Sức trẻ trên đồng ruộng

04/09/2018 10:05

Nhiệt huyết, say mê của tuổi trẻ như thổi một làn gió mới, thêm một gam màu sáng vào bức tranh nông nghiệp tỉnh nhà...

Trang trại của anh Nguyễn Văn Đạt ở xã Hiệp An (Kinh Môn) sản xuất theo hướng hữu cơ cho thu lãi gần 300 triệu đồng mỗi năm

Khác người

Ít ai nghĩ rằng cơ ngơi sản xuất nông nghiệp khang trang cho thu lãi gần 300 triệu đồng mỗi năm tại khu đồng Vụ Sơn, xã Hiệp An (Kinh Môn) lại là gia tài của chàng thanh niên sinh năm 1998 Nguyễn Văn Đạt. Bố mẹ làm nông nghiệp nên từ nhỏ, anh Đạt đã thấu hiểu những vất vả, cực nhọc của công việc này. Nhưng thay vì lựa chọn hướng đi khác, anh Đạt lại quyết tâm bám trụ với nghề nông. Từ khi còn nhỏ, anh đã có mơ ước xây dựng một trang trại với vườn cây, ao cá, chuồng nuôi gia súc, gia cầm. Ước mơ này được bồi đắp thêm khi mới học lớp 7, anh đã xin bố mẹ cho nuôi 100 con gà đẻ trứng. Nghĩ con còn nhỏ, chưa hiểu được hết khó khăn, nhưng cũng không lỡ dập tắt ước mơ của con nên mẹ anh đồng ý và nghĩ rằng khi đối mặt với thực tế, anh sẽ dễ dàng từ bỏ. Dù vậy, anh chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc bởi thất bại không phải là thua cuộc, là đầu hàng mà là bài học kinh nghiệm cho những dự định lớn lao về sau.

Vừa học, vừa làm để "góp gió thành bão" nên đến năm lớp 12 anh Đạt đã tích cóp được hơn 200 triệu đồng. Tốt nghiệp xong, anh quyết định không học tiếp để toàn tâm toàn ý với nghề nông. Nhưng thời gian này cũng là lúc anh suy sụp nhất khi người bố luôn ủng hộ và là chỗ dựa vững chắc cho anh đột ngột qua đời. Sau khi lấy lại được thăng bằng, anh lại cố gắng viết tiếp ước mơ. Trang trại của anh Đạt không lớn, cây trồng, vật nuôi cũng không mới lạ, nhưng điểm khác biệt ở chỗ toàn bộ sản phẩm đều được sản xuất theo hướng hữu cơ, tận dụng tối đa nguồn lợi từ tự nhiên. Một điểm khác biệt nữa là chủ trang trại chưa đầy 20 tuổi, chưa được đào tạo qua bất kỳ trường lớp nào.

Dù mới chỉ là khởi đầu nhưng quyết định từ bỏ ngành xây dựng đã học 5 năm để theo đuổi đam mê nông nghiệp đã cho thấy bản lĩnh và quyết tâm của anh Vũ Văn Đại, sinh năm 1995, ở xã Chi Lăng Bắc (Thanh Miện). Tốt nghiệp Đại học Xây dựng (Hà Nội) ra trường, anh Đại không ở lại thành phố tìm kiếm cơ hội phát triển sự nghiệp mà trở về quê hương khởi nghiệp. Đầu năm 2017, nhờ các mối quan hệ, anh có được hợp đồng cung cấp tinh dầu húng quế cho một doanh nghiệp ở Tuyên Quang. Đầu ra đã có song những công đoạn thành phẩm lại không hề đơn giản. Từ việc thuê đất đến chọn giống, chăm sóc cây sao cho đạt tiêu chuẩn đều làm anh loay hoay. “Ngay từ đầu tôi đã xác định mọi thứ không dễ dàng, nhưng không ngờ rằng lại gặp nhiều trở ngại đến vậy. Tôi quyết không bỏ cuộc, sẽ nỗ lực làm từng việc, tháo gỡ dần từng khó khăn. Hiện tôi không thể biết được công việc này sẽ thành công hay thất bại, nhưng tôi có thể khẳng định đây chính là lựa chọn đúng đắn”, anh Đại cho biết. Có bàn tay của anh, 10 ha ruộng cấy lúa bấp bênh ở thôn Tào Khê đã trở thành vùng trồng rau húng quế xanh mướt.

Trăn trở với sản xuất sạch

Từng được trải nghiệm tại các nước có nền nông nghiệp hiện đại bậc nhất thế giới là Nhật Bản và Israel nên anh Nguyễn Trọng Quyết, sinh năm 1989, ở xã Đồng Tâm (Ninh Giang) luôn ấp ủ dự định có thể làm được điều gì đó để hướng nông dân tới sản xuất sạch.

Đầu năm 2016, sau khi ký kết được hợp đồng xuất khẩu hành tươi sang Nhật, anh Quyết xin nghỉ việc trong ngành dầu khí với mức lương ổn định, quyết tâm làm giàu từ nông nghiệp trên mảnh đất quê hương. Thuê 3 ha đất song anh không bắt tay vào làm ngay mà để hoang hóa 2 năm. Đây là cách khôi phục lại hệ sinh thái tự nhiên đang dần mất đi vì người dân lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học. Khi mọi điều kiện canh tác đã bảo đảm, anh mới tiến hành gieo trồng và chăm sóc theo quy trình nghiêm ngặt. Theo anh Quyết, người Nhật coi trọng tới chất lượng sản phẩm. Họ thường xuyên cử nhân viên sang cơ sở của anh để giám sát quy trình sản xuất. Nếu có sai sót xảy ra thì đơn hàng sẽ bị hủy. “Tiền mất có thể kiếm lại, nhưng uy tín mất đi khó có thể được tin tưởng lại lần nữa. Sản xuất nông nghiệp bế tắc là do người sản xuất đang tự giăng bẫy mình khi chỉ vì lợi ích trước mắt mà không thấy được ảnh hưởng lâu dài. Nếu nông dân ý thức được hậu quả của việc canh tác chộp giật thì có lẽ ngành nông nghiệp sẽ không đi vào ngõ cụt”, anh Quyết trăn trở.

Còn trẻ tuổi nhưng với kinh nghiệm nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu về nông nghiệp giúp anh Đạt nhận ra vấn đề lớn nhất ngành nông nghiệp đang gặp phải là khai thác thiếu bền vững các nguồn lợi tự nhiên. Đồng thời lệ thuộc quá nhiều vào các chất hóa học, làm ra các sản phẩm bảo đảm về mẫu mã, số lượng nhưng không đáp ứng được độ sạch. "Gắn bó với nông nghiệp, cái tôi muốn hướng đến không chỉ vì lợi nhuận mà còn vì cộng đồng. Con người đang phải trả giá bằng sức khỏe, thậm chí là tính mạng vì những lợi ích trước mắt. Vì thế, tôi luôn tâm niệm làm nông nghiệp phải có lương tâm", anh Đạt chia sẻ.

Trong quá trình sản xuất, anh Đạt không sử dụng thuốc kháng sinh cho vật nuôi, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu cho cây trồng. Trang trại của anh là một chuỗi khép kín, sản phẩm này sẽ là nguồn thức ăn cho sản phẩm kia. Sắp tới, anh Đạt có kế hoạch xây dựng một trang trại sinh thái trải nghiệm ở xã Hiệp Sơn (Kinh Môn) để mọi người biết tới nông sản sạch. Từ đó giúp người dân nâng cao nhận thức của cộng đồng về sản xuất sạch và sử dụng nông sản an toàn.

Cách nghĩ, cách làm của những người trẻ đã thắp lên nhiều hy vọng cho ngành nông nghiệp sau thời gian dài lúng túng. Khi người trẻ làm chủ đồng ruộng, sản xuất nông nghiệp sẽ không đi theo lối mòn mà sẽ có những bước tiến đầy mới mẻ và bản lĩnh.

DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sức trẻ trên đồng ruộng