Huy Hải là bút danh của Phạm Đình Thắng, một tác giả trẻ thế hệ 9X, quê ở thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang).
"Sống lại" là tập sách in riêng thứ ba của người con quê hương Hải Dương - tác giả Phạm Đình Thắng
Huy Hải là bút danh của Phạm Đình Thắng, một tác giả trẻ thế hệ 9X, quê ở thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang). Huy Hải bắt đầu viết từ năm 19 tuổi, có nhiều bài đăng trên các báo, tạp chí dành cho tuổi mới lớn như Áo trắng, Mực tím, Hoa học trò, Thiếu niên Tiền phong... Từng học Cao đẳng Dược Hải Dương và trải qua nhiều nghề nhưng với niềm say mê văn chương anh vẫn cần mẫn viết và đọc không ngừng. Sự miệt mài ấy đã đem lại cho anh trái ngọt đầu mùa, với nhiều sách in chung như Mình là thanh xuân của nhau (Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, in chung với Bảo Châu), Vì sao ta lại thương người đó? (Nhà xuất bản Hà Nội, in chung Duy Thành). Sách in riêng thì có Tìm nhau trong thành phố (Nhà xuất bản Kim Đồng), Đã biết sẽ có ngày hôm qua (Nhà xuất bản Phụ nữ). Đến giữa năm 2022, anh đã cho ra mắt bạn đọc tập sách in riêng thứ ba Sống lại (Nhà xuất bản Văn học và Công ty CP Sbooks phát hành). Tập sách vừa ra đời đã để lại nhiều dư âm trong lòng bạn đọc trẻ.
Theo tác giả, truyện dài Sống lại được lấy cảm hứng từ câu chuyện "Hồn Trương Ba da hàng thịt", đó là câu chuyện của chàng trai trẻ tên Hải vừa trở thành sinh viên năm nhất của một trường đại học thì bất ngờ gặp tai nạn trên đường trở về nhà. Tỉnh dậy ở nhà xác của bệnh viện khi đã là một linh hồn, cậu không tin mình đã chết. Cái chết đến quá đột ngột, phũ phàng, khi cậu còn quá trẻ khiến cậu bị sốc, cậu cũng đã quên hết mọi ký ức. Linh hồn của cậu trở về nhà chứng kiến tang lễ của mình, sự đau đớn của người thân, bạn bè rồi bay đi. Khi lên đến cổng thiên đường, chàng trai trẻ đòi quyền được sống lại với một thiên thần tập sự - người giúp những linh hồn siêu thoát nhưng mãi không trở thành một thiên thần chính thức của thiên đường. Cậu luôn chất vấn bản thân và chất vấn vị thiên thần tại sao cậu lại chết. Cậu còn trẻ, đầy khát khao, ước vọng, cái chết với cậu thật không công bằng. Cậu muốn được sống lại. Vị thiên thần tập sự cho cậu cơ hội sống lại trong thân thể một người khác, nhưng trước khi cậu đi đến đích cuối cùng để được sống lại, cậu phải đến chiếc gương Hồi Ức. Ở đó, người ta có thể thấy mình từ khi sinh ra đến khi chết đi. Cái gương đó như một camera dưới hạ giới. Cậu đã ở căn phòng đó và mỗi ngày vào xem chiếc gương Hồi Ức. Nhưng cứ sau mỗi lần được nhìn thấy quá khứ của mình hiện về thì khao khát sống lại của cậu lại vơi dần đi mà trong cậu là sự tiếc nuối, là nỗi đau khổ vì quãng thời tuổi trẻ mình đã thực sự không hề sống. Cuối cùng cậu quyết định không quay lại với hình hài người khác mà muốn được siêu thoát để có thể quay lại làm người ở kiếp sau, để thực sự được sống lại là chính mình, chứ không phải sống dưới vỏ bọc thân xác người khác.
Sống lại được viết với phương pháp hiện thực huyền ảo, dưới hình thức là câu chuyện xuyên không, bối cảnh đan xen thực hư, âm - dương, đi sâu vào khai thác tâm lý, với nhiều chi tiết hình tượng như hình ảnh chiếc gương Hồi Ức, hình ảnh đám tang, con mèo, vị thiên thần tập sự. Đặc biệt hình ảnh Hải, cậu thanh niên chết trẻ đã trải qua cái chết, nhờ chiếc gương Hồi Ức mới thấy những năm tháng qua mình đã sống lãng phí, sống mà như không sống. Chính lúc nhận ra điều đó là lúc linh hồn Hải đã thức tỉnh, đã sống lại và sẵn sàng vào vòng luân hồi để được siêu thoát. Qua đó, thông điệp mà Sống lại gửi đến người trẻ đó là đừng lãng phí năm tháng rực rỡ, hãy thức tỉnh, trân quý những gì mình đang có, hãy sống tích cực hơn. Bởi vì thanh xuân chỉ đến duy nhất một lần trong đời.
CẨM DƯƠNG