Giao thông - Đô thị

Hơn 1.000 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường sắt

TN (Tổng hợp) 24/04/2024 10:00

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, trên dọc hành trình tàu chạy Bắc-Nam vẫn có 1.087 điểm tiềm ẩn có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường sắt.

Đoàn tàu chạy qua một đường ngang có chốt trực của nhân viên gác chắn đường sắt. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đoàn tàu chạy qua một đường ngang có chốt trực của nhân viên gác chắn đường sắt. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bộ Giao thông vận tải vừa báo cáo Chính phủ kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông lĩnh vực đường sắt từ năm 2019 đến hết năm 2023.

Theo đó, từ năm 2019 đến hết năm 2023, cả nước đã thực hiện xóa bỏ được 777/4.093 lối đi tự mở (đạt 18,9%) trên địa bàn khu vực đông dân cư có mật độ chạy tàu cao và tại các vị trí tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông đường sắt đồng thời không để phát sinh lối đi tự mở trên các tuyến đường sắt.

Bộ Giao thông vận tải và địa phương đã thực hiện rào thu hẹp chiều rộng của 1.348/1.805 lối đi tự mở xuống dưới 3m đối với các lối đi tự mở có chiều rộng trên 3m (đạt 74,6%,); cắm biển "Chú ý tàu hỏa" tại 2.993/3.316 lối đi tự mở (đạt 90,2%); tổ chức cảnh giới tại 358/592 điểm (đạt 60,4%).

Địa phương và ngành đường sắt hiện mới xây dựng được 20.757m đường gom và 15.089m hàng rào ngăn cách giữa đường bộ-đường sắt; xây dựng hầm chui được 2/149 hầm (đạt 1,34%); xây dựng mới 3/297 đường ngang (đạt 1,01%).

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, một số địa phương đã chủ động đầu tư kinh phí rào đóng xóa bỏ các lối đi tự mở nguy hiểm, duy trì cảnh giới an toàn giao thông; hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các dự án xây dựng hệ thống đường gom, hàng rào cách ly dọc đường sắt vốn ngân sách Trung ương, giúp việc đi lại của nhân dân được thuận lợi, an toàn.

Đánh giá giai đoạn 2019-2023, trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt trong các năm qua tiếp tục được duy trì và cải thiện, đến nay, Bộ Giao thông Vận tải, ngành đường sắt và địa phương đã hoàn thành việc lập hồ sơ chi tiết và tổ chức quản lý vị trí nguy hiểm, lối đi tự mở; có 34/34 tỉnh thành đã xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện thu hẹp, giảm, xóa bỏ lối đi tự mở tại các địa phương.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã có đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương để triển khai thực hiện xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt theo kế hoạch, lộ trình được phê duyệt.

TN (Tổng hợp)
(0) Bình luận
Hơn 1.000 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường sắt