhân đi từ trong KDC ra, còn từ quốc lộ 5 vào có tầm nhìn rất rộng nên lái xe dễ quan sát.

Cách đó vài trăm mét, tại giao cắt giữa đường bộ và đường sắt đoạn KDC Vũ Xá ngày 13.3 cũng xảy ra vụ tàu hỏa đâm ô tô Hyundai Accent 34A-066.13 khiến 2 người tử vong, 3 người bị thương. Tại vị trí này không có rào chắn nhưng có đèn tín hiệu và chuông cảnh báo. Có thể khi vượt qua đường sắt lái xe đã không chú ý quan sát nên không phát hiện tàu hỏa đang tới. Từ KDC Vũ Xá băng qua đường sắt ra quốc lộ 5, các lái xe cũng bị che khuất tầm nhìn bởi một số nhà tạm và biển quảng cáo.


Vị trí xảy ra tai nạn với tàu hỏa khiến 2 người tử vong, 3 người bị thương ở khu dân cư Vũ Xá mặc dù có chuông, đèn cảnh báo nhưng bị che khuất tầm nhìn (ảnh trái). 
Sau vụ tai nạn chết 2 người thì cây cối che khuất tầm nhìn tại khu dân cư Vũ Thượng mới được chặt bỏ (ảnh phải)

Cần giải pháp đồng bộ

Ngày 21.3 xảy ra tai nạn làm 2 phụ nữ chết thì hôm sau Công an phường Ái Quốc mới cho người ra chặt cây cối che khuất tầm nhìn ở đoạn cổng chào KDC Vũ Thượng ra quốc lộ 5. Nhưng hiện tại nếu từ KDC này đi ra, lái xe vẫn bị quán nước che khuất tầm nhìn bên phải, một cây đa to che khuất tầm nhìn bên trái. Nếu thoát được 2 "điểm mù" hai bên thì lái xe chỉ có thể phát hiện được tàu hỏa khi còn cách đường ray từ 4-5 m.

Một số người dân ở đây cho biết do thường xảy ra TNGT tại đường ngang đường sắt nên trước đây nhân dân đã đề nghị cơ quan chức năng và chính quyền phường nghiên cứu lắp đặt gác chắn nhưng chưa được thực hiện. "Tai nạn chết người rồi mới ra chặt cây cối che khuất tầm nhìn thì khác gì mất bò mới lo làm chuồng, không giải quyết vấn đề gì. Chỉ 1-2 tháng nữa cây lại mọc um tùm. Bây giờ cần phải có rào chắn và người lái xe phải dừng lại quan sát rồi mới đi qua mới hạn chế được tai nạn", một người dân khu Vũ Thượng cho biết.

Đường sắt Hà Nội - Hải Phòng đi qua huyện Cẩm Giàng, TP Hải Dương, huyện Thanh Hà và Kim Thành với chiều dài gần 46 km. Do hầu hết chạy song song với quốc lộ 5, nhiều đoạn có dân cư sinh sống ven đường nên tuyến đường sắt này có nhiều đường ngang dân sinh và lối đi tự mở, lái xe rất dễ nhầm tiếng còi tàu với còi ô tô. Nếu tính cả tuyến đường sắt Kép - Hạ Long thì đường sắt qua Hải Dương hiện có 43 đường ngang, trong đó 11 đường ngang có người gác chắn, 1 đường ngang cảnh báo tự động, 10 đường ngang có cảnh báo tự động và cần chắn tự động, 21 đường ngang có biển báo. Để hạn chế TNGT, sắp tới cơ quan chức năng và chính quyền các cấp sẽ hoàn thiện và đưa vào hoạt động 7 đường ngang cảnh báo tự động có cần chắn tự động.

Theo đại diện Tiểu ban An ninh trật tự, an toàn giao thông đường sắt tỉnh Hải Dương, toàn tỉnh hiện có tới 245 lối đi tự mở. Việc lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt tại một số địa phương vẫn diễn ra. Tình trạng lấy cắp thiết bị thông tin tín hiệu đường sắt chưa được xử lý triệt để. Ở nhiều vị trí, nhà cửa, cây cối che khuất tầm nhìn, che biển báo nhưng chậm được khắc phục. Đặc biệt ý thức của người tham gia giao thông còn rất hạn chế, không chú ý quan sát khi qua đường sắt. Đây là các nguyên nhân khiến TNGT đường sắt diễn biến phức tạp.

Theo ông Phạm Nguyễn Chiến, Trưởng Ban An ninh - An toàn giao thông đường sắt (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam), không chỉ tại Hải Dương, tình trạng mất an toàn tại các đường ngang đường sắt diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố. "Trong khi nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng, bảo đảm an toàn đường sắt còn hạn chế thì việc tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân khi qua đường sắt cần được các địa phương thực hiện liên tục. Người dân cần nâng cao ý thức để tự bảo vệ mình cũng như sự an toàn cho các phương tiện đường sắt", ông Chiến cho biết.

TIẾN HUY- ĐỖ QUYẾT

(0) Bình luận
Tai nạn giao thông đường sắt xảy ra liên tiếp: "Mất bò mới lo làm chuồng"